Lãi suất 8,5% không còn hiếm

Nếu chỉ 1 tháng trước, mức lãi suất huy động 8,5% hiếm hoi và chỉ áp dụng cho những món tiền gửi trăm tỷ đồng, thì nay mức lãi suất này đã là quá khứ khi các ngân hàng tìm đủ mọi cách để hút nguồn tiền, dù chỉ là món tiền nhỏ, từ 10 triệu đồng.

nhan-vien-bidv-ha-noi-dieu-chinh-lai-bang-lai-suat-anh-pham-hung.jpg
Nhân viên BIDV Hà Nội điều chỉnh lại bảng lãi suất. Ảnh: Phạm Hùng

Ngân hàng Bản Việt phát hành chứng chỉ tiền gửi với lãi suất lên tới 8,4%/năm kỳ hạn 18 tháng, nhận lãi cuối kỳ chỉ với mức tiền gửi từ 10 triệu đồng. Những kỳ hạn khác cũng có mức lãi suất khá cao như kỳ hạn 6 tháng lãi suất 7,5%/năm, 9 tháng là 7,8%/năm, 12 tháng 8%/năm... Lãi suất trên được cố định trong suốt thời gian gửi.

Kienlongbank cũng vừa tăng lãi suất cao nhất lên 8,6%/năm khi khách hàng gửi tiền từ 1 năm trở lên. Viet Capital Bank mới đây đã tăng lãi suất chứng chỉ tiền gửi 18 tháng lên mức 8,4%/năm. NamABank tăng lãi suất huy động cao nhất lên 8,4%/năm, áp dụng cho hình thức gửi tiền online, kỳ hạn từ 18 tháng, lĩnh lãi cuối kỳ.

Nhưng lãi suất này chưa phải là cao nhất thị trường hiện nay. ABBank vừa triển khai chương trình "Tiết kiệm thu sang - Gửi tiền phát lộc" với lãi suất cao nhất lên tới 8,6%/năm. Cụ thể, từ ngày 10/10 - 31/12/2022, khách hàng mở mới tài khoản tiết kiệm với giá trị bất kỳ tại ABBank theo kỳ hạn 6 tháng sẽ hưởng lãi suất 7,8%/năm, kỳ hạn 12 tháng hưởng lãi suất 8,5%/năm và kỳ hạn 15 tháng hưởng lãi suất lên tới 8,6%/năm.

Trong khi đó, SCB tiếp tục áp dụng tặng coupon lãi suất 0,5% cho khách hàng tham gia sản phẩm tiền gửi tại quầy, theo tất cả hình thức lĩnh lãi với kỳ hạn gửi từ 6 tháng đến 11 tháng (áp dụng đến 31/10). Với chính sách này, người gửi tiền tại SCB có thể được hưởng lãi suất cao nhất lên tới 8,92%/năm - mức lãi suất cao nhất hệ thống thời điểm hiện tại.

Theo Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS), tính đến đầu tháng 10, nhiều ngân hàng cổ phần đã tăng lãi suất huy động ở các kỳ hạn với mức tăng 0,9 - 1,1%. Tại những ngân hàng vừa và nhỏ, mức tăng lãi suất có thể tăng thêm đến 1,5%.

Ngay sau khi NHNN tăng lãi suất điều hành từ 23/9, các ngân hàng thương mại cũng đồng loạt điều chỉnh lãi suất tiền gửi thêm 1 - 1,5%/năm. Hiện mức lãi suất 8,5%/năm trên thị trường đã không còn hiếm gặp, thậm chí có những nhà băng niêm yết sát 9%/năm.

Tình trạng "rượt đuổi" lẫn nhau dẫn đến có ngân hàng trong một tuần tăng lãi suất 2 lần. Theo thừa nhận của giám đốc một chi nhánh MB tại Hà Nội, lãi suất sẽ phải tăng tiếp trong tháng tới.

Cuộc đua chưa dừng lại, áp lực với lãi vay

Lãi suất tăng khiến không chỉ người vay mà người gửi tiền cũng chóng mặt. Chị N.M.N (quận Hoàng Mai, TP Hà Nội) cho biết trong tuần qua liên tục được nhân viên của 3 ngân hàng gửi thông báo tăng lãi suất huy động. "Tôi phân vân không biết chọn gửi ngân hàng nào vì chỉ trong vài ngày mà có ngân hàng đã tăng lãi suất huy động đến 2 lần." - chị N nói.

Mặc dù các ngân hàng không ngừng nâng mặt bằng lãi suất huy động, song vẫn khó hút tiền nhàn rỗi trong dân, trong khi đó tăng trưởng tín dụng cao gấp đôi huy động vốn. Huy động của hệ thống ngân hàng năm nay ở mức thấp kỷ lục, 9 tháng đầu năm chỉ tăng 4,04 % (các năm khác tăng 8 - 9%). Trong khi tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 10,54% (cùng thời điểm năm 2021 tăng 7,17%).Tăng trưởng huy động không theo kịp tăng trưởng tín dụng, đã gây sức ép lên lãi suất huy động. Lãi suất liên ngân hàng cũng tăng vọt từ mức chưa đến 1%/năm, lên 6 - 7%/năm ở các kỳ hạn.

Công ty chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho rằng, mặt bằng lãi suất huy động nhiều khả năng tiếp tục tăng trong các tháng cuối năm 2022, do nhu cầu tín dụng tăng khi nền kinh tế phục hồi. Thanh khoản thị trường 1 cũng chịu nhiều áp lực, khi nhu cầu tiền mặt mùa cao điểm - Tết Nguyên Đán tăng cao vào cuối năm tiếp tục gây áp lực lên thanh khoản hệ thống.

Chưa kể, bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có lập trường tiếp tục tăng mạnh lãi suất để kìm lạm phát, đồng USD tăng giá và Đồng Việt Nam mất giá thêm khiến lãi suất VNĐ trở nên kém hấp dẫn. Theo tính toán, từ đầu năm đến nay USD đã tăng giá khoảng 5%. Trong nước, với tỷ lệ lạm phát gần mức mục tiêu (không quá 4%), giới chuyên môn cho rằng NHNN có khả năng điều chỉnh tăng thêm lãi suất tái cấp vốn trong vòng 2 quý tới. Mức tăng nhiều khả năng là 1 - 1,5%, tương ứng với kịch bản cơ sở lạm phát tăng 3,8%.

Trước chi phí đầu vào tăng tạo áp lực lên lãi vay, và khó có thể tránh được việc ngân hàng điều chỉnh lãi suất cho vay. Nếu tính theo hệ số NIM (biên lãi ròng) của các ngân hàng thương mại đang áp dụng (trung bình 3%), lãi suất cho vay phải tương đương mức 12%/năm cho kỳ hạn 1 năm trở lên.

Thực tế, ngay sau khi lãi suất huy động tăng, lãi suất cho vay được nhiều ngân hàng đẩy tăng mạnh. Trong đó, mức điều chỉnh thấp nhất là ở khối ngân hàng thương mại có vốn nhà nước. Theo đó, lãi suất cho vay DN tăng 0,1 - 0,5%/năm, lãi suất cho vay cá nhân tăng dưới 1%/năm. Ở khối ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân, lãi suất cho vay DN tăng tới 0,5 - 1%/năm. Riêng lãi suất cho vay cá nhân tăng tới 2 - 4%/năm so với đầu năm, chủ yếu là cho vay mua nhà, mua xe…

Thảo Nguyên