Theo Báo cáo tài chính (BCTC) hợp nhất quý 3/2022, thu nhập lãi thuần của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV, HOSE: BID) đạt mức 14.098,4 tỷ đồng, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Các hoạt động ngoài lãi cũng ghi nhận mức tăng trưởng tương đối khả quan.
Lãi lớn nhưng nợ xấu và nợ trái phiếu của Ngân hàng BIDV tăng mạnh.
Cụ thể trong quý 3, hoạt động kinh doanh ngoại hối của Ngân hàng BIDV tăng 75,4% đạt 801,4 tỷ đồng; Hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh lãi 5,7 tỷ đồng, trong khi quý 2/2022 lỗ tới 64,2 tỷ đồng; Lãi từ hoạt động khác đạt mức 1.056,5 tỷ đồng, tăng 33%.
Trong khi đó, lãi từ hoạt động dịch vụ giảm 9.60% xuống còn 1.441,2 tỷ đồng; Hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư giảm 66% xuống còn 51.446 tỷ đồng.
Ở chiều ngược lại, trong kỳ chi phí hoạt động của Ngân hàng BIDV tăng 7,5% lên mức 5.452,2 tỷ đồng; Chi phí dự phòng giảm 27,6% xuống mức 5.429 tỷ đồng.
Bởi vậy, quý 3/2022, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng BIDV đạt 5.354,2 tăng gấp 2,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Luỹ kế 9 tháng đầu năm, ngân hàng này đạt 17.677 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 64,7% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 85,8% kế hoạch năm.
Tính đến ngày 30/9/2022, tổng tài sản của Ngân hàng BIDV đạt hơn 2 triệu tỷ đồng, tăng 16,3% so với hồi đầu năm. Trong đó, huy động tiền gửi khách hàng tăng 2,4% đạt hơn 1,4 triệu tỷ đồng; Cho vay khách hàng tăng 10,5% lên mức gần 1,5 triệu tỷ đồng.
Tuy nhiên, chất lượng tín dụng của Ngân hàng BIDV đang có dấu hiệu đi xuống khi tổng nợ xấu tính đến ngày 30/09/2022 tăng hơn 48,5% so với hồi đầu năm lên mức hơn 20.125 tỷ đồng. Trong đó, Nợ dưới tiêu chuẩn (Nợ nhóm 3) tăng 2,8% lên mức hơn 2.834 tỷ đồng; Nợ nghi ngờ (Nợ nhóm 4) tăng 18,6% lên mức 4.160 tỷ đồng; Đặc biệt, Nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5) tăng đến 1,8 lần so với đầu năm lên mức gần 13.131 tỷ đồng, chiếm hơn 65% tổng nợ xấu của BIDV.
Do đó, tỷ lệ nợ xấu của Ngân hàng BIDV tăng từ 1% hồi đầu năm lên 1,35% tại thời điểm 30/9.
Trong bối cảnh Bộ Tài chính vừa công bố Nghị định 65/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp, có hiệu lực từ ngày 16/9/2022, Ngân hàng BIDV “miệt mài” mua lại hàng loạt lô trái phiếu trước hạn.
Cụ thể, theo Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), từ tháng 4 đến tháng 9/2022, Ngân hàng BIDV đã mua lại toàn bộ lại 17 lô trái phiếu khác nhau với tổng giá trị 12.672 tỷ đồng. Các lô trái phiếu này chủ yếu được phát hành trong năm 2020, có kỳ hạn 7 năm.
Từ tháng 4 – 5/2022, Ngân hàng BIDV đã mua lại toàn bộ trước hạn 2 lô trái phiếu BID2_RL_20.02, BID2_RL_20.15 với tổng giá trị 1.216 tỷ đồng.
Tháng 6/2022, nhà băng này mua lại mua lại toàn bộ trước hạn tới 6 lô trái phiếu có tổng giá trị 4.506 tỷ đồng.
Từ tháng 7 đến tháng 8/2022, Ngân hàng BIDV tiếp tục mua lại toàn bộ trước hạn 6 lô trái phiếu với tổng giá trị 5.859 tỷ đồng.
Đến tháng 9/2022, ngân hàng mua lại toàn bộ trước hạn 3 lô trái phiếu có giá trị 1.091 tỷ đồng.
Mặc dù mua lại toàn bộ tới 17 lô trái phiếu trước hạn nhưng rủi ro từ trái phiếu của ngân hàng BIDV không những không giảm xuống mà còn tăng trưởng mạnh mẽ. Nguyên nhân là do BIDV phát hành tới 28 lô trái phiếu có giá trị tới đến 21.872 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm.
Theo HNX, trong tháng 4 và tháng 5/2022, Ngân hàng BIDV phát hành thành công 4 lô trái phiếu 2.350 tỷ đồng.
Đặc biệt, tháng 6/2022, BIDV đã huy động tới 12.155 tỷ đồng trái phiếu thông qua 10 lô trái phiếu khác nhau.
Tháng 7/2022, Ngân hàng BIDV tiếp tục phát hành 8 lô trái phiếu với tổng giá trị 4.649 tỷ đồng.
6 lô trái phiếu còn lại với giá trị 2.718 tỷ đồng được ngân hàng này phát hành trong tháng 8 và tháng 9.
Tính đến ngày 30/9/2022, Ngân hàng BIDV đang lưu hành tới 109 lô trái phiếu với giá trị hơn 55.948 tỷ đồng.
Kim Thương - Hồ Nam