Cập nhật mới nhất của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tính đến cuối tháng 6, lượng tiền gửi dân cư tại hệ thống ngân hàng đạt gần 5,62 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 6,02% so với đầu năm và cao hơn nhiều mức tăng 2,94% cùng kỳ năm ngoái.
So với cuối năm 2021, người dân đã gửi ròng vào hệ thống gần 319 nghìn tỷ đồng - gấp 2,1 mức tăng 152,2 tỷ đồng của cùng kỳ năm ngoái và cũng gấp đôi so với mức tăng 158,6 tỷ đồng của cả năm 2021.
Còn về phía tiền gửi của tổ chức tại hệ thống ngân hàng, mức tăng trong 6 tháng đầu năm nay ở mức 3,61%, thấp hơn so với mức 4,78% cùng kỳ năm ngoái.
Dòng tiền gửi của người dân chảy mạnh vào hệ thống ngân hàng trong bối cảnh các kênh đầu tư vốn “nóng” từ vài năm trước như chứng khoán, bất động sản, trái phiếu, tiền điện tử đang gặp nhiều biến động trong khi lãi suất huy động liên tục tăng từ đầu năm tới nay biến tiết kiệm trở thành kênh trú ẩn an toàn cho người dân.
Khảo sát cho thị trường cho thấy, từ cuối tháng 7, đầu tháng 8, nhiều ngân hàng thương mại tiếp tục tăng lãi suất huy động thêm 0,1-0,5 điểm %, tùy kỳ hạn. Theo đó, lãi suất huy động từ đầu năm tới nay đã được điều chỉnh tăng từ 0,8-1 điểm %.
Theo giới phân tích, từ nay đến cuối năm, lãi suất huy động sẽ tiếp tục chịu áp lực tăng khi tín dụng tăng trưởng mạnh mẽ trong giai đoạn phục hồi kinh tế trong khi các ngân hàng phải cạnh tranh gay gắt với các kênh đầu tư hấp dẫn như bất động sản và chứng khoán.
Ngoài ra, áp lực lạm phát tiếp tục hiện hữu trong các tháng tiếp theo cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng gây áp lực lên lãi suất tiền gửi.
Châu Giang