Năm 2022 lợi nhuận ngành ngân hàng tiếp tục ghi nhận thêm nhiều “kỷ lục” mới. Thống kê từ báo cáo tài chính của 26 ngân hàng niêm yết cho thấy, trong năm qua, 26 thành viên này đã tạo ra khối lợi nhuận lên tới gần 245,6 nghìn tỷ đồng, tương đương khoảng gần 10,3 tỷ USD, tăng trưởng 34% so với kết quả đạt được trong năm 2021.
Thống kê cũng cho thấy, có tới 22/26 ngân hàng (gần 85%) ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng trong năm qua, với mức tăng từ 10% đến 200%. Với mức tăng trưởng này, 2022 cũng là năm đạt lợi nhuận cao nhất từ trước tới nay tại nhiều ngân hàng.
Trong đó, Vietcombank, Techcombank, BIDV, MB, VPBank, VietinBank là những nhà băng ghi nhận lợi nhuận đứng đầu hệ thống, đều đạt trên 20 nghìn tỷ đồng tại mỗi thành viên. Đáng chú ý, Vietcombank đang giữ vị trí quán quân với khoản lãi hơn 37 nghìn tỷ đồng, tăng 36% so với năm trước.
Riêng “ông lớn” ngân hàng quốc doanh Agribank dù chưa công bố BCTC nhưng lãnh đạo nhà băng này cũng cho biết, năm qua, ngân hàng đã vượt chỉ tiêu lợi nhuận Bộ Tài chính giao trước đó là 20 nghìn tỷ đồng.
Cũng trong năm qua, nhiều ngân hàng ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận ấn tượng như Eximbank (208%), BIDV (70%), LienVietPostBank (56%), HDBank lợi nhuận 10.268 tỷ đồng, tăng trưởng 27%...
Ngân hàng và doanh nghiệp vốn nằm trong tâm thế cộng sinh, phụ thuộc lẫn nhau để cùng nhau tồn tại và phát triển.
Tuy nhiên, tại Hội nghị đối thoại kết nối ngân hàng-doanh nghiệp do UBND TP.Hồ Chí Minh tổ chức mới đây, nhiều doanh nghiệp phản ánh luôn ở thế yếu và thua thiệt khi tiếp cận với nguồn vốn vay của các ngân hàng.
Thực tế này càng trở nên đáng chú ý hơn trong bối cảnh gần 3 năm qua, khi nền kinh tế tăng trưởng thấp kỷ lục, nhiều doanh nghiệp đổ vỡ, phá sản, ngừng hoạt động, rút khỏi thị trường nhưng hầu hết nhà băng vẫn ghi nhận lợi nhuận cao kỷ lục.
>>> Đọc thêm: Nhiều doanh nghiệp buộc phải bán cho nước ngoài do "đói vốn"?
Trao đổi với chúng tôi, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng đánh giá, tình trạng doanh nghiệp gặp khó khăn, "đói vốn" hiện nay đã trở nên rất phổ biến khi tất cả "cánh cửa vốn" của doanh nghiệp đang bị thu hẹp lại.
"Thị trường chứng khoán giao dịch ảm đạm, thị trường trái phiếu thì gần như đóng băng. Trong khi đó, lãi suất cho vay của ngân hàng lại cao ngất ngưởng mà để được ngân hàng rót vốn cũng không hề dễ dàng", TS. Hiếu nói.
Thậm chí, ngay cả những gói hỗ trợ lớn của Chính phủ cũng rất khó được tiếp cận ở thời điểm hiện tại. Điển hình như gói hỗ trợ lãi suất trị giá 40 nghìn tỷ của Chính phủ đến thời điểm này mới chỉ được giải ngân không đáng kể.
Theo chuyên gia, việc các nhà băng thận trọng trong việc giải ngân không phải là không có lý khi mức độ rủi ro trên thị trường đang rất lớn.
"Các ngân hàng lo ngại nợ xấu nên có tiền cũng không dám cho vay nhiều, chỉ các khách hàng thực sự tốt, có tài sản đảm bảo lớn mới được giải ngân", TS. Hiếu nói.
Cũng theo đánh giá của chuyên gia, một nguyên nhân quan trọng khác khiến ngân hàng không thể cho vay mạnh tay là do chính bản thân họ cũng đang gặp nhiều khó khăn.
"Sau khi Thông tư 14 về cơ cấu lại hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ của khách hàng kết thúc, nhiều khoản vay quay trở về "bản chất" thực khiến nợ xấu đang tăng rất nhanh ở một số ngân hàng. Tiền cho vay ra không quay trở lại được hệ thống khiến ngân hàng gặp khó khăn, họ phải tăng huy động vốn để bù vào chỗ hổng này, do đó đẩy lãi suất huy động lên cao, họ phải xoay sở để có thanh khoản trước đã. Khả năng ngân hàng cho vay ra rất thấp, bởi bản thân họ cũng gặp khó khăn nên hoạt động tín dụng của họ rất chậm", TS. Hiếu lý giải.
Về những con số lãi nghìn tỷ được các ngân hàng công bố trên báo cáo tài chính, chuyên gia cho rằng, cần thêm nhiều thông tin để kiểm chứng.
"Tôi biết có những ngân hàng lãi rất lớn nhưng họ lại tăng mạnh dự phòng để giảm lãi, giảm thuế, ngược lại, có những ngân hàng thực sự lỗ nhưng trên sổ sách báo cáo thì con số lợi nhuận vẫn rất đẹp để có thể thu hút nhà đầu tư đầu tư, phát hành cổ phiếu.
Với ngành ngân hàng, vấn đề lãi lỗ là rất khó đoán định, trừ trường hợp phải ở trong ngân hàng và có những điều tra xem dòng tiền thực có hay không, đó là một vấn đề rất khó. Tôi không có sự tin tưởng tuyệt đối vào con số lãi của ngân hàng trong năm 2022", chuyên gia khẳng định.
Liên quan đến phản ánh do đói vốn, nhiều doanh nghiệp phải bán mình cho nước ngoài, mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo nghiên cứu, đánh giá kỹ thông tin báo nêu, có giải pháp phù hợp để hỗ trợ doanh nghiệp theo quy định.