Ảnh minh họa.
Ngân hàng Nhà nước mới đây đã có văn bản trả lời kiến nghị cử tri TP.Hà Nội về yêu cầu làm rõ trách nhiệm của các ngân hàng khi tư vấn, bảo lãnh phát hành trái phiếu cho doanh nghiệp có nhiều sai phạm, để bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người dân.
Trước kiến nghị của cử tri, Ngân hàng Nhà nước cho biết, theo chỉ đạo của Thủ tướng, thời gian qua cơ quan này đã thanh tra đột xuất và ban hành kết luận thanh tra hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp tại 11 ngân hàng. Dựa vào kết quả thanh tra, Ngân hàng Nhà nước đã xử phạt hành chính với những ngân hàng vi phạm.
Theo Ngân hàng Nhà nước, việc thanh tra và xử lý góp phần phòng ngừa, phát hiện và xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật và các rủi ro nguy cơ gây mất an toàn hoạt động.
Hiện Ngân hàng Nhà nước đã chỉ thị cơ quan thanh tra giám sát trong năm nay phải thanh tra có trọng điểm, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về tiền tệ, ngân hàng, cơ cấu lại, xử lý nợ xấu...
Đồng thời, cảnh báo kịp thời, xử lý nghiêm vi phạm đối với việc cấp tín dụng của các ngân hàng trong lĩnh vực rủi ro, phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro, hạch toán lại dự thu.
Ngân hàng Nhà nước sẽ xử lý nghiêm các ngân hàng để xảy ra các vi phạm đã cảnh báo, ngân hàng chậm khắc phục sai phạm.
Liên quan đến việc này, ngày 3/12/2021, Văn phòng Chính phủ đã ban hành Công điện số 8857/CĐ-VPCP về tăng cường công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tình hình và hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng, kịp thời phát hiện và cảnh báo các rủi ro và có biện pháp xử lý theo quy định, bảo đảm an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng.
Được biết, sau chỉ đạo của Thủ tướng, đến thời điểm tháng 4/2022, cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng đã tiến hành thanh tra tại 7 ngân hàng gồm Techcombank, TP Bank, SHB, PVCombank, VietBank, SeABank.
Tuy nhiên, riêng tại Techcombank, mặc dù là 1 trong 7 ngân hàng trong diện bị Ngân hàng Nhà nước thanh tra về hoạt động đầu tư trái phiếu nhưng ngân hàng này đã phát hành thành công gần 12.000 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ trong vòng chưa đầy 3 tháng sau thanh tra.
Cụ thể, theo Báo cáo tài chính hợp nhất soát xét 6 tháng đầu năm 2022, tính đến ngày 30/6/2022, tổng giá trị chứng khoán đầu tư sẵn sàng để bán của ngân hàng này đạt 97.227 tỷ đồng.
Trong đó, trái phiếu do các tổ chức tín dụng khác là gần 25.435 tỷ đồng, chiếm hơn 26% tổng giá trị chứng khoán đầu tư sẵn sàng để bán; Chứng khoán Chính phủ ghi nhận 22.169 tỷ đồng, chiếm 22,8% và lượng trái phiếu doanh nghiệp tại Techcombank đạt 49.345 tỷ đồng, chiếm tới 50,7% tổng giá trị đầu tư.
Theo Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), trong vòng chưa đầy 3 tháng, Techcombank đã hoàn tất phát hành 11 lô trái phiếu với tổng giá trị lên tới 11.950 tỷ đồng.
>>>Đọc thêm:VCBS: “Ôm” nhiều trái phiếu bất động sản, Techcombank đối mặt rủi ro
Trong vòng chưa đầy 3 tháng, Techcombank đã phát hành tới 11 lô trái phiếu.
Cụ thể, từ ngày 29/4/2022 đến ngày 15/7/2022,Techcombank đã hoàn tất phát hành các lô trái phiếu TCBL2225001, TCBL2225002, TCBL2225003, TCBL2225004, TCBL2225005, TCBL2225006, TCBL2225007, TCBL2225008, TCBL2225009, TCBL2225010 và TCBL2225011.Tất cả các lô trái phiếu này đều có kỳ hạn 36 tháng, đáo hạn từ tháng 4 - 7/2025.
Hiện theo báo cáo cập nhật của Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) vừa phát hành, đến thời điểm hiện tại, Techcombank vẫn đang nắm giữ 41.015 tỷ đồng trái phiếu.
“Số trái phiếu này chiếm 9% tổng danh mục tín dụng; trong đó có nhiều trái phiếu của các công ty hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, ngân hàng có thể sẽ phải đối mặt với rủi ro nếu các công ty này gặp vấn đề về thanh khoản, đặc biệt là với những lô trái phiếu đáo hạn trong năm 2023, từ đó làm tăng áp lực dự phòng tài chính cho ngân hàng”, VCBS nhận định.
Theo quy định hiện hành, ngân hàng không được mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành để cơ cấu lại khoản nợ của doanh nghiệp hay để tăng quy mô vốn hoạt động. Các nhà băng cũng không được mua trái phiếu doanh nghiệp để góp vốn, mua cổ phần tại doanh nghiệp khác. Bên cạnh đó, các nhà băng không được bán trái phiếu doanh nghiệp cho công ty con của chính tổ chức tín dụng...