Minh bạch hóa mục đích sử dụng vốn
Nghị định 65/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung các quy định về mục đích phát hành trái phiếu. Việc sửa đổi bổ sung này nhằm tăng cường trách nhiệm và nghĩa vụ của doanh nghiệp phát hành trong việc sử dụng tiền thu từ phát hành trái phiếu đúng mục đích.
Nội dung sửa đổi được Nghị định 65/2022/NĐ-CP cụ thể như sau: mục đích phát hành trái phiếu là để thực hiện các chương trình, dự án đầu tư, cơ cấu lại nợ của chính doanh nghiệp hoặc mục đích phát hành trái phiếu theo quy định của pháp luật chuyên ngành. Doanh nghiệp phải nêu cụ thể mục đích phát hành tại phương án phát hành và công bố thông tin cho nhà đầu tư đăng ký mua trái phiếu. Việc sử dụng vốn huy động từ phát hành trái phiếu của doanh nghiệp phải đảm bảo đúng mục đích theo phương án phát hành và nội dung công bố thông tin cho nhà đầu tư.
Nghị định 65/2022/NĐ-CP còn bổ sung khoản 4 và khoản 5 Điều 5 về nguyên tắc phát hành và sử dụng vốn trái phiếu.
Theo đó, đối với trái phiếu đã phát hành tại thị trường trong nước, doanh nghiệp chỉ được thay đổi điều kiện, điều khoản của trái phiếu quy định tại Điều 6 nghị định này khi: Được cấp có thẩm quyền của doanh nghiệp phát hành thông qua; được số người sở hữu trái phiếu đại diện từ 65% tổng số trái phiếu cùng loại đang lưu hành trở lên chấp thuận.
Cùng với đó, tại Điều 22, Nghị định 65/2022/NĐ-CP cũng đã bổ sung các thông tin về việc thay đổi điều kiện, điều khoản của trái phiếu phải được doanh nghiệp phát hành công bố thông tin bất thường.
Nghị định 65/2022/NĐ-CP, làm rõ hơn về Nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp
Trước đó, Nghị định153/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 xác định những đối tượng là Nhà đầu tư hứng khoán chuyên nghiệp. Tại Nghị định 65/2022/NĐ-CP đã bổ sung cách thức xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là đối tượng được phép đầu tư và giao dịch trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ.
Theo đó, nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là nhà đầu tư có năng lực tài chính hoặc có trình độ chuyên môn về chứng khoán theo quy định tại Điều 11 Luật Chứng khoán. Tổ chức có trách nhiệm xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp và tài liệu xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp thực hiện theo quy định tại Điều 4 và Điều 5 Nghị định số 155/2020/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán và các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế, ngoại trừ việc xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp quy định tại điểm d khoản này.
Việc xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 11 Luật Chứng khoán để mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ phải đảm bảo danh mục chứng khoán niêm yết, đăng ký giao dịch do nhà đầu tư nắm giữ có giá trị tối thiểu 2 tỷ đồng được xác định bằng giá trị thị trường bình quân theo ngày của danh mục chứng khoán trong thời gian tối thiểu 180 ngày liền kề trước ngày xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, không bao gồm giá trị vay giao dịch ký quỹ và giá trị chứng khoán thực hiện giao dịch mua bán lại. Việc xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp tại điểm này có giá trị trong vòng 3 tháng kể từ ngày được xác nhận.
Một điểm mới khác của Nghị định 65/2022/NĐ-CP là bổ sung quy định về đại diện người sở hữu trái phiếu để tăng cường việc giám sát mục đích sử dụng vốn trái phiếu của doanh nghiệp phát hành, cũng như tăng cường giám sát việc thực hiện các cam kết khác của doanh nghiệp phát hành.
Cụ thể, đại diện người sở hữu trái phiếu thực hiện chế độ báo cáo cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, sở giao dịch chứng khoán định kỳ hàng quý, hàng năm và báo cáo trong trường hợp phát hiện tổ chức phát hành có hành vi vi phạm ảnh hưởng đến quyền lợi của người sở hữu trái phiếu.
Đại diện người sở hữu trái phiếu có trách nhiệm tuân thủ quy định của pháp luật chứng khoán và quy định tại Điều 14 Nghị định 65/2022/NĐ-CP khi cung cấp dịch vụ đại diện người sở hữu trái phiếu và chịu sự quản lý, giám sát của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước theo quy định. Trường hợp vi phạm quy định của pháp luật khi cung cấp dịch vụ tùy theo tính chất và mức độ vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Người đại diện giám sát mục đích sử dụng vốn doanh nghiệp
Điểm rất đáng chú ý trong Nghị định 65/2022/NĐ-CP bổ sung quy định về đại diện người sở hữu trái phiếu để tăng cường việc giám sát mục đích sử dụng vốn trái phiếu của doanh nghiệp phát hành, cũng như tăng cường giám sát việc thực hiện các cam kết khác của doanh nghiệp phát hành.
Cụ thể, đại diện người sở hữu trái phiếu thực hiện chế độ báo cáo cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, sở giao dịch chứng khoán định kỳ hàng quý, hàng năm và báo cáo trong trường hợp phát hiện tổ chức phát hành có hành vi vi phạm ảnh hưởng đến quyền lợi của người sở hữu trái phiếu.
Đại diện người sở hữu trái phiếu có trách nhiệm tuân thủ quy định của pháp luật chứng khoán và quy định tại Điều 14 Nghị định 65/2022/NĐ-CP khi cung cấp dịch vụ đại diện người sở hữu trái phiếu và chịu sự quản lý, giám sát của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước theo quy định. Trường hợp vi phạm quy định của pháp luật khi cung cấp dịch vụ tùy theo tính chất và mức độ vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Một chuyên gia không muốn nêu tên cho biết, quy định này nếu làm đúng, sẽ nâng cao vai trò nhà đầu tư trong quá trình tự đảm bảo quyền trái chủ của mình. Tuy nhiên, ông cũng lo ngại sẽ có trường hợp các nhóm nhà đầu tư sẽ được các bên trung gian phân phối trái phiếu "đảm bảo" cử người đại diện giám sát doanh nghiệp, chủ thể phát hành, qua đó làm giảm nhẹ vai trò giám sát thực sự của các trái chủ.
Xếp hạng tín nhiệm không hoàn toàn bắt buộc
Về nội dung bắt buộc xếp hạng tín nhiệm, Nghị định 65/2022/NĐ-CP Sửa đổi khoản 2, khoản 3 và khoản 4 Điều 12; trong đó với khoản 2- Hồ sơ chào bán trái phiếu bao gồm các tài liệu cơ bản, mục e quy định tài liệu "Kết quả xếp hạng tín nhiệm đối với doanh nghiệp phát hành trái phiếu nếu doanh nghiệp phát hành thuộc các trường hợp phải xếp hạng tín nhiệm và thời điểm áp dụng theo quy định tại khoản 2 Điều 19 và khoản 3 Điều 310 Nghị định số 155/2020/NĐ-CP".
Như vậy, không phải 100% doanh nghiệp phát hành trái phiếu riêng lẻ bắt buộc phải có kết quả xếp hạng tín nhiệm.
Theo khoản 2 Điều 19 - Điều kiện phát hành trái phiếu ra công chúng, tổ chức phát hành hoặc trái phiếu đăng ký chào bán phải được xếp hạng tín nhiệm bởi tổ chức xếp hạng tín nhiệm được Bộ Tài chính cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh trong các trường hợp:
a) Tổng giá trị trái phiếu theo mệnh giá huy động trong mỗi 12 tháng lớn hơn 500 tỷ đồng và lớn hơn 50% vốn chủ sở hữu căn cứ trên báo cáo tài chính kỳ gần nhất trong các báo cáo sau: báo cáo tài chính năm gần nhất được kiểm toán hoặc báo cáo tài chính bán niên gần nhất được soát xét (trường hợp tổ chức phát hành là đối tượng phải công bố báo cáo tài chính bán niên được soát xét) bởi tổ chức kiểm toán được chấp thuận; hoặc
b) Tổng dư nợ trái phiếu theo mệnh giá tính đến thời điểm đăng ký chào bán lớn hơn 100% vốn chủ sở hữu căn cứ trên báo cáo tài chính kỳ gần nhất trong các báo cáo sau: báo cáo tài chính năm gần nhất được kiểm toán hoặc báo cáo tài chính bán niên gần nhất được soát xét (trường hợp tổ chức phát hành là đối tượng phải công bố báo cáo tài chính bán niên được soát xét) bởi tổ chức kiểm toán được chấp thuận.
Theo khoản 3 Điều 310 Nghị định số 155/2020 - Điều khoản chuyển tiếp "Quy định tại khoản 2 Điều 19 Nghị định này được áp dụng sau 02 năm kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực". Nghị định 155 có hiệu lực từ ngày 1/1/2021, tức các trường hợp doanh nghiệp phải áp dụng xếp hạng tín nhiệm trong trường hợp theo quy định tại Nghị định 155 như các khoản, điều nêu trên, cũng sẽ có hiệu lực bắt buộc kể từ ngày 1/1/2023.
Theo đó, dù Nghị định 65 có hiệu lực thi hành từ ngày 16 tháng 9 năm 2022, riêng trường hợp doanh nghiệp phải có kết quả xếp hạng tín nhiệm bắt buộc cũng sẽ chỉ áp dụng vào đầu năm tới.
Tăng điều khoản về công bố thông tin để thị trường minh bạch hơn
Nhằm khắc phục một số bất cập phát sinh trên thực tiễn thời gian qua, Nghị định 65/2022/NĐ-CP cũng sửa đổi một số quy định về thời hạn và nội dung công bố thông tin để tăng cường tính minh bạch của doanh nghiệp phát hành trái phiếu và việc sử dụng vốn phát hành trái phiếu của doanh nghiệp.
Theo đó, tại nghị định này, thời hạn công bố thông tin về kết quả chào bán trái phiếu được quy định rút từ 10 ngày xuống còn 5 ngày. “Chậm nhất 5 ngày làm việc kể từ ngày hoàn thành đợt chào bán trái phiếu, doanh nghiệp công bố thông tin về kết quả của đợt chào bán cho các nhà đầu tư sở hữu trái phiếu và gửi nội dung công bố thông tin đến sở giao dịch chứng khoán. Trường hợp doanh nghiệp chào bán không thành công hoặc hủy đợt chào bán trái phiếu, chậm nhất 5 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc việc phân phối trái phiếu, doanh nghiệp công bố thông tin và gửi nội dung công bố thông tin đến sở giao dịch chứng khoán” – Nghị định 65/2022/NĐ-CP quy định.
Nghị định cũng quy định các nội dung về công bố thông tin thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính./.
Hoa Vinh