Ảnh minh hoạ.
Những năm gần đây, sự bùng nổ của thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã góp phần quan trọng giúp các doanh nghiệp tư nhân; trong đó có không ít các doanh nghiệp bất động sản trong nước phát triển mạnh mẽ về quy mô.
Tuy nhiên, kênh này cũng đang có nhiều rủi ro với người cho vay, nhất là khi phát triển quá nóng gần đây. Vụ hơn 10 nghìn tỷ trái phiếu Tân Hoàng Minh bị hủy bỏ và ông chủ Đỗ Anh Dũng bị khởi tố về hành vi lừa đảo cho thấy sự phức tạp và nguy cơ của thị trường này.
Mới đây nhất, bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát cũng bị bắt với cáo buộc gian dối trong phát hành và mua bán trái phiếu càng cho thấy sự phức tạp của thị trường.
Theo Báo cáo “Triển vọng thị trường trái phiếu tháng 9/2022- Điểm nhấn từ xu hướng tăng lãi suất” vừa được Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) phát hành, ước tính khối lượng đáo hạn TPDN trong quý 4/2022 đạt 85.000 tỷ đồng, trong đó tập trung ở nhóm các ngân hàng (chiếm 53,4%), bất động sản (chiếm 27%).
Theo dữ liệu tổng hợp, riêng về khối ngân hàng, đứng đầu danh sách trái phiếu đáo hạn quý 4 là Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank, mã chứng khoán: TCB) với 15.400 tỷ đồng, theo sau là Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) với 8.000 tỷ đồng.
Cùng có mức trái phiếu đáo hạn 8.000 tỷ đồng còn có Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng. Tiếp đó sau là Ngân hàng TMCP Bưu Điện Liên Việt với 4.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, còn có Ngân hàng TMCP Phương Đông với 2.000 tỷ đồng, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín cũng 2.000 tỷ đồng, Ngân hàng TMCP Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh với 1.800 tỷ đồng, Ngân hàng TMCP An Bình 1.600 tỷ đồng, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam với 1.135 tỷ đồng….
Techcombank không liên quan gì đến các khoản vay của Vạn Thịnh Phát
Đó là lời trấn an của ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch Techcombank cách đây mấy tháng, tại phiên họp cổ đông thường niên (23/4/2022).
Tại đại hội trên, ông Hồ Hùng Anh cho biết, ngân hàng đang nắm giữ khoảng 62.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp. Techcombank giữ trái phiếu nhiều vì tin tưởng vào khả năng quản lý rủi ro và sẵn sàng cung cấp nguồn trái phiếu đó cho các cá nhân và doanh nghiệp nếu họ có nhu cầu đầu tư.
“Techcombank không liên quan gì đến các khoản vay của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Các trái phiếu và khoản vay của Techcombank đều vào các dự án có giấy tờ hợp lý, đang triển khai bán hàng, không đầu tư vào các dự án treo, giấy tờ không hợp lý", ông Hồ Hùng Anh khẳng định.
Được biết, thời điểm đó, ông Chủ tịch Techcombank trả lời cổ đông về vấn đề này do thông tin xôn xao trước đó việc Techcombank đang là ngân hàng đứng đầu hệ thống năm 2021 về số lượng trái phiếu doanh nghiệp nắm giữ với 62.809 tỷ đồng, tăng 16.081 tỷ, tương đương 34,4% so với con số cuối năm 2020. Lượng trái phiếu này chiếm tỷ trọng tới 11% trong tổng tài sản của nhà băng, cao hơn rất nhiều so với tỷ trọng trung bình 2,6% của nhóm khảo sát.
Theo VCBS, khối lượng TPDN đáo hạn trong năm 2023 và 2024 ước khoảng 790.000 tỷ đồng, chiếm gần một nửa khối lượng TPDN đang lưu hành, có thể kéo theo nhu cầu phát hành để đảm bảo nhu cầu vốn của các doanh nghiệp trên thị trường.
“Khối lượng đáo hạn và khả năng trả gốc và lãi trái phiếu cũng như khả năng huy động vốn của doanh nghiệp sẽ là yếu tố cần theo dõi trong thời gian tới. Đồng nghĩa, rủi ro thanh khoản tăng đối với thị trường tài chính nếu không có các biện pháp kiểm soát tốt”, VCBS nhấn mạnh.
Một số doanh nghiệp bất động sản có giá trị trái phiếu đáo hạn lớn trong 2 tháng cuối năm 2022, gồm: Công ty CP Bất động sản Nova Lexington với 2.380 tỷ đồng, Công ty CP Bất động sản Greenwich với 2.000 tỷ đồng, Công ty CP BĐS Sài Gòn Vina 1.850 tỷ đồng, Công ty TNHH BĐS Đà Lạt Valley 1.000 tỷ đồng, Công ty CP Đầu tư Kinh doanh BĐS HÀ AN với 698 tỷ đồng, Công ty CP Đầu tư và Phát triển BĐS Thuận Phát 600 tỷ đồng, Công ty TNHH Đầu tư và Kinh doanh Bất động sản khu Đông 560 tỷ đồng….
Văn Xuân