
Vai trò quan trọng trong hỗ trợ ổn định kinh tế vĩ mô
Đánh giá về CSTC của Việt Nam thời gian qua, TS. Lê Thị Thùy Vân - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách kinh tế - tài chính (Bộ Tài chính) - cho biết, CSTC đã có nhiều chuyển biến tích cực nhằm thích ứng với yêu cầu đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cơ cấu nền kinh tế.
Trước hết, CSTC đã đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng trong bối cảnh còn nhiều khó khăn và thách thức. Đơn cử, năm 2024, thu ngân sách nhà nước (NSNN) đạt trên 2 triệu tỷ đồng, vượt khoảng 19-20% so với dự toán. Việc tăng thu đã tạo dư địa tài khóa cần thiết để triển khai các biện pháp hỗ trợ phục hồi kinh tế và cải cách cơ cấu. Bên cạnh đó, chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí và tiền thuê đất với quy mô gần 200.000 tỷ đồng đã góp phần hỗ trợ doanh nghiệp duy trì hoạt động trong bối cảnh chi phí đầu vào tăng cao. Đây là minh chứng rõ nét cho vai trò điều tiết chu kỳ và kích thích tổng cầu của chính sách tài khóa.
Cơ cấu chi NSNN cũng có chuyển biến tích cực, với thành tựu nổi bật là duy trì kỷ luật tài khóa và kiểm soát bội chi ngân sách trong giới hạn cho phép. Việc điều hành chi ngân sách được thực hiện theo hướng tiết kiệm, hiệu quả, ưu tiên đầu tư phát triển. Hằng năm, Chính phủ thực hiện cắt giảm 10% chi thường xuyên ngay từ đầu năm, đồng thời tiếp tục tiết giảm thêm 5% để dành nguồn lực giải quyết các vấn đề an sinh xã hội. Mô hình chi tiêu này không chỉ phản ánh nỗ lực cải cách cơ cấu chi tiêu công, mà còn hướng đến mô hình tăng trưởng dựa trên hiệu quả đầu tư công, góp phần nâng cao chất lượng tăng trưởng.
Tỷ lệ chi đầu tư phát triển cũng được cải thiện đáng kể. Tỷ trọng chi đầu tư phát triển trong tổng chi NSNN đã tăng lên mức khoảng 28-30% trong những năm gần đây, trong khi chi thường xuyên được kiểm soát dưới 62% tổng chi ngân sách. Đồng thời, chi ngân sách được định hướng rõ ràng hơn vào các lĩnh vực trọng yếu như hạ tầng số, y tế, giáo dục và các dự án hạ tầng quốc gia. Đây là những yếu tố quan trọng góp phần tái định hình mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, tăng năng suất và chất lượng.
Một điểm nhấn khác là tiến trình cải cách thể chế và chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính công. Riêng trong năm 2024, ngành tài chính đã trình Quốc hội một luật sửa nhiều luật, trình Chính phủ 23 nghị định và ban hành 86 thông tư - góp phần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, nâng cao tính minh bạch, hiệu quả trong quản lý tài chính công. Đồng thời, việc đẩy mạnh số hóa hệ thống thu - chi NSNN, triển khai hóa đơn điện tử, hải quan thông minh đã giúp hiện đại hóa hoạt động tài chính, giảm chi phí giao dịch và cải thiện môi trường kinh doanh…
Theo Nghị quyết số 159/2024/QH15 của Quốc hội về dự toán NSNN năm 2025, tổng thu NSNN là 1.966.839 tỷ đồng; tổng chi NSNN là 2.548.958 tỷ đồng; mức bội chi NSNN là 471.500 tỷ đồng, tương đương 3,8% GDP.
Thúc đẩy cải cách thể chế tài khóa, hiện đại hóa hệ thống quản lý tài chính công
Mặc dù đã đạt được những kết quả tích cực, song theo các chuyên gia, CSTC vẫn đang đối mặt với những thách thức lớn trong quá trình hỗ trợ đổi mới mô hình tăng trưởng. Một trong những vấn đề nổi bật là tiến độ giải ngân đầu tư công và các chương trình mục tiêu quốc gia còn chậm. Việc này không chỉ làm giảm hiệu quả sử dụng nguồn lực tài khóa mà còn cản trở quá trình chuyển dịch sang mô hình tăng trưởng mới - chú trọng đổi mới sáng tạo, phát triển xanh và bao trùm.
Ngoài ra, Việt Nam chưa phát triển đầy đủ các công cụ tài chính dài hạn để phục vụ yêu cầu chuyển đổi, như trái phiếu phát triển bền vững, quỹ đầu tư công - tư hay cơ chế bảo lãnh tín dụng cho đổi mới sáng tạo…
Từ thực tế này, để phát huy vai trò bệ đỡ của CSTC cho đổi mới mô hình tăng trưởng, ThS. Lưu Ánh Nguyệt - Ban Phát triển thị trường và dịch vụ tài chính (Viện Chiến lược và Chính sách kinh tế - tài chính, Bộ Tài chính) - đã đề xuất những định hướng thiết kế khung CSTC trong giai đoạn tới, xoay quanh ba trụ cột trọng tâm.
Thứ nhất, cần cải cách cấu trúc chi tiêu công theo hướng ưu tiên cho các yếu tố tạo nền tảng tăng trưởng dài hạn, thay vì duy trì mô hình chi tiêu truyền thống nặng về vận hành. Cụ thể, cần tăng tỷ trọng chi cho các lĩnh vực có sức lan tỏa mạnh đến năng suất như hạ tầng số, nghiên cứu và phát triển (R&D), đổi mới sáng tạo, công nghệ xanh, giảm phát thải. Đây không chỉ là yêu cầu để đảm bảo tính bền vững tài khóa, mà còn tạo nền tảng tài chính vững chắc cho quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng hiện đại, bao trùm và thích ứng cao trước biến động toàn cầu.
Thứ hai, cần cải cách hệ thống thu ngân sách theo hướng hiệu quả, bền vững, tạo động lực cho chuyển đổi kinh tế. Thay vì tập trung vào quy mô và tốc độ tăng thu, chính sách thuế cần được thiết kế để điều tiết hành vi doanh nghiệp và người tiêu dùng - qua đó khuyến khích đổi mới sáng tạo, chuyển đổi xanh, vươn lên các nấc giá trị cao hơn trong chuỗi sản xuất toàn cầu. Việc giảm dần các ưu đãi thuế tràn lan - vốn gây thất thu ngân sách và méo mó cạnh tranh - là cần thiết để tạo môi trường đầu tư công bằng, minh bạch. Thay vì áp dụng ưu đãi đại trà, cần chuyển sang các cơ chế ưu đãi thông minh, có điều kiện và thời hạn rõ ràng, tập trung vào lĩnh vực có sức lan tỏa lớn trong đổi mới sáng tạo, công nghệ xanh, chuyển đổi số…
Thứ ba, để chuyển đổi thành công mô hình tăng trưởng, Việt Nam cần kiến tạo một thị trường tài chính hiện đại, đa tầng, có khả năng điều tiết dòng vốn tư nhân vào các lĩnh vực then chốt của phát triển bền vững. Sự kết hợp giữa khuôn khổ pháp lý phù hợp, cơ chế tài chính hỗn hợp linh hoạt và các công cụ thị trường hiệu quả sẽ tạo nền tảng huy động thành công nguồn lực xã hội cho quá trình chuyển đổi kinh tế sâu rộng trong giai đoạn tới.
Đặc biệt, Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế tài khóa, tích hợp chiến lược phát triển quốc gia với quy trình ngân sách, hiện đại hóa hệ thống quản lý tài chính công bằng công nghệ số. Cùng với đó, việc thiết lập cơ chế phối hợp chính sách liên ngành hiệu quả sẽ giúp tối ưu hóa việc huy động và sử dụng nguồn lực tài chính quốc gia cho mục tiêu phát triển bền vững./.