Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (mã:MSB) mới đây đã công bố thông tin về việc ông Nguyễn Thế Minh, Phó tổng giám đốc đăng ký bán 112.000 cổ phiếu MSB nhằm mục đích đầu tư tài chính.

Giao dịch dự kiến sẽ diễn ra từ ngày 11/8 - 8/9/2023 theo phương thức thỏa thuận. Sau giao dịch, ông Minh sẽ chỉ còn nắm giữ 29.960 cổ phiếu MSB, tỷ lệ 0,001%.

Cùng với ông Minh, bà Nguyễn Thu Trang, vợ ông Minh cũng đăng ký bán ra 200.000 cổ phiếu MSB. Giao dịch cũng dự kiến diễn ra từ ngày 11/8- 8/9/2023 theo phương thức thỏa thuận. Sau giao dịch, bà Trang sẽ giảm tỷ lệ sở hữu tại MSB xuống 0,005%.

Trước đó, bà Đinh Thị Tố Uyên, Phó tổng giám đốc ngân hàng này đã đăng ký bán ra 1.570.500 cổ phiếu MSB nhằm mục đích đầu tư tài chính. Giao dịch dự kiến sẽ diễn ra từ ngày 8/8 - 6/9 theo phương thức khớp lệnh và thỏa thuận. Nếu thành công, bà Uyên sẽ chỉ còn nắm giữ hơn 109.200 cổ phiếu.

Ngoài các cá nhân trên, con trai bà Lê Thị Liên – Thành viên HĐQT MSB cũng thông báo bán toàn bộ hơn 2,1 triệu cổ phiếu MSB trong thời gian từ 01-30/08/2023 nhằm mục đích đầu tư tài chính.

Đáng chú ý, động thái thông báo bán ra của người nhà và các lãnh đạo MSB diễn ra trong bối cảnh cổ phiếu ngân hàng này trên thị trường đang ghi nhận đà tăng mạnh bắt đầu từ ngay 20/7.

Kết phiên giao dịch ngày 8/8, tuy giảm nhẹ so với phiên đầu tuần và đóng cửa ở mức 14.400 đồng/cổ phiếu nhưng MSB đã tăng khoảng 4% lên mức cao nhất trong vòng gần một năm, kể từ đầu tháng 9/2022 đến nay.

Về tình hình kinh doanh tại MSB, nửa đầu năm 2023, ngân hàng này lãi trước thuế hơn 3.548 tỷ đồng nhờ gia tăng một số nguồn thu nhập ngoài lãi như dịch vụ thanh toán, nghiệp vụ ủy thác và đại lý,...

Tính đến cuối quý 2, tổng tài sản của MSB tăng 12% so với đầu năm, lên gần 237.815 tỷ đồng. Trong đó, tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước giảm 32% còn 2.511 tỷ đồng, tiền gửi tại các tổ chức tín dụng khác tăng đến 51%, tương đương 44.352 tỷ đồng và cho vay khách hàng tăng 13%, tương đương 136.593 tỷ đồng.

Tổng nợ xấu tính đến ngày 30/6/2023 của MSB là 3.496 tỷ đồng, tăng 69% so với đầu năm. Trong đó, nợ nghi ngờ (nợ nhóm 4) chạm mức 1.190 tỷ đồng, tăng đến 169%. Nợ dưới tiêu chuẩn (nợ nhóm 3) và nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) cũng đều tăng mạnh lần lượt là 55% và 33%. Kéo theo tỷ lệ nợ xấu/dư nợ vay tăng từ mức 1,71% lên 2,56%.

Vân Phong