VietBank dự kiến huy động 300.000 trái phiếu trong năm 2022

Vào tháng 7, VietBank đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận bằng văn bản về việc tăng vốn điều lệ tối đa thêm 1.003 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo phương án tăng vốn điều lệ đã được đại hội đồng cổ đông thông qua. Nếu thành công, vốn điều lệ của VietBank sẽ tăng từ mức 4.777 tỷ đồng lên 5.780 tỷ đồng.

NHNN chấp thuận cho VietBank tăng vốn điều lệ

Bên cạnh đó, ngân hàng cũng thông báo sẽ phát hành 300.000 trái phiếu ra công chúng, tương đương 3.000 tỷ đồng và chia thành 3 đợt chào bán. Đây là loại trái phiếu được phát hành rộng rãi cho các cá nhân và tổ chức, không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có tài sản bảo đảm và có mệnh giá 10 triệu đồng/trái phiếu.

Phương án chào bán 300.000 trái phiếu được chia thành 3 đợt

Tại đợt 1 phát hành, số lượng trái phiếu chào bán là 100.000 trái phiếu, tương đương 1.000 tỷ đồng. Đây là loại trái phiếu có kỳ hạn 7 năm và định kỳ trả lãi là mỗi năm một lần. Lãi suất áp dụng cho trái phiếu là lãi suất thả nổi, được tính bằng lãi suất tham chiếu cộng biên độ 2,5% vào 5 năm đầu và cộng biên độ 3,5% vào 2 năm cuối. Số lượng đăng ký mua tối thiểu là 5 trái phiếu, tương đương 50 triệu đồng.

Đầu tháng 10, SCC cũng thông báo nhận được đầy đủ tài liệu báo cáo kết quả chào bán trái phiếu ra công chúng (đợt 1) của VietBank. Theo báo cáo, số lượng trái phiếu đã phân phối trong đợt 1 là 100.000 trái phiếu (mệnh giá: 10 triệu đồng/trái phiếu). Tổng giá trị vốn huy động là: 1.000 tỷ đồng, mục đích chào bán nhằm tăng quy mô vốn cấp 2, tạo thêm nguồn vốn trung và dài hạn, phục vụ nhu cầu vay vốn của các khách hàng cá nhân và tổ chức, bảo đảm các tỷ lệ an toàn hoạt động theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Mới đây, Hội đồng Quản trị nhà băng này cũng đã nhất trí thông qua phương án mua lại trước hạn trái phiếu với khối lượng trái phiếu dự kiến mua lại là 343.000 trái phiếu - tổng giá trị là 343 tỷ đồng. Loại trái phiếu là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và không có tài sản đảm bảo với mệnh giá là 1 triệu đồng/trái phiếu.

Nghị quyết HĐQT mua lại 343.000 trái phiếu

Theo đó, trái phiếu được mua lại có mã VIETBANK.L.20.27.001, phát hành vào ngày 28/10/2020, kỳ hạn 7 năm, kỳ thanh toán lãi 1 năm/lần. Tổ chức tư vấn phát hành và lưu ký trái phiếu là CTCP Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV). VietBank dùng nguồn tiền từ hoạt động kinh doanh để thanh toán gốc và lãi trái phiếu. Thời gian mua lại dự kiến trong quý IV/2022.

Nợ xấu quý III tăng vọt

Trong khi nhiều ngân hàng vẫn duy trì được lợi nhuận, công bố gần như hoàn thành kế hoạch năm thì VietBank ghi nhận nợ xấu tăng, lợi nhuận sụt giảm.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 3 vừa công bố, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín với tổng thu nhập lãi và các khoản tương tự hoạt động trong 9 tháng đầu năm 2022 đạt 5.125 tỷ đồng, trong đó thu nhập lãi thuần đạt 1.335 tỷ đồng, tăng 70% so với cùng kỳ.

Nguồn: BCTC VietBank

Lãi từ hoạt động dịch vụ tăng 32%, lên gần 82 tỷ đồng nhờ tăng thu từ hoạt động dịch vụ và ngân quỹ. Lãi từ hoạt động kinh doanh ngoại hối tăng 84%, lên 62 tỷ đồng nhờ tăng thu từ kinh doanh ngoại hối và ngoại tệ giao ngay. Lãi thuần từ hoạt động khác tăng 71%, thu được gần 198 tỷ đồng nhờ thu nhập từ đặt cọc chuyển nhượng bất động sản và thu hồi các khoản nợ đã được xử lý rủi ro. Ngược lại, lãi từ mua bán chứng khoán đầu tư lại sụt giảm 84%, chỉ còn hơn 62 tỷ đồng.

Trong kỳ, Vietbank trích lập gần 209 tỷ đồng để dự phòng rủi ro tín dụng, gấp 2,7 lần cùng kỳ năm ngoái. Kết quả, lợi nhuận trước thuế 9 tháng năm 2022 đạt 536 tỷ đồng, tăng 36% so với cùng kỳ năm trước và thực hiện gần 50% kế hoạch năm. Riêng quý III, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đạt hơn 148 tỷ đồng.

Theo giải trình của nhà băng này, lợi nhuận quý III/2022 tăng so với cùng kỳ năm 2021 (113.28%) là do thu nhập lãi thuần tăng đáng kể so với cùng kỳ. Nguyên nhận là do Ngân hàng đẩy mạnh hoạt động cho vay khách hàng, đồng thời tích cực thu lãi ngoại bảng từ khách hàng làm tăng lãi thực thu. Bên cạnh đó, thu nhập từ hoạt động kinh doanh ngoại hối tăng do diễn biến tỷ giá trên thị trường thuận lợi hơn so với trạng thái ngoại tệ của ngân hàng. Cùng với đó là chi phí hoạt động tăng do ngân hàng tăng quy mô tài sản, chi phí dự phòng rủi ro giảm do ngân hàng kiểm soát tốt chất lượng các khoản nợ.

Tuy nhiên, điểm đáng chú ý trong báo cáo tài chính đó là chất lượng tín dụng của VietBank lại đi xuống rõ rệt. Thời điểm 30/9, tổng nợ xấu của nhà băng này đã tăng 35% so với đầu năm lên 2.486 tỷ đồng trong đó, nợ có khả năng mất vốn tăng gấp đôi, chiếm đến 1.841 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay cũng theo đó tăng từ 3,65% đầu năm lên 4,33%.

Tính đến cuối quý 3, tổng tài sản nhà băng này đã tăng 6% so với đầu năm, lên hơn 109.207 tỷ đồng. Trong đó, tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước giảm mạnh 53% xuống còn 2.188 tỷ đồng, cho vay khách hàng tăng 14% lên 57.415 tỷ đồng... Tiền gửi khách hàng tăng 5% lên hơn 70.137 tỷ đồng.

Trong năm 2022, Vietbank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế tăng 71,4%, đạt 1.090 tỷ đồng. Tổng tài sản dự kiến đạt 133.000 tỷ đồng, tăng 28,7% so với cùng kỳ. Tổng nguồn vốn huy động và dư nợ tín dụng tăng lần lượt 37,1% và 15%, đạt 102.000 và 65.200 tỷ đồng trong năm 2022. Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 2%.

Hà Thu