“Phấn đấu giảm lãi suất cho vay” là thông điệp được Thủ tướng lặp đi lặp lại rất nhiều lần trong các cuộc họp chính sách quan trọng với kỳ vọng của người đứng đầu Chính phủ là nhằm giúp các doanh nghiệp được tiếp cận nguồn vốn rẻ, từ đó có cơ hội phục hồi nhanh nhất có thể sau thời gian “chấn thương” do đại dịch COVID-19.

Trên tinh thần đó của Thủ tướng, với tư cách là cơ quan quản lý, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng đã liên tục chỉ đạo, hướng dẫn các TCTD tiếp tục đổi mới công nghệ, nâng cao hiệu quả hoạt động, quản trị, tiết giảm chi phí, nghiên cứu, có giải pháp phấn đấu ổn định hoặc giảm chi phí, lãi suất cho vay.

Tuy nhiên, việc giảm lãi suất đầu ra hiện nay gần như là một nhiệm vụ bất khả thi đối với các nhà băng khi lãi suất huy động đã rục rịch tăng từ đầu năm tới nay.

Đặc biệt, sau khi Ngân hàng Nhà nước quyết định tăng lãi suất điều hành và trần lãi suất huy động kỳ hạn dưới 6 tháng, cuộc đua tăng lãi suất huy động tại các ngân hàng thương mại càng “nóng” hơn bao giờ hết.

Hiện lãi suất huy động tại một số ngân hàng đã lên tới gần 9%/năm, áp dụng cả cho những khoản tiền gửi nhỏ, chỉ từ 10 triệu đồng. Mặt bằng lãi suất qua đó đã quay trở lại thời tiền COVID-19.

Lãi suất đầu vào tăng mạnh gây áp lực cho lãi suất đầu ra. Theo giới chuyên môn, phần lớn các ngân hàng thương mại đã đặt kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận khá cao trong năm nay, với mức tăng trưởng trung bình trên 20% so với năm ngoái.

Theo đó, muốn duy trì tăng trưởng lợi nhuận, điều quan trọng là ngân hàng cần duy trì được chênh lệch lãi suất ròng ở mức phù hợp. Do đó, dù Ngân hàng Nhà nước có "động viên" cũng khó thuyết phục các thành viên giữ nguyên lãi suất đầu ra trong bối cảnh hiện nay.

Thực tế cũng cho thấy, nhiều ngân hàng cũng đã bắt đầu điều chỉnh khá mạnh lãi suất cho vay trong thời gian gần đây.

Như tại ngân hàng MB, chỉ trong chưa đầy 2 tháng qua, lãi suất cho vay kỳ hạn 12 tháng tại ngân hàng đã tăng mạnh từ 7,8% lên đến 9,1%, tương đương mức tăng tới 1,3 điểm %. Đây là mức lãi suất cho vay dành cho khách hàng có xếp hạng tín dụng tốt nhất.

Tương tự, ngân hàng TPBank mới đây cũng đã có thông báo gửi tới khách hàng về việc áp dụng lãi suất mới cho các khoản vay là 11,9%/năm, thay vì mức 11,4%/năm như trước.

Ngân hàng MSB cũng vừa tăng một loạt lãi suất cho vay mua nhà, vay tiêu dùng tới 1 điểm % so với trước đó. Theo đó, khách hàng được áp mức 4,99%/năm nhưng chỉ dành cho 3 tháng đầu tiên kèm điều kiện khoản vay có thời hạn trên 24 tháng. 

Với khoản vay có thời hạn từ 36 tháng trở lên, mức lãi suất áp dụng cho 12 tháng đầu đã lên tới 10,34%. Sau khoảng thời gian này sẽ áp dụng lãi suất thả nổi.

Không chỉ ngân hàng nội, khối ngân hàng ngoại cũng đã bắt đầu tăng mạnh lãi suất cho vay trong bối cảnh cạn room tín dụng và lãi suất đầu vào tăng cao.

Tại Shinhanbank, lãi suất cho vay mua xe đã được đẩy từ 7,25%/năm cố định trong suốt thời gian vay lên mức 7,8%/năm cố định 1 năm đầu hoặc 8,5%/năm cố định 3 năm đầu. Lãi suất cho vay mua nhà cũng được đẩy lên 8,9%/năm thay vì 7,6%/năm như trước, cố định 3 năm hoặc 9,5%/năm cố định 5 năm, thay vì mức 7,8%/năm trước đây.

Tương tự, ngân hàng UOB đã tăng lãi suất cho vay mua nhà từ mức 6,49%/năm lên 7,69%/năm. 

Lãi suất liên tục tăng, nhiều ngân hàng đã sử dụng gần hết hạn mức tín dụng và không được cấp thêm, trong khi các doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn khiến nguy cơ lãi suất cho vay càng bị đẩy lên cao hơn.

Đặc biệt là vào dịp cuối năm, nhu cầu về vốn phục vụ cho sản xuất tăng mạnh. Điều này khiến cho các doanh nghiệp đang đứng ngồi không yên.

Trung Kiên