Việt Nam đứng thứ 3 thế giới về giao dịch tiền ảo
Theo Boston Consulting Group, tổng giá trị tài sản số trong năm 2030 dự kiến sẽ lên tới 16.000 tỷ USD, chiếm 10% GDP toàn cầu. Trong đó, Việt Nam đứng thứ 3 thế giới về giao dịch tiền số với gần 26 triệu người sở hữu tiền ảo.
Dù chưa có khung pháp lý cho loại hình này tại Việt Nam, tuy nhiên hoạt động giao dịch diễn ra rất mạnh mẽ thông qua các sàn quốc tế, tiềm ẩn nhiều nguy cơ về rửa tiền, tài trợ khủng bố...
Gần đây, vấn đề khung pháp lý cho tài sản ảo ngày càng được chú ý hơn. Nguyên nhân một phần xuất phát từ việc Lực lượng đặc nhiệm tài chính về chống rửa tiền (FATF) đưa Việt Nam vào "danh sách xám", kéo theo nhiều nguy cơ bất lợi kinh tế. Sau đó, Chính phủ đã ban hành kế hoạch hành động để "thoát" khỏi danh sách này.
Cụ thể là Quyết định 194 ngày 23/2/2024 thực hiện cam kết của Việt Nam về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố, vũ khí hủy diệt hàng loạt... Quyết định 194 yêu cầu đánh gía rủi ro rửa tiền của tài sản số, đồng thời giao Bộ Tài chính xây dựng khung pháp lý để cấm hoặc điều chỉnh tài sản số, cũng như các tổ chức cung ứng dịch vụ này.
Đây cũng là chủ đề thu hút nhiều sự quan tâm của các đaị biểu tham gia Diễn đàn Tài sản số 2024.
Ông Nguyễn Duy Hưng - Chủ tịch Chứng khoán SSI tâm sự: "Tôi thuần tuý là dân tài chính, hiểu biết rất ít về tài sản số. Tôi luôn nghĩ tài sản số là cái gì đó của thế hệ trẻ và không nghĩ sẽ quan tâm xây dựng nó”.
Tuy nhiên, mọi thứ thay đổi vào một ngày ông Hưng trò chuyện với các lãnh đạo của Khu công nghệ cao Hòa Lạc. “Họ đã trao đổi rằng đang rất cần một doanh nghiệp tài chính, có thể tập hợp, hỗ trợ các startup công nghệ, cũng như các dự án blockchain. Được mời thì tôi nhận lời và rất nhanh chóng, khu công nghệ cao đã cấp cho chúng tôi một mảnh đất rất đẹp và cơ chế rất tốt và một trung tâm nhanh chóng ra đời”, ông Hưng nêu.
Việt Nam đứng thứ 3 thế giới về giao dịch tiền số, nhưng đó “chỉ là những con số đơn thuần”. Do đó, cần có đề xuất với Chính phủ xây dựng khung pháp lý quản lý tài sản số. Khi được pháp luật chấp nhận thì sẽ có sàn, có chợ để những người tham gia mua bán, chuyển nhượng những tài sản số.
“Nếu hôm nay không ngồi với nhau để nhóm những đốm lửa đầu tiên, thì bao giờ mới có đám cháy? Chúng ta ngồi với nhau ở đây để nói về những cơ hội, cũng như những rủi ro vô cùng nhiều đối với chúng ta. Rủi ro về pháp lý, về cơ chế quản lý ngoại hối, rủi ro làm sao không bị lừa đảo… “, ông Hưng nói.
Thiếu pháp lý, vàng thau lẫn lộn
Theo ông Nguyễn Duy Hưng, thị trường càng nhiều cơ hội thì càng nhiều lừa đảo. Khi thị trường không phân biệt được đâu là vàng, đâu là thau thì người càng ít hiểu biết càng khó phân định, quyết định được tài sản của mình. Tiền dù là của ai, nếu thất thoát ra khỏi Việt Nam thì đều là chúng ta mất.
Do đó, việc sớm có khung pháp lý, theo ông Hưng, sẽ giảm thiểu rủi ro an ninh tiền tệ, tăng tính minh bạch khi kiểm soát được dòng các dòng tiền, giảm rủi ro cho nhà đầu tư cũng như tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước. Theo ông, Việt Nam có đủ cơ sở để xin cơ chế đặc thù, hợp pháp để tạo ra một sân chơi chính thống cho tất cả start up công nghệ nương tựa và huy động vốn.
"Việc xây dựng khung pháp lý cho tài sản số cũng góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của nền kinh tế, kiến tạo môi trường phát triển cho doanh nghiệp công nghệ, phát triển các ứng dụng blockchain. Ngoài ra, điều này cũng góp phần tránh chảy máu chất xám", ông Hưng nói.
Ông Trần Đắc Trung, Phó trưởng Ban Quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc cho rằng, việc tạo ra "luật chơi" cho tài sản số là đòi hỏi khách quan và cấp thiết. Nếu khai thác tốt, Việt Nam không chỉ ngăn chặn thất thoát tài chính, chất xám ra nước ngoài mà còn tăng thu ngân sách, thúc đẩy môi trường đổi mới sáng tạo, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số quốc gia.
Dù vậy, ông Trung đánh giá đây là một nhiệm vụ không dễ dàng và cần có sự tham gia của tất cả các bên, từ cơ quan quản lý Nhà nước đến các doanh nghiệp và nhà khoa học...
Ông Nguyễn Trung Trang - CO Founder SSI Digital cũng chia sẻ, ông đã biết đến loại hình này từ rất lâu và cho biết tài sản số “không đơn thuần là bitcoin, khái niệm này rộng hơn rất nhiều". Ông cũng cho rằng khái niệm tài sản số dễ được chấp nhận hơn là "tiền ảo".
"Hơn 1 năm trước đây, khi nói chuyện về crypto thì câu hỏi là loại hình nay liệu Chính phủ chấp nhận hay không chấp nhận? Còn câu hỏi hiện nay là khi nào Chính phủ chấp nhận và khi nào thì có luật cho nó? Mỹ đã đồng ý, thậm chí Trung Quốc với đặc khu Hồng Kông đã có sandbox (cơ chế pháp lý thử nghiệm) cho tài sản số thì không có lý gì Việt Nam đứng ngoài cuộc chơi này”, ông Trang nêu và nhấn mạnh, thời gian tới, cần làm sao để cùng với các cơ quan liên quan hoàn thiện được khung pháp lý cho tài sản số.
Cũng tại diễn đàn, TS. Nguyễn Thị Thùy Dung (Học viện Tài chính) cho biết năm 2019, bà biết đến bitcoin và cũng từng rơi vào hội chứng FOMO (sợ bỏ lỡ). Tuy nhiên, khi kiểm tra biểu đồ giá, bà nhận thấy biên độ dao động của loại hình này rất mạnh và bà chưa đầu tư vì không có khung pháp lý, chưa rõ cách vận hành đằng sau.
Bà Dung cũng thông tin, Học viện Tài chính đang được giao làm đề án nghiên cứu khung khổ pháp lý về tài sản số.
TS. Nguyễn Thị Thuỳ Dung cũng chia sẻ, nếu có khung pháp lý, thừa nhận tính hợp pháp của tài sản số thì bà cũng sẽ phân bổ một phần tài sản của mình để đầu tư vào tài sản này; hoặc bà có thể đầu tư thông qua các quỹ chuyên đầu tư loại hình này./.