Theo số liệu mới công bố từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến cuối tháng 5, tổng tiền gửi của cả khách hàng cá nhân và tổ chức kinh tế tại các tổ chức tín dụng (TCTD) đạt hơn 15,3 triệu tỷ đồng, tăng gần 1% so với tháng trước đó.

6881078ba84e0.jpg
Tiền gửi doanh nghiệp tăng mạnh ba tháng liền, lập kỷ lục mới. (Ảnh minh họa)

Cụ thể, tiền gửi của dân cư đã đạt hơn 7,6 triệu tỷ đồng, tăng 7,61% so với đầu năm. Riêng trong tháng 5, số tiền gửi từ khu vực dân cư đã tăng thêm khoảng 65.427 tỷ đồng. Trong khi đó, tiền gửi của doanh nghiệp đạt hơn 7,7 triệu tỷ đồng, tăng 0,97% so với cuối năm 2024. Nếu so với thời điểm cuối tháng 4, con số này tăng thêm hơn 116.370 tỷ đồng.

Cũng theo NHNN, tổng phương tiện thanh toán tính đến cuối tháng 5 đạt gần 19 triệu tỷ đồng, tăng 5,91% so với đầu năm.

Về lãi suất, trong tháng 5, lãi suất tiền gửi bằng VND bình quân của các ngân hàng thương mại trong nước dao động ở mức 0,1 - 0,2%/năm với tiền gửi không kỳ hạn và dưới 1 tháng; từ 3,2 - 4,0%/năm với kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng. Đối với kỳ hạn từ 6 đến 12 tháng, lãi suất phổ biến ở mức 4,5 - 5,5%/năm; từ trên 12 đến 24 tháng là 4,8 - 6,0%/năm; và trên 24 tháng là 6,9 - 7,1%/năm.

Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh quý III/2025 do NHNN thực hiện với các tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài cho thấy, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay VND tiếp tục xu hướng giảm nhẹ trong quý II, đặc biệt là ở lãi suất cho vay. Các TCTD cũng dự báo đến cuối năm 2025, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay VND về cơ bản sẽ không thay đổi so với cuối năm 2024.

Trong báo cáo thị trường tiền tệ tháng 6, Chứng khoán MB (MBS) cho biết đà giảm của lãi suất huy động đã chững lại với rất ít ngân hàng điều chỉnh giảm và mức giảm không đáng kể. Thống kê cho thấy chỉ có ba ngân hàng giảm lãi suất huy động trong tháng 6, dao động từ 0,1 - 0,2%/năm ở nhiều kỳ hạn khác nhau.

MBS nhận định mặc dù mặt bằng lãi suất tiền gửi đã bắt đầu ổn định, nhưng vẫn chưa chạm đáy và còn dư địa để giảm thêm trong quý III. Dự báo này dựa trên cơ sở tăng trưởng tín dụng đã phục hồi mạnh từ tháng 4 trong khi lãi suất liên ngân hàng vẫn ổn định và thậm chí có xu hướng giảm, phản ánh thanh khoản toàn hệ thống đang ở trạng thái dồi dào. Hiện tượng thiếu hụt thanh khoản vào cuối quý II được đánh giá mang tính thời vụ.

Tuy nhiên, MBS dự phóng rằng bước sang quý IV, lãi suất huy động có thể tăng nhẹ khi tăng trưởng tín dụng thường tăng mạnh vào giai đoạn cuối năm. Theo đó, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng thương mại lớn dự kiến sẽ dao động quanh mức 4,7% trong năm 2025./.