Số liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố cho thấy, tính đến ngày 20/9, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đã đạt 10,54%, tăng khá mạnh so với mức tăng 7,17% cùng thời điểm năm 2021. Tuy nhiên, cũng trong khoảng thời gian trên, huy động vốn của các tổ chức tín dụng mới chỉ tăng 4,04%, chưa bằng một nửa tốc độ tăng trưởng tín dụng.
Tín dụng tăng nhanh trong khi huy động không theo kịp để đáp ứng nhu cầu thanh khoản khiến các nhà băng đua nhau tăng lãi suất nhằm thu hút tiền gửi trong thời gian gần đây, đặc biệt là sau khi Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tăng một loạt lãi suất điều hành. Theo đó, mức lãi suất cao nhất tại các nhà băng đã được đẩy lên tới trên 8%/năm.
Cụ thể, ngân hàng số Cake by VPBank vừa có thông báo biểu lãi suất mới với mức lãi suất cao nhất là 8,2%/năm tại kỳ hạn 36 tháng khi gửi số tiền từ 300 triệu đồng trở lên.
Khi gửi tiền từ 50 triệu đến dưới 100 triệu tại kỳ hạn 36 tháng, và khi gửi tiền từ 100 triệu đến dưới 300 triệu đồng tại các kỳ hạn 24 và 36 tháng, mức lãi suất áp dụng từ 8% - 8,1%/năm.
Tương tự, tại MSB, mức lãi suất cao nhất mà ngân hàng áp dụng cũng đã được đẩy lên mức 8%/năm với sản phẩm ''Lãi suất cao nhất'' theo hình thức gửi tiền trực tuyến tại kỳ hạn 24 và 36 tháng. Các kỳ hạn 13, 15 và 18 tháng có mức lãi suất cao nhất là 7,7%/năm trong khi kỳ hạn 12 tháng hưởng có thể được hưởng lãi suất 7,5%/năm.
Tại DongABank, khách hàng có thể nhận được mức lãi suất cao nhất là 7,6%, áp dụng cho kỳ hạn 13 tháng, nhận lãi cuối kỳ, tăng 0,2 điểm % so với trước đó. Tại các kỳ hạn từ 12 đến 36 tháng, ngân hàng cũng áp dụng mức lãi suất từ 7,1% đến 7,5%, tùy từng kỳ hạn.
Không chỉ khối ngân hàng tư nhân, bốn “ông lớn” ngân hàng thương mại có vốn nhà nước là VietinBank, Vietcombank, BIDV và Agribank cũng đã cập nhật biểu lãi suất huy động mới và tăng mạnh 0,8-1,3%/năm ở nhiều kỳ hạn.
Cụ thể, tại Vietcombank và Agribank, dù vẫn thấp hơn so với mức trần quy định nhưng lãi suất kỳ hạn 1-3 tháng đã tăng mạnh tới 1 điểm % lên 4,1-4,4%/năm. Tại kỳ hạn 12 tháng, lãi suất tăng 0,8 điểm %, lên 6,4%/năm.
Tại VietinBank, mức lãi suất kỳ hạn 1 tháng – dưới 3 tháng của nhà băng này đã tăng thêm 1 điểm %, lên 4,1%/năm, lãi suất từ 3 tháng – dưới 6 tháng tăng lên 4,4%/năm. Với kỳ từ 12 tháng trở lên, ngân hàng này áp dụng mức lãi suất mới 6,4%/năm, cao hơn 0,8 điểm %/năm so với trước.
Tại BIDV, với các kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng, lãi suất huy động tăng thêm 1 điểm % so với trước đó, lên ở mức 4,1% đến 4,4%/năm. Đối với kỳ hạn 6 tháng và 9 tháng, lãi suất huy động được điều chỉnh tăng 0,7 điểm %, lên mức 4,7%/năm và 4,8%/năm. Với kỳ hạn từ 12 tháng trở lên, lãi suất tăng thêm 0,8 điểm % so với trước đó, lên 6,4%/năm.
Trong báo cáo mới công bố, các chuyên gia phân tích tại Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho rằng, lãi suất huy động cho các kỳ hạn ngắn sẽ nhạy cảm hơn và có thể tăng từ 0,5-1 điểm % ngay trong quý 4/2022, các kỳ hạn dài sẽ ghi nhận mức tăng cao hơn là từ 1-1,5 điểm %. Từ đó, lãi tiền gửi bình quân toàn ngành dự báo tăng mạnh 1,14 điểm % so với đầu năm, đạt 4,56%.
Trong khi đó, các chuyên gia tại Chứng khoán Vietcombank (VCBS) thì cho biết, trước các rủi ro bất định gia tăng, mặt bằng lãi suất chịu áp lực tăng trên cả thị trường 1 và thị trường 2 ghi nhận rõ nét nhất đối với thị trường liên ngân hàng và lãi suất huy động. Có thể thấy giai đoạn này thanh khoản thị trường liên ngân hàng không còn dồi dào so với giai đoạn trước.
Các chuyên gia cho rằng, xu hướng tăng của lãi suất huy động cũng được xem là phản ứng hợp lý khi mặt bằng lãi suất ở nhiều quốc gia đang trong xu hướng tăng.
Theo đó, VCBS dự báo, mặt bằng lãi suất huy động tăng 150-200 điểm trong năm nay trong khi lãi suất liên ngân hàng nhìn chung sẽ cao hơn đáng kể các năm trước và khó có khả năng thấp hơn ngưỡng 4%.
Trung Kiên