Loạt ngân hàng liên tục kéo giảm lãi suất huy động xuống mức chưa từng có

Thời gian qua, trước tình trạng dư thừa tiền nhưng không cho vay được, nhiều ngân hàng đã liên tục kéo giảm lãi suất huy động (lãi suất tiết kiệm) xuống mức thấp chưa từng có.

Đơn cử, chỉ trong vòng khoảng 1 tháng gần đây, Vietcombank đã có 4 lần giảm lãi suất huy động và đang là nhà băng có mức lãi suất tiền gửi thấp nhất thị trường. Mặc dù vậy, ngày hôm qua (11/12), ngân hàng này tiếp tục điều chỉnh giảm kỳ hạn từ 1-11 tháng với 0,2%. Hiện, kỳ hạn 1-2 tháng còn 2,2%/năm; 3-5 tháng còn 2,5%/năm; 6-11 tháng còn 3,5%/năm.

Tương tự, BIDV cũng thông báo chính thức giảm lãi suất huy động 0,1% các kỳ hạn từ 1-11 tháng từ ngày 11/12/2023. Theo biểu lãi suất huy động trực tuyến, kỳ hạn 1-2 tháng còn 3,1%/năm, 3-5 tháng còn 3,4%/năm. Kỳ hạn 6-11 tháng chỉ còn 4,4%/năm, 12-36 tháng giữ nguyên 5,3%/năm.

Đáng chú ý, kể từ đầu tháng 12 đến nay, không chỉ có nhóm ngân hàng quốc doanh, hàng chục ngân hàng tư nhân khác cũng “đua nhau” kéo giảm lãi suất tiết kiệm về mức dưới 6%/năm áp dụng cho kỳ hạn 12 tháng như: HDBank, Techcombank, Eximbank, KienLongBank, SCB, PGBank, MB, MSB, NamA Bank...

Cá biệt có nhóm ngân hàng tư nhân cũng ghi nhận mức lãi suất rất thấp. Cụ thể, ngân hàng ABBank giảm lãi suất huy động ở tất cả các kỳ hạn còn lại xuống mức thấp kỷ lục . Lãi suất ngân hàng kỳ hạn 1 và 2 tháng giảm mạnh 0,5% chỉ còn 3,2%/năm và 3,3%/năm. Kỳ hạn 3-5 tháng cùng giảm 0,4% còn 3,5%/năm.

Đối với lãi suất tiền gửi kỳ hạn 7 tháng, ABBank điều chỉnh giảm 0,2% còn 5%/năm, 8 tháng giảm 0,3% còn 4,9%/năm, 9-11 tháng giảm 0,4% còn 4,5%/năm.

Ảnh minh họa

Lãi suất vay mua nhà vẫn ở mức cao

Bước sang tháng 12, nhiều ngân hàng tiếp tục xu hướng giảm lãi suất cho vay mua nhà. Mặc dù vậy, so với việc kéo giảm lãi suất tiền gửi tiết kiệm, biểu lãi suất vay mua nhà được khảo sát tại các ngân hàng thương mại vẫn khá cao. 

Hiện nay, hầu hết các ngân hàng đều áp dụng 2 mức lãi suất, đó là lãi suất vay ưu đãi trong một khoảng thời gian cố định và lãi suất sau thời gian ưu đãi. Biên độ điều chỉnh lãi suất cho vay giữa ưu đãi và sau ưu đãi ở các ngân hàng phổ biến từ 2-3,8%.

Cụ thể, lãi suất ưu đãi khi vay mua nhà ở thương mại tại các ngân hàng hiện dao động từ 6-10,99%/năm, áp dụng ở kỳ hạn vay ngắn từ 3-6 tháng, hết thời gian ưu đãi, lãi suất thả nổi rơi vào khoảng 9,5-13%/năm.

Theo khảo sát, một trong những nhà băng đang cho vay mua nhà với lãi suất thấp nhất hiện nay có lẽ là Shinhan Bank. Hiện mức lãi suất cho vay ưu đãi 6,6%/năm đang được ngân hàng này áp dụng cho 6 tháng đầu. Thời hạn cho vay kéo dài đến 30 năm với hạn mức cho vay đạt 70%. 

Theo sau đó là gói vay tại ngân hàng WooriBank với hạn mức cho vay lên đến 80% tài sản thế chấp. Lãi suất được áp dụng là 7,2%/năm với thời hạn vay kéo dài 30 năm. 

Hong Leong Bank cũng đang có gói vay với lãi suất ngân hàng khá hấp dẫn là 7,3%/năm. Khách hàng có thể vay đến 80% giá trị tài sản thế chấp và thời hạn vay kéo dài 25 năm. 

Ngoài ra, khách hàng cũng có thể lựa chọn gói vay tại các ngân hàng khác như: OCB (8,49%/năm), PVcomBank (9%/năm), HSBC (9,75%/năm), Techcombank (10,5%/năm), TPBank (10,7%/năm)…

Đối với Big 4 ngân hàng quốc dân – những nhà băng đi đầu trong các đợt kéo giảm sâu lãi suất huy động trong thời gian qua, mức lãi suất cho vay mua nhà đang ở mức từ 6,5-8,5%, cộng biên độ dao động từ 3-4,5%/năm cho mỗi gói vay và thời hạn vay.

Đáng chú ý, trong các ngân hàng đang niêm yết, MSB đang là nhà băng có gói vay với lãi suất cao nhất là 10,99%/năm. Hạn mức cho vay lên đến 90% tổng giá trị của tài sản thế chấp và thời hạn vay đạt 35 năm.

Theo nhận định của một số chuyên gia tài chính, mức lãi suất cho vay mua nhà ở thương mại phù hợp chỉ nên ở mức dưới 7%/năm; Đối với người mua nhà xã hội, mức lãi suất phải thấp hơn 4,5%/năm.

Cũng theo chuyên gia, mặc dù khả năng mức tín dụng cho bất động sản hiện nay vẫn tăng cao và dư nợ cho vay kinh doanh địa ốc khá cao so với các lĩnh vực khác trong nền kinh tế, nhưng điểm yếu nhất của nền kinh tế hiện nay lại cũng nằm trong thị trường bất động sản với mối liên kết giữa nợ và chậm thanh toán trái phiếu.

Do đó, nếu không kích hoạt được nguồn tiền thu được từ phía người mua nhà, thì khả năng chậm thanh toán, đắp chiếu của các doanh nghiệp địa ốc vẫn sẽ kéo dài. Điều này đồng nghĩa một phần nguồn vốn tín dụng trung và dài hạn cũng như xử lý trái phiếu sẽ bị “đóng băng”.

Minh Quân