Như chúng tôi đã đưa tin, đầu tháng 9 vừa qua, lãi suất cho vay mua nhà ở các ngân hàng thương mại “vẫn đứng im” dù lãi suất tiền gửi tiết kiệm liên tục được các ngân hàng giảm mạnh.
Tuy nhiên, từ giữa tháng 9 đến nay, sau sự kiện Big 4 ngân hàng quốc doanh kéo giảm lãi suất huy động xuống mức đáy của lịch sử, nhiều nhà băng bắt đầu giảm lãi suất cho vay mua nhà.
Cụ thể, trung tuần tháng 9 vừa, TPBank đã giảm lãi suất cho vay mua bất động sản xuống mức thấp nhất chỉ từ 6,9%. Với gói ưu đãi mới này, khách hàng được ân hạn gốc tối đa 24 tháng và có thể được miễn phí trả nợ trước hạn từ năm thứ 3 trở đi. Tuy nhiên, chương trình ưu đãi này chỉ kéo dài từ nay đến hết ngày 31/01/2024.
Tương tự TPBank, bước sang tháng 10, ngân hàng được coi là có lãi suất cho vay mua nhà cao nhất trên thị trường trong tháng 9 - HSBC với 11,5%/năm đã điều chỉnh giảm sâu lãi suất cho vay với bất động sản, xuống còn 9,75%/năm, tương ứng mức giảm 1,75%/năm.
Ngoài ra, nhiều ngân hàng khác cũng kéo giảm mức lãi suất cho vay mua nhà xuống từ 7,2- 8,2 %/năm.
Cụ thể, theo khảo sát, lãi suất cho vay mua nhà đầu tháng 10 tại Woori Bank là 7,2%/năm, với tỷ lệ cho vay tối đa là 80% và kỳ hạn cho vay tối đa là 30 năm.
Tại là các ngân hàng: SHB, MBBank, Hong Leong Bank…., mức lãi suất là 7,5%/năm với tỷ lệ vay tối đa từ 75 - 80%.
Ảnh minh họa
Một số ngân hàng có mức lãi suất cao hơn, gồm: Shinhan Bank (7,6%/năm); BIDV (7,8%/năm); Agribank và Vietcombank (8%/năm); HDBank (8,2%/năm)… không có nhiều biến động so với tháng 9.
Nhóm các ngân hàng có mức lãi suất cho vay mua nhà cao hiện nay là Ngân hàng TMCP Hàng hải (Maritime Bank) với 10,99%/năm; Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) với 10,5%/năm….
Liên quan đến việc giảm lãi suất cho vay, mới đây Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 164/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9 năm 2023 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương.
Tại Nghị quyết, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương bám sát diễn biến thị trường để tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách khác, không tạo ra những biến động mạnh, thay đổi đột ngột, ảnh hưởng đến tâm lý thị trường, doanh nghiệp, nhà đầu tư, người dân; điều hành tỷ giá phù hợp với tình hình, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ và ngoại hối.
Tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn các tổ chức tín dụng rà soát, đơn giản hóa quy trình, thủ tục cho vay để tăng tiếp cận tín dụng cho doanh nghiệp và thúc đẩy giải ngân các gói tín dụng 40 nghìn tỷ đồng hỗ trợ lãi suất, 120 nghìn tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, 15 nghìn tỷ đồng cho lĩnh vực lâm sản, thủy sản; hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng; tiếp tục phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay.
Đánh giá về khả năng giảm lãi suất trong thời gian tới, Công ty Chứng khoán Vndirect dự báo, lãi suất tiền gửi sẽ tiếp tục xu hướng giảm, nhờ vào: (1) tác động từ 4 đợt giảm lãi suất của NHNN, (2) nhu cầu tín dụng yếu trong nửa đầu năm 2023 làm giảm áp lực huy động, (3) Chính phủ thúc đẩy đầu tư công và mở rộng tài khóa, từ đó bơm thêm tiền vào nền kinh tế.
Bên cạnh đó, NHNN đã ban hành Thông tư 02 cho phép các NHTM giãn trích lập dự phòng nợ xấu. Hai yếu tố trên sẽ giúp các ngân hàng giảm chi phí vốn để có dự địa hạ lãi suất cho vay. Do đó, lãi suất tiền gửi bình quân kỳ hạn 12 tháng sẽ giảm xuống mức 6,0-6,2%/năm trước thời điểm cuối năm 2023, giúp lãi suất cho vay có thể giảm thêm 100-150 điểm cơ bản tính đến quý 1/2024.
Trung Kiên