ngan-hang-ocb-la-ngan-hang-gi_20230131183342.jpg OCB: Lợi nhuận “bốc hơi” 20,3%, nhân sự giảm… 1.453 người chỉ sau 1 quý.

Nhiều ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính quý 4/2022 với lợi nhuận tăng vọt và lập kỷ lục mới. Trong bối cảnh đó, Ngân hàng TMCP Phương Đông - OCB gây bất ngờ khi lợi nhuận “bốc hơi” tới hơn 20%.

Bất ngờ hơn, quy mô nhân sự cả hệ thống OCB giảm tới 1.453 người, tương đương 19,4% chỉ sau 1 quý.

Lợi nhuận “bốc hơi” 20,3%

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2022, trong kỳ, Thu nhập lãi và các khoản thu nhập tương tự tại OCB đạt 3.984 tỷ đồng; lũy kế cả năm đạt 14.068 tỷ đồng, tăng 2.427 tỷ đồng, tương đương 20,8% so với năm 2021.

Thế nhưng, lợi nhuận nhà băng này lại thụt lùi. Lợi nhuận sau thuế quý 4/2022 giảm từ 1.400 tỷ đồng xuống 1.392 tỷ đồng. Chỉ tiêu này lẽ ra “rơi" mạnh hơn nếu OCB không hạn chế chi phí dự phòng rủi ro tín dụng. Chi phí dự phòng giảm sâu, từ 337 tỷ đồng xuống còn 148 tỷ đồng trong quý 4/2022.

Lũy kế cả năm, lợi nhuận sau thuế giảm 895 tỷ đồng, tương đương 20,3% so với năm 2021 bất chấp thu nhập lãi tăng 20,8%. Nguyên nhân là do hoạt động chứng khoán lao dốc.

Nếu như trong năm 2021, mua bán chứng khoán kinh doanh mang về cho OCB 203 tỷ đồng thì trong năm 2022, hoạt động này khiến OCB thua lỗ 77,3 tỷ đồng. Trong khi đó, năm 2022, OCB thua lỗ 140 tỷ đồng vì mua bán chứng khoán đầu tư nhưng trước đó 1 năm, hoạt động này mang về cho ngân hàng này khoản lãi lên đến 1.745 tỷ đồng.

Rủi ro thanh khoản

Trong khi hoạt động kinh doanh chứng khoán khiến OCB thê thảm, ngân hàng đối mặt với tình trạng tăng trưởng tín dụng có tốc độ đi lên vượt trội so với huy động vốn, từ đó tạo nên rủi ro thanh khoản.

Tại ngày 31/12/2022, cho vay khách hàng tại OCB là 118.220 tỷ đồng, tăng 17.285 tỷ đồng, tương đương 17,1% so với hồi cuối năm 2021. Trong khi đó, tiền gửi của khách hàng đạt chỉ đạt 102.211 tỷ đồng, tăng 3.406 tỷ đồng, tương đương 3,4%.

Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà đánh giá, tốc độ huy động vốn của hệ thống ngân hàng trong 9 tháng đầu năm 2022 chỉ bằng 1/3 so với tốc độ tăng trưởng của tín dụng, đặt ra thách thức đối với hệ số sử dụng vốn rất cao, gây quan ngại về thanh khoản của hệ thống ngân hàng vì có huy động tiền được mới cho vay được nền kinh tế.

Còn tại OCB, còn số này lên tới 1/5. Nghĩa là rủi ro thanh khoản tại OCB cao hơn rủi ro của toàn thị trường.

Nợ xấu tăng mạnh

Bên cạnh đó, OCB chứng kiến nợ xấu, đặc biệt là nợ nhóm 5 - nợ có khả năng mất vốn tăng vọt.

Hồi cuối năm 2022, nợ xấu cho vay khách hàng tại OCB đạt 2.671 tỷ đồng, chiếm 2,23% tổng dư nợ; tăng mạnh so với con số 1.349 tỷ đồng, tương đương 1,32% của năm 2021. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn tăng 642 tỷ đồng, tương đương 87,5% lên 1.375 tỷ đồng.

Nợ xấu bứt tốc nhưng chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tại OCB năm 2022 chỉ tăng 69 tỷ đồng, tương đương 6,9% so với năm 2021. Trong khi đó, tốc độ tăng nợ xấu là 1.322 tỷ đồng, tương đương 98%. Nếu trích lập dự phòng tương đương tốc độ tăng của nợ xấu thì lợi nhuận của OCB còn “bốc hơi” lớn hơn con số 20,3% rất nhiều.

Nhân sự giảm … 1.453 người

Tại ngày 31/12/2022, tổng số cán bộ, công nhân viên của Ngân hàng OCB và các công ty con là 6.052 người, giảm 1.453 người, tương đương 19,4% so với ngày 30/9/2022. Như vậy, quy mô nhân sự tại toàn hệ thống OCB giảm tới 1.453 người chỉ sau 1 quý.

Trong kỳ, mỗi nhân sự OCB được trả 71,1 triệu đồng/người/quý, tương đương 23,7 triệu đồng/người/tháng. Đây là mức trung bình trong hệ thống ngân hàng.