Theo đó, các Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản và hai điều (200 và 210) của Luật Các tổ chức tín dụng có hiệu lực từ 1/8, tức sớm 5 tháng so với quyết nghị của Quốc hội tại kỳ họp tháng 1/2024. Riêng một số quy định chuyển tiếp tại 7 điều (từ 253 đến 260) Luật Đất đai vẫn có hiệu lực từ 1/1/2025.
Trước đó, Báo cáo tiếp thu, chỉnh lý và giải trình về dự án luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, quá trình thảo luận nhiều ý kiến đại biểu tán thành có hiệu lực sớm các luật liên quan bất động sản, song họ băn khoăn điều kiện thi hành. Do đó, có ý kiến đề nghị giữ nguyên hiệu lực các luật này, tức từ 1/1/2025. Trong khi số khác đề nghị Chính phủ phải chịu trách nhiệm khi đề xuất có hiệu lực sớm các luật này.
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở 2023 và Luật Kinh doanh bất động sản 2023 có nhiều chủ trương, chính sách mới để khắc phục vướng mắc các luật cũ. Nhiều quy định có tính đổi mới được người dân và xã hội kỳ vọng tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội. Cùng với đó, nhiều quy định có thể áp dụng ngay mà không cần văn bản hướng dẫn chi tiết.
Tuy nhiên, Chính phủ đã có báo cáo giải trình, rằng phương án đề xuất có hiệu lực sớm 5 tháng với các luật liên quan bất động sản không gây ra cách hiểu khác nhau.
Cũng có ý kiến đại biểu lo ngại về tiến độ, lộ trình ban hành văn bản hướng dẫn thuộc trách nhiệm của địa phương là "quá gấp". Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận nhận thấy điều này hoàn toàn xác đáng. Cơ quan này cho hay, Chính phủ đã có báo cáo giải trình, trong đó nêu rõ tiến độ ban hành các văn bản hướng dẫn thuộc thẩm quyền Chính phủ, Thủ tướng, các bộ, ngành.
Với các văn bản hướng dẫn thuộc thẩm quyền của địa phương, Chính phủ khẳng định còn thời gian để hoàn thiện, ban hành và có hiệu lực từ ngày 1/8. Tức là, các bộ, ngành, địa phương sẽ kịp thời ban hành văn bản, hướng dẫn để không tạo khoảng trống pháp lý hoặc để xảy ra tiêu cực, trục lợi chính sách, hợp thức hóa sai phạm.
Liên quan đến việc này, trước đó, tại văn bản gửi tới Thủ tướng Chính phủ và Bộ Xây dựng, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết, việc Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản nếu được Quốc hội cho phép áp dụng sớm sẽ củng cố lòng tin, thúc đẩy thị trường bất động sản phục hồi vào cuối năm 2024 và phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.
Theo HoREA, trong quý I vừa qua, TP.HCM chỉ có 1 dự án nhà ở thương mại được chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư với diện tích 3.647m2 và chỉ có 1 dự án nhà ở thương mại (cũ) đã hoàn thành đầu tư xây dựng với quy mô 219 căn hộ. Ngoài ra, thành phố còn có 62 dự án nhà ở thương mại (dự án cũ) đang triển khai với 28.462 căn hộ.
Do vậy từ nay đến cuối năm 2024, thị trường bất động sản TP.HCM sẽ còn tiếp tục mất cân đối cung - cầu nhà ở, thiếu hụt nguồn cung nhà ở, dẫn tới hệ quả giá nhà có thể bị đẩy lên cao , nhất là vẫn “lệch pha” về phân khúc nhà ở cao cấp và rất thiếu nguồn cung nhà ở thương mại giá bình dân, nhà ở xã hội.
Theo HoREA, trong nửa cuối năm 2024, thị trường bất động sản có thể diễn ra theo 2 xu hướng. Trường hợp 1: Nếu được “tiếp sức” bằng việc tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội sẽ cho phép áp dụng Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở 2023, Luật Kinh doanh Bất động sản 2023 sớm. Đồng thời với việc Chính phủ, các bộ, ngành ban hành các nghị định, thông tư quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các luật liên quan, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, có tính khả thi, sát với thực tiễn thì sẽ xử lý được hầu hết các vướng mắc của 148 dự án bất động sản trên địa bàn TP.HCM đang vướng mắc pháp lý chiếm 70% sẽ có tác động tích cực, thúc đẩy tiến trình phục hồi và phát triển trở lại của thị trường bất động sản từ khoảng cuối năm 2024 trở đi.
Trường hợp 2: Nếu Quốc hội không cho phép áp dụng sớm Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở 2023, Luật Kinh doanh Bất động sản 2023 thì sẽ “làm chậm” tiến trình phục hồi và phát triển trở lại của thị trường bất động sản, khoảng 6 tháng.
HoREA cũng cho rằng, việc này sẽ dẫn đến tình trạng thị trường bất động sản tiếp tục thiếu hụt nguồn cung dự án dẫn đến thiếu hụt nguồn cung nhà ở thương mại và tiếp tục tình trạng “lệch pha” sản phẩm nhà ở, phân khúc nhà ở, thiếu hụt nguồn cung nhà ở giá vừa túi tiền và tiếp tục tình trạng giá nhà bị đẩy lên cao, tác động bất lợi đến mục tiêu phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững.
Còn Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) trong bản tin mới nhất vừa phát hành cách đây ít hôm đánh giá, Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản mới được sửa đổi, bổ sung, cung cấp khuôn khổ pháp lý rõ ràng và minh bạch hơn, chắc chắn sẽ có nhiều tác động đến người mua nhà theo hướng bảo vệ, tăng cường quyền và lợi ích của họ trong “sân chơi” bất động sản hoàn toàn mới.
“Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản mới được sửa đổi, bổ sung sau khi thực thi sẽ là cơ hội tốt cho người mua nhà. Bởi với các quy định mới, quyền và lợi ích của người mua nhà sẽ được bảo vệ với nhiều lựa chọn hơn khi nguồn cung được khơi thông.
Đặc biệt, các chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội và mở rộng quyền sở hữu cho người nước ngoài cũng góp phần tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân và nhà đầu tư trong việc sở hữu và kinh doanh bất động sản”, VARS nhận định./.