Ảnh minh hoạ.

Ngày 22 tháng 9, trước những diễn biến có phần bất lợi trên thị trường quốc tế, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã quyết định tăng 100 điểm cơ bản đối với một loạt các lãi suất điều hành chủ chốt, trong đó lãi suất tái cấp vốn tăng từ mức 4,0% lên 5,0%, lãi suất tái chiết khấu tăng từ mức 2,5% lên 3,5%, trần lãi suất cho vay qua đêm và thanh toán bù trừ tăng từ 5,0% lên 6,0%, và mức lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng tăng từ 4,0% lên 5,0%.

Các mức lãi suất mới sẽ chính thức áp dụng từ ngày hôm nay (23/9). Như vậy, đây là lần tăng lãi suất điều hành đầu tiền kể từ năm 2020 sau động thái tăng lãi suất của Fed.

Đánh giá về diễn biến trên, Công ty TNHH Chứng Khoán Yunta cho rằng, việc nâng trần lãi suất này là cần thiết và sẽ giúp hạn chế áp lực lên tiền đồng. Tuy nhiên, việc tăng lãi suất điều hành sẽ gây áp lực lên chi phí huy động vốn của các ngân hàng thương mại.

Biểu lãi suất điều hành từ 2010 đến nay.

Theo Yunta, tại phiên họp trước đó ngày 22/ 9, Thủ Tướng đã yêu cầu NHNN xem xét tăng lãi suất điều hành và lãi suất huy động nhưng lại yêu cầu cố gắng giữ ổn định lãi suất cho vay để hỗ trợ nền kinh tế phục hồi sau đại dịch.

Do đó, công ty chứng khoán này đưa ra nhận định, NIM (tỷ lệ thu nhập lãi thuần) toàn ngành sẽ thu hẹp trong thời gian tới. Tuy nhiên tác động sẽ không giống nhau cho từng ngân hàng.

Các ngân hàng có tỷ lệ LDR thấp (tỷ lệ dư tín dụng trên số vốn huy động của ngân hàng) như là HDB, MSB, VIB, VPB hoặc các ngân hàng có tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn thấp như là ACB, HDB, MSB, VPB sẽ ít chịu áp lực về NIM hơn. Đặc biệt các ngân hàng có tỷ lệ CASA cao như TCB, MBB, và VCB sẽ chống chịu tốt hơn trước tác động của xu hướng gia tăng chi phí vốn.

Trong khi đó, Bản tin cập nhật “Tăng lãi suất điều hành và những tác động lên dự báo vĩ mô” của VNDIRECT đánh giá, hành động của NHNN Việt Nam là tương đối quyết liệt và kịp thời trước những thay đổi nhanh chóng trên thị trường tài chính quốc tế. Tuy vậy, các chuyên gia công ty này có ''đôi chút bất ngờ'' về mức tăng 100 điểm cơ bản lãi suất điều hành (cao hơn so với dự báo trước đó của VNDIRECT ở mức 50 điểm cơ bản cho năm 2022).

Sau đợt tăng lãi suất lần này, ít khả năng có thêm một đợt tăng lãi suất điều hành nữa trong năm 2022. Mặt bằng lãi suất tiền gửi sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới. Dự báo lãi suất tiền gửi có thể tăng thêm 30 - 50 điểm cơ bản từ mức hiện tại vào cuối năm 2022. Theo đó, lãi suất tiền gửi 12 tháng của ngân hàng thương mại (bình quân) tăng lên mức 6,1 - 6,3%/năm vào cuối năm 2022…

Tuấn Minh