Thành viên hệ sinh thái Stavian Group muốn làm dự án tại Vũng Tàu
Ngày 3/6 vừa qua, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã nhận được đề nghị của CTCP Stavian Địa ốc (Stavian Land) về việc khảo sát, nghiên cứu lập quy hoạch và đầu tư dự án trên địa bàn tỉnh. Trước đề xuất của doanh nghiệp, ngày 12/7, UBND tỉnh đã giao Sở Xây dựng phối hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư làm việc với Stavian Land để nắm nội dung và nghiên cứu, giải quyết, có văn bản trả lời trả lời công ty và báo cáo UBND tỉnh trong tháng 7.
Theo tìm hiểu, CTCP Stavian Địa ốc mới thành lập ngày 20/5/2022 do ông Đinh Đức Thắng làm đại diện pháp luật, có trụ sở tại Century Tower, 458 Minh Khai, Vĩnh Tuy, Hai Bà Trưng, Hà Nội.
Thời điểm thành lập, công ty có vốn điều lệ 600 tỷ đồng, gồm 3 cổ đông là Công ty TNHH Tập đoàn Stavian (29%); Công ty TNHH Stavian Việt Nam Holdings (1%) và CTCP Stavian Công nghiệp và Dịch vụ (70%). Ngành nghề chính của Stavian Land là kinh doanh bất động sản (BĐS) nghỉ dưỡng, nhà ở, trung tâm thương mại, văn phòng cho thuê, BĐS khu công nghiệp.
Việc thành lập Stavian Land mới đây đã nằm trong kế hoạch của ông Đinh Đức Thắng khi trước đó, vào năm 2021, Stavian Group đã bắt tay hợp tác cùng Tập đoàn GFS (GFS Group) để thực hiện các dự án bất động sản. Ngày 18/6/2021, Stavian Group và GFS Group đã góp vốn 600 tỷ đồng thành lập doanh nghiệp liên doanh là CTCP Stavian GFS Land với ngành nghề chính là kinh doanh BĐS.
Stavian GFS Land có 3 cổ đông. Trong đó, CTCP Stavian Công nghiệp và Dịch vụ nắm 51% vốn góp; bà Nguyễn Hồng Hạnh - Tổng Giám đốc kiêm Phó Chủ tịch HĐQT của GFS Group nắm 24,5% vốn góp; ông Phạm Hải Đăng - Giám đốc CTCP Nông nghiệp Hà Nội - GFS nắm 24,5% vốn góp. Chủ tịch HĐQT của Stavian GFS Land là ông Nguyễn Minh Tú - Tổng Giám đốc Stavian Group.
Theo giới thiệu Stavian GFS Land, doanh nghiệp này được ra đời với mục tiêu đầu tư vào các dự án BĐS nhà ở; BĐS văn phòng; BĐS thương mại; BĐS công nghiệp và bất động sản nghỉ dưỡng dựa trên sự cộng hưởng tiềm lực giữa Stavian Group và GFS Group. Trong thời gian tới, Stavian GFS Land sẽ triển khai một số dự án lớn như dự án 300 ha tại KCN Hưng Yên; dự án 500 ha tại KCN Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) và khu nghỉ dưỡng 50 ha tại Nho Quan (Ninh Bình).
Về phía GFS Group, doanh nghiệp này được thành lập năm 1997, tiền thân là đơn vị thành viên của CIENCO 8 - Bộ Giao thông Vận tải, đến năm 2005, thực hiện cổ phần hóa, tách khỏi CIENCO 8. GFS Group được biết đến với chuỗi tổ hợp văn phòng, căn hộ chung cư tại Hà Nội như Five Star Trường Chinh (Đống Đa), Five Star Garden (quận Thanh Xuân), Five Star West Lake (quận Tây Hồ) và Five Star Mỹ Đình (quận Nam Từ Liêm).
Hé mở hệ sinh thái của Stavian Group
Stavian Group được thành lập chính thức vào năm 2018 do vị doanh nhân Đinh Đức Thắng (1978) làm Chủ tịch HĐQT, định hướng trở thành tập đoàn đa ngành, đa quốc gia.
Theo tìm hiểu, tháng 9/2009, ông Đinh Đức Thắng chính thức thành lập Công ty Cổ phần Nhựa Opec với số vốn góp tổng cộng là 55 tỷ đồng. Trong đó ông Thắng sở hữu 55% và hai người bạn đồng hành cùng ông là ông Nguyễn Đức Hà và ông Nguyễn Minh Tú góp 45% vốn còn lại. Sau đó Công ty Cổ phần Nhựa Opec đã đổi tên thành CTCP Stavian Hóa chất (Stavian Chemical).
Ngoài Stavian Chemical, ông Thắng còn là người đại diện pháp luật, điều hành một số doanh nghiệp khác thuộc Stavian Group như Công ty TNHH Tập đoàn Stavian, Công ty TNHH Stavian Việt Nam Holdings, Công ty CP Stanvian Công nghiệp và Dịch vụ, …
Theo nguồn tin từ vietnamfinance, các công ty này cùng có chung đặc điểm đó là doanh thu cao ngất ngưởng, song lợi nhuận và nhân sự rất mỏng.
Điển hình như Stavian Chemical là pháp nhân lõi được chủ tịch HĐQT Đinh Đức Thắng sở hữu 50% vốn, tổng giám đốc Nguyễn Minh Tú sở hữu 30% vốn và phó tổng giám đốc Nguyễn Đức Hà sở hữu 5% vốn.
Trong giai đoạn 2016-2019, Stavian Chemical ghi nhận doanh thu thuần liên tiếp tăng trưởng, từ 6.700 tỷ đồng lên 16.160 tỷ đồng vào cuối chu kì. Tuy nhiên, bất chấp doanh thu tăng đều đặn cả nghìn tỷ mỗi năm, Nhựa Opec chỉ duy trì lợi nhuận ở mức vài chục tỷ đồng, tỷ suất sinh lời trên doanh thu có năm sụt còn 0,22%. Càng đặc biệt hơn, tình trạng lãi mỏng này xảy ra thường xuyên và trở thành một "dấu ấn" riêng của Stavian Chemical.
Cũng trong giai đoạn này, tài sản của Stavian Chemical liên tục nảy nở, từ 3.800 tỷ đồng lên 7.200 tỷ đồng vào năm 2019. Đối ứng bên nguồn vốn, phần lớn là doanh nghiệp dựa vào các khoản nở ngoài, do vốn chủ sở hữu chỉ ở mức 670 tỷ đồng, trong đó 550 tỷ đồng là vốn điều lệ. Điều này cũng cho thấy, doanh nghiệp của ông Thắng có khoản lợi nhuận tích lũy rất khiêm tốn, hơn 100 tỷ đồng sau chục năm bôn ba thương trường.
Tại thời điểm tháng 11/2013, Stavian Chemical có vốn điều lệ 100 tỷ đồng, trong đó ông Đinh Đức thắng nắm 50% vốn góp. Kể từ đó đến nay, doanh nghiệp đã có nhiều lần tăng vốn điều lệ, đặc biệt tăng mạnh trong giai đoạn 2018 - 2022. Tại lần đăng ký thay đổi mới nhất ngày 31/3/2022, vốn điều lệ của công ty là 2.300 tỷ đồng.
Có những nét tương đồng, đó là Công ty Cổ phần Vận tải biển OPL, một thành viên chủ chốt trong hệ sinh thái Stavian Chemical. Đơn vị phụ trách mảng logistic này hoạt động dưới quyền của ông Nguyễn Minh Tú.
Với vốn điều lệ 50 tỷ đồng, OPL đem về gần 80 tỷ đồng doanh số vào năm 2016, đến năm 2019 đạt 360 tỷ đồng. Tăng trưởng doanh thu bằng lần, thế nhưng doanh nghiệp này lãi đì đẹt, cao nhất đạt 5 tỷ đồng và có năm còn lỗ ròng 2 tỷ đồng. Tổng tài sản cuối năm 2019 đạt 130 tỷ đồng.
Dưới sự điều hành của ông Thắng, các công ty thành viên khác của Stavian Group cũng nằm trong bối cảnh tương tự. Stavian Việt Nam Holdings, Tập đoàn Stavian, Stavian Hóa chất đều có số lượng nhân viên lác đác 3-5 người, lợi nhuận rất khiêm tốn so với doanh số...
Trong đó, Stavian Hóa chất ghi nhận doanh thu 20 tỷ đồng trong năm đầu thành lập và nhanh chóng tăng lên 150 tỷ đồng vào năm kế tiếp. Dẫu vậy, doanh nghiệp giảm lãi từ 810 triệu đồng còn 50 triệu đồng năm 2019.
Ông Thắng còn góp 4,55% vốn tại Công ty Cổ phần Hanoiba, đây là doanh nghiệp có sự tham gia của các thành viên thuộc Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội, như ông Lê Phụng Thắng (chủ tịch hội), Trần Anh Vương (phó chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam)...