Quyết định 620/QĐ-TTg về phê duyệt đề án cơ cấu lại Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) đến hết năm 2025 đã được Phó Thủ tướng Lê Minh Khái phê duyệt.

Theo đó, ở cuối giai đoạn, tập đoàn sẽ giảm tỷ lệ nắm giữ xuống dưới mức 50% vốn hoặc thoái vốn ở 26 doanh nghiệp trong đó có cả MSB - ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam.

Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2023 cho thấy VNPT nắm giữ gần 121 triệu cổ phiếu MSB, ứng với 6,05% vốn điều lệ của nhà băng. Giá trị hợp lý của khoản đầu tư này vào cuối năm 2023 là 1.573 tỷ đồng, tương ứng với khoảng 13.000 đồng/CP, còn giá gốc là 580 tỷ đồng.

VNPT sẽ thoái vốn tại MSB theo đề án tái cơ cấu hết năm 2025 - ảnh 1

Cổ phiếu MSB đã tăng gần 14% từ đầu năm tới nay và chốt mức 14.800 đồng/CP ở phiên 17/7. Mức giá trên cho thấy VNPT nắm giữ số cổ phiếu MSB với tổng giá trị 1.790 tỷ đồng, nghĩa là tạm lãi 1.210 tỷ đồng so với mức giá gốc.

Bên cạnh nội dung về thoái vốn, đề án cơ cấu lại cũng cho thấy VNPT đề ra mục tiêu đạt 287.933 tỷ đồng doanh thu toàn tập đoàn giai đoạn đến hết năm 2025, nộp ngân sách nhà nước là 26.046 tỷ đồng.

Đề án cũng đề nghị tiếp tục duy trì công ty mẹ VNPT là công ty TNHH một thành viên có 100% vốn điều lệ do Nhà nước nắm giữ. Ngoài ra, tập đoàn tiếp tục nắm giữ 100% vốn điều lệ tại Công ty TNHH một thành viên Cáp quang (FOCAL).

Bên cạnh đó, cũng nắm giữ trên 50% vốn điều lệ ở 4 công ty bao gồm: Công ty CP vật tư bưu điện (POTMASCO); Công ty CP Truyền thông quảng cáo đa phương tiện (SMJ); VNPT Technology; Công ty CP dịch vụ số toàn cầu (GDS); nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ ở 23 doanh nghiệp. Đồng thời thoái vốn (nghĩa là nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ hoặc thoái toàn bộ vốn góp) ở 26 công ty.

VNPT cũng sắp xếp triển khai theo đề án riêng theo định hướng sáp nhập căn cứ vào quy định pháp luật và được cấp có thẩm quyền thông qua đối với doanh nghiệp khác có vốn góp của tập đoàn là Tổng công ty Truyền thông VNPT-Media) và Tổng công ty dịch vụ Viễn thông (VNPT-VinaPhone)./.