Thứ 1 ngày 7 tháng 7 năm 2024 / 20:36

Nhiều “bất thường” trên thị trường trái phiếu

Dù cơ quan quản lý đã và đang đưa ra nhiều cảnh báo, những lô trái phiếu với nhiều dấu hiệu bất thường vẫn đang được chào bán với lãi suất cao…
Nhiều “bất thường” trên thị trường trái phiếu | Nhiều “bất thường” trên thị trường trái phiếu | thị trường | doanh nghiệp | tiêu điểm | quy hoạch | hạ tầng | dự án | tài chính |

Lãi suất tăng rõ rệt

Theo Hiệp hội Trái phiếu Việt Nam VBMA, trong riêng tháng 7, có 28 đợt phát hành TPDN riêng lẻ được công bố với tổng giá trị 18.661 tỷ đồng. Trong đó, ngân hàng là nhóm ngành có khối lượng phát hành lớn nhất với 15.058 tỷ đồng (chiếm 81% tổng giá trị phát hành), đứng đầu là BIDV với khối lượng phát hành 4.494 tỷ đồng, tiếp theo là MB với 3.000 tỷ đồng.

Trong tháng qua, dù lượng trái phiếu do TCTD phát hành vẫn chiếm khối lượng lớn nhất, song so với tháng 7/2021 vẫn giảm hơn 30%. Nhóm các doanh nghiệp tài chính đứng thứ hai với 2.225 tỷ đồng (chiếm 11.9% tổng giá trị phát hành), trong đó, riêng Công ty Tài chính cổ phần Điện lực khi phát hành 1.725 tỷ đồng trái phiếu xanh riêng lẻ có bảo lãnh một phần của GuarantCo và tuân theo chuẩn mực phát hành của ICMA.

Điểm đáng lưu ý, nếu như doanh nghiệp BĐS liên tục đứng thứ hai về cơ cấu phát hành ở các tháng trước, thì thị trường tháng 7 chỉ ghi nhận 1 đợt phát hành trái phiếu đến từ CTCP Đầu tư Kinh doanh Bất động sản Hà An thuộc Tập đoàn Đất Xanh với giá trị phát hành đạt 210 tỷ đồng và chỉ chiếm vỏn vẹn 2% thị trường sơ cấp.

Còn theo số liệu từ FiinRatings, trong tháng 7, trong 28 lô TPDN được phát hành ra thị trường thì chỉ có 5 lô là có tài sản đảm bảo dưới hình thức cổ phiếu của công ty mẹ. Đây chính là vấn đề nhà đầu tư cần quan tâm đánh giá chất lượng tài sản thế chấp, nhất là trong bối cảnh thị trường chứng khoán giảm mạnh và biến động như hiện nay.

Kỳ hạn trái phiếu phát hành trong tháng 7 có sự kéo dài nhẹ so với trung bình năm 2021 và các tháng trước đó.

Đơn cử, trái phiếu do TCTD phát hành có kỳ hạn bình quân khoảng 5 năm, dài hơn đáng kể so với mức bình quân 3,4 năm trước đó của nửa đầu năm nay. Hiện tượng này phản ánh điều kiện về môi trường lãi suất tăng và các tổ chức phát hành thường có xu hướng kéo dài kỳ hạn của trái phiếu trong bối cảnh hiện nay.

Về lãi suất chào bán, lãi suất phát hành trái phiếu của các TCTD dao động xung quanh mức 4,3 – 7,6%, tăng rõ rệt so với mức lãi suất trung bình của nhóm trong 6 tháng đầu năm 2022 là 4,35%.

Trái phiếu duy nhất của nhóm Bất động sản được phát hành trong tháng 7 thuộc về Công ty Cổ phần Đầu tư Kinh doanh Bất động sản Hà An, cũng mang lãi suất danh nghĩa cao hơn mức trung bình của nửa đầu năm nay, với mức 11%.

Nhưng… nhiều yếu tố bất thường

Theo Bộ Tài chính, phát hành riêng lẻ TPDN đang dần tăng trở lại, tiềm ẩn nhiều rủi ro mặc dù trước đó nhiều doanh nghiệp vi phạm quy định về phát hành TPDN bị phát hiện. Bộ Tài chính cũng cảnh báo tình trạng bất thường khi môi giới của một số doanh nghiệp và tổ chức tài chính mời chào nhà đầu tư mua TPDN cũng tương tự như hình thức gửi tiết kiệm ngân hàng, với lãi suất có thể lên tới 12 - 13%/năm.

Khác với TPDN chào bán ra công chúng được UB CKNN cấp giấy chứng nhận đăng ký chào bán, TPDN riêng lẻ không được cơ quan quản lý cấp phép. Việc TCTD, CTCK phân phối chào mời TPDN không có nghĩa là các tổ chức này đảm bảo an toàn hay bảo lãnh cho các trái phiếu này.

Trên thực tế, các tổ chức này không chịu trách nhiệm về việc thẩm định, đánh giá tình hình tài chính và khả năng trả nợ của doanh nghiệp phát hành.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng cảnh báo một số yếu tố bất thường trong phát hành khác của doanh nghiệp như việc để nhiều công ty con trong cùng hệ sinh thái của doanh nghiệp phát hành, có dư nợ lớn so với vốn chủ sở hữu...

Để giải quyết vấn đề này, Bộ Tài chính đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo sớm hoàn thiện và phê duyệt dự thảo sửa đổi Nghị định 153/2020/NĐ-CP quy định về chào bán, giao dịch TPDN riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế để sớm có khuôn khổ chặt chẽ hơn trong các điều kiện phát hành như giám sát mục đích phát hành, yêu cầu thẩm định tài sản đảm bảo…, từ đó góp phần giúp thị trường vận hành ổn định và bền vững.

Một số chuyên gia tài chính thì cho rằng, việc xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp phát hành trái phiếu cũng là một trong những giải pháp để giúp thị trường phát triển lành mạnh, bền vững. Nếu đảm bảo được tính minh bạch trong việc xếp hạng tín dụng, doanh nghiệp có thể dễ dàng hơn trong việc phát hành trái phiếu.

Minh Huyền

Theo: vnmedia.vn copy https://vnmedia.vn/cafedautu/nhieu-bat-thuong-tren-thi-truong-trai-phieu-19142/

Tin liên quan