Thứ 3 ngày 5 tháng 11 năm 2024 / 15:28

Trái phiếu doanh nghiệp: Nhà đầu tư cá nhân nên thận trọng để tránh rủi ro

Trong thời gian qua, thị trường trái phiếu doanh nghiệp luôn nhận được sự quan tâm lớn từ các nhà đầu tư, và trên thực tế đây trở thành một kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng của doanh nghiệp.

Trái phiếu doanh nghiệp: Nhà đầu tư cá nhân nên thận trọng để tránh rủi ro |

Trái phiếu doanh nghiệp: Nhà đầu tư cá nhân nên thận trọng để tránh rủi ro

|

thị trường

|

doanh nghiệp

|

tiêu điểm

|

quy hoạch

|

hạ tầng

|

dự án

|

tài chính

|

Có hiện tượng nâng lãi suất TPDN để huy động vốn

Theo ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính ngân hàng (Bộ Tài chính), thị trường trái phiếu doanh nghiệp từ năm 2019 đến nay đã tăng trưởng nhanh, đang ngày càng trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng của các doanh nghiệp.

Trước dấu hiệu tăng trưởng “nóng”, tiềm ẩn rủi ro, có thể ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của thị trường trái phiếu nên Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã liên tục có các văn bản chỉ đạo về việc quản lý, giám sát chặt chẽ hoạt động phát hành, đầu tư, cung cấp dịch vụ trên thị trường TPDN.

Thông tin từ ông Nguyễn Hoàng Dương cho biết, tổng khối lượng TPDN phát hành riêng lẻ trong 7 tháng đầu năm 2022 là 280.641 tỷ đồng (tương đương cùng kỳ năm 2021). Trong đó, các tổ chức tín dụng (TCTD) chiếm 37,2% tổng khối lượng phát hành, các doanh nghiệp bất động sản chiếm 31,5%, xây dựng chiếm 8,8%. Riêng trong tháng 7, 84,4% tổng khối lượng TPDN riêng lẻ phát hành là của các TCTD, các doanh nghiệp BĐS, xây dựng chiếm lần lượt 1,5% và 0,7%.

Nhà đầu tư chính mua TPDN phát hành trên thị trường sơ cấp là các tổ chức tín dụng (mua 46,14%), công ty chứng khoán (mua 22,43%), các nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp mua 10,11%. Tuy nhiên, theo thống kê trên thị trường thứ cấp, sau khi mua trái phiếu, các công ty chứng khoán chủ yếu bán lại cho nhà đầu tư cá nhân khiến lượng nắm giữ của cá nhân tăng lên mức 32,6%.

Tình hình phát hành những tháng gần đây cho thấy, nếu như trong quý I, doanh nghiệp bất động sản và xây dựng là nhóm phát hành mạnh nhất chiếm lần lượt 50,98% và 18,87% thì sang quý II, các tổ chức tín dụng đã đẩy mạnh phát hành, chiếm 64,73% tổng khối lượng phát hành, các doanh nghiệp bất động sản chiếm 15,49% và nhóm xây dựng là 0,44%.

trai-phieu_20220822151321.jpg

Bên cạnh đó, sau những động thái chấn chỉnh nghiêm của cơ quan quản lý, trên thị trường có hiện tượng các doanh nghiệp mua lại trước hạn TPDN lớn với khối lượng mua lại trong 6 tháng đầu năm đạt 62 nghìn tỷ. Trong đó, tập trung chủ yếu vào Quý II (đạt 49,1 nghìn tỷ). Tính đến cuối tháng 7/2022, khối lượng mua lại là 86.556 tỷ đồng, tăng 21,4% so với cùng kỳ năm 2021. Sau khi giảm mạnh trong tháng 4 thì khối lượng phát hành đã tăng trở lại. Tuy nhiên, mức tăng chủ yếu vẫn ở nhóm các tổ chức tín dụng. Nhóm bất động sản vẫn tiếp tục phát hành nhưng khối lượng phát hành thấp hơn rất nhiều so với Quý I/2022.

Nhiều rủi ro trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp

Chia sẻ về những rủi ro trên thị trường TPDN, ông Nguyễn Hoàng Dương cho biết, trong thời gian qua, mặc dù khung khổ pháp lý đã được ban hành đầy đủ, vấn đề thực thi pháp luật chưa nghiêm đã dẫn đến các vụ việc vi phạm bị xử lý. Qua công tác quản lý, giám sát, Bộ Tài chính đánh giá thị trường còn các rủi ro gắn với từng chủ thể tham gia trên thị trường.

Cụ thể: một số doanh nghiệp đẩy mức lãi suất phát hành trái phiếu lên cao để huy động vốn dù tình hình tài chính còn yếu; nhiều nhà đầu tư cá nhân cố tình vi phạm để trở thành nhà đầu tư chuyên nghiệp để mua TPDN riêng lẻ hoặc góp vốn thông qua hình thức hợp đồng hợp tác đầu tư với nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp theo pháp luật dân sự; một số tổ chức cung cấp dịch vụ chưa tuân thủ quy định pháp luật, hợp thức hóa hồ sơ chào bán hoặc chào mời không đúng đối tượng nhà đầu tư đối với TPDN riêng lẻ.

Đặc biệt, rủi ro lớn nhất trên thị trường hiện nay là rủi ro từ các nhà đầu tư cá nhân thiếu khả năng phân tích, đánh giá rủi ro của trái phiếu nhưng vẫn tham gia mua TPDN. Trên các mạng xã hội, hội nhóm gần đây đã xuất hiện hiện tượng môi giới của một số doanh nghiệp, tổ chức tài chính mời chào người dân mua TPDN như 1 hình thức gửi tiết kiệm với chào mời hỗ trợ lách luật để trở thành nhà đầu tư chuyên nghiệp với mức phí 2-3 triệu đồng.

Bên cạnh đó, cùng với việc lãi suất có xu hướng tăng cao, việc huy động của doanh nghiệp trở nên khó khăn hơn, các doanh nghiệp bắt đầu có hiện tượng nâng lãi suất TPDN để huy động vốn, đặc biệt là các doanh nghiệp bất động sản, xây dựng.

Không nên mua trái phiếu thông qua chào mời mà chưa tìm hiểu kỹ

Theo ông Nguyễn Hoàng Dương, trước thực trạng thị trường TPDN phát triển nhanh và phát sinh nhiều rủi ro, Bộ Tài chính đã thường xuyên khuyến nghị các nhà đầu tư tham gia thị trường TPDN riêng lẻ cần thận trọng, tìm hiểu quy định pháp luật và năng lực, hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp phát hành, nắm rõ những rủi ro đối với TPDN trước khi quyết định đầu tư.

Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính ngân hàng (Bộ Tài chính) chia sẻ, đối với các nhà đầu tư cá nhân, khi cân nhắc tham gia mua TPDN, cần lưu ý các nội dung sau:

Một là, TPDN không phải là tiền gửi ngân hàng; TPDN được doanh nghiệp phát hành theo nguyên tắc tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm về khả năng trả nợ; do đó, nhà đầu tư mua TPDN có rủi ro khi doanh nghiệp không đảm bảo được nghĩa vụ trả nợ gốc, lãi trái phiếu.

Hai là, khi được giới thiệu mua TPDN riêng lẻ, nhà đầu tư phải lưu ý các quy định của pháp luật chỉ cho phép nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp được mua TPDN phát hành riêng lẻ. Nếu nhà đầu tư không phải nhà đầu tư chuyên nghiệp thì không được mua loại trái phiếu này.

Ba là, các tổ chức tín dụng, công ty chứng khoán phân phối chào mời mua TPDN không có nghĩa là các tổ chức này đảm bảo an toàn cho việc mua trái phiếu. Các tổ chức này chỉ là doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, hưởng phí dịch vụ từ doanh nghiệp phát hành mà không chịu trách nhiệm về khả năng trả nợ của doanh nghiệp phát hành.

Bốn là, bảo lãnh phát hành trái phiếu không phải là bảo lãnh thanh toán trái phiếu. Bảo lãnh phát hành chỉ là việc tổ chức bảo lãnh có cam kết với doanh nghiệp phát hành để phân phối số trái phiếu cần phát hành, theo đó không có bất kỳ nghĩa vụ nào với nhà đầu tư. Đối với bảo lãnh thanh toán, nhà đầu tư cũng cần tìm hiểu kỹ phạm vi bảo lãnh (bảo lãnh thanh toán gốc, lãi hay chỉ một phần gốc, lãi và nhà đầu tư sẽ phải chịu rủi ro đối với phần còn lại).

Năm là, nhà đầu tư cần lưu ý rằng, đối với các tài sản đảm bảo là các dự án, tài sản hình thành trong tương lai hoặc cổ phiếu, khi thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản có nhiều biến động, giá trị tài sản đảm bảo có thể bị sụt giảm và không đủ để thanh toán gốc, lãi trái phiếu.

Yến Nhi

Theo: vnmedia.vn copy https://vnmedia.vn/kinh-te/202208/trai-phieu-doanh-nghiep-nha-dau-tu-ca-nhan-nen-than-trong-de-tranh-rui-ro-e761c3d/

Tin liên quan