hdbank-1340.jpg

Đến 20/6, tăng trưởng tín dụng đạt 3,13% so với cuối năm 2022 và tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước.

Các dữ liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy thanh khoản trên hệ thống ngân hàng tiếp tục ổn định và hoạt động trên kênh thị trường mở trầm lắng. Cụ thể, mặc dù Ngân hàng Nhà nước chào thầu đều đặn trên kênh mua kỳ hạn ở hai kỳ hạn 7 ngày và 28 ngày, mỗi kỳ hạn 45.000 tỷ đồng (giảm 10% so với tuần trước đó), đều với lãi suất 4% và không có khối lượng trúng thầu nào được ghi nhận. Trên kênh mua kỳ hạn, có gần 294 tỷ đồng đáo hạn và như vậy đưa khối lượng lưu hành trên cả kênh tín phiếu và mua kỳ hạn về mức 0.

Như vậy, thanh khoản không gặp nhiều áp lực trong thời điểm cuối quý 2/2023 và lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm đã giảm về 0,39% - mức thấp nhất kể từ tháng 3/2021 trong phiên giao dịch ngày thứ Năm (29/6). Kết tuần, mặt bằng lãi suất dao động từ 0,7 - 3,1%, giảm hơn 4 điểm phần trăm so với cuối năm 2022.

Thông tin từ Tổng cục Thống kê cho thấy tăng trưởng tín dụng, huy động và M2 tính đến 20/6 lần lượt tăng 3,13%, 3,26% và 2,53% so với cuối năm 2022; tương đương với mức tăng 8,5%, 7,2% và 5,4% so với cùng kỳ. Như vậy, chênh lệch giữa tín dụng và huy động vốn đã thu hẹp đáng kể về chỉ còn vào khoảng 92 ngàn tỷ đồng, từ mức gần 300 ngàn tỷ đồng vào cuối tháng 4.

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 06 sửa đổi Thông tư 39 liên quan đến các hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, có hiệu lực từ 1/9/2023. Nhìn chung, trong văn bản này, Ngân hàng Nhà nước đã cung cấp khuôn khổ pháp lý rõ ràng cho các tổ chức tín dụng, với việc cho phép các tổ chức tín dụng được tự chủ/linh hoạt hơn trong hoạt động cho vay của mình.

Trung tâm Phân tích và Tư vấn đầu tư CTCP Chứng khoán SSI (SSI Research) nhận định, điều này cũng đi kèm với trách nhiệm nhiều hơn đối với tổ chức tín dụng và các hoạt động sau giải ngân. Do vậy SSI Research đánh giá mức độ tác động của Thông tư này nghiêng nhiều về phía siết chặt hơn đối với các lĩnh vực rủi ro.