Thứ 6 ngày 19 tháng 4 năm 2024 / 22:38

Cho vay bất động sản và "ôm" nhiều trái phiếu, TPBank có thể gặp áp lực lớn

Theo chuyên gia, với thực trạng mảng bất động sản chiếm tỷ trọng cao trong tổng dư nợ và là ngân hàng có tỷ trọng dư nợ trái phiếu doanh nghiệp lớn nhất, hoạt động kinh doanh của TPBank sẽ chịu tác động mạnh mẽ trong trường hợp thị trường bất động sản và trái phiếu xấu hơn dự kiến.
Cho vay bất động sản và "ôm" nhiều trái phiếu | TPBank có thể gặp áp lực lớn | Cho vay bất động sản và "ôm" nhiều trái phiếu, TPBank có thể gặp áp lực lớn | thị trường | doanh nghiệp | tiêu điểm | quy hoạch | hạ tầng | dự án | tài chính |

 

Có khả năng tăng trưởng tín dụng cao trong năm 2023

Trong báo cáo mới cập nhật, các chuyên gia phân tích tại Công ty chứng khoán KB (KBSV) đánh giá, TPBank nằm trong nhóm ngân hàng duy trì tỷ lệ đòn bẩy Nợ phải trả/vốn chủ sở hữu khá an toàn – đạt 9,2 lần tính đến quý 4/2022, thấp hơn so với trung bình nhóm ngân hàng theo dõi là 10,5 lần. Tỷ lệ an toàn vốn cũng đang ở mức cao với CAR theo Basel II tính đến 6 tháng đầu năm 2022 đạt 12,44%, cho thấy TPBank đang duy trì một bộ đệm dự phòng tốt cho hoạt động của ngân hàng và đảm bảo có khả năng được cấp room tín dụng cao trong năm 2023.

Về khả năng thanh toán, TPBank luôn nằm trong nhóm ngân hàng có tỷ lệ LDR theo Thông tư 22 thấp nhất thị trường với tỷ lệ dưới 65% trong 5 năm gần đây, riêng năm 2022 đạt 56%, thấp nhất hệ thống ngân hàng theo dõi.

Tuy nhiên, chỉ số LDR thuần (LDR thị trường 1) của TPBank duy trì ở mức khoảng 100% trong giai đoạn 2022, tương đương trung bình toàn ngành. Nguyên nhân chính dẫn tới sự chênh lệch giữa LDR theo Thông tư 22 và LDR thuần được giải thích là do danh mục huy động của TPBank có sự đóng góp lớn của vốn huy động từ thị trường liên ngân hàng.

Phần nguồn vốn này giúp tăng tính linh động về dòng tiền đối với ngân hàng tuy nhiên tiềm ẩn những rủi ro khi có các thay đổi về mặt chính sách hoặc biến động vĩ mô ảnh hưởng tới thị trường liên ngân hàng.

Trong năm 2022, thanh khoản của TPBank đã được cải thiện mạnh mẽ với chỉ số LDR theo Thông tư 22 đạt 56% (+203 điểm cơ bản so với cùng kỳ) và chỉ số LDR thuần đạt 81,6% (- 1,829 điểm cơ bản so với cùng kỳ), thấp nhất nhóm ngân hàng theo dõi nhờ tăng trưởng huy động khách hàng cao, đạt 194,97 nghìn tỷ VND, tăng 39,7% so với cùng kỳ với động lực từ tăng trưởng tệp khách hàng mới (tăng 3,7 triệu khách hàng mới trong năm 2022). Khả năng thanh khoản tốt giúp TPBank chủ động hơn trong việc kiểm soát chi phí vốn (COF) và đủ điều kiện để hướng tới mức tăng trưởng tín dụng cao trong năm 2023.

Về khả năng sinh lời, với quy mô vừa và định hướng tập trung vào khối khách hàng bán lẻ, tăng trưởng tín dụng của TPBank duy trì ở mức cao trong các năm gần đây với CAGR tăng trưởng 4 năm đạt 22,1%.

Năm 2022, tổng dư nợ tín dụng của TPBank đạt 182.661 tỷ VND, tăng 14,3% so với đầu năm trong đó dư nợ cho vay khách hàng tăng 14% và dư nợ trái phiếu doanh nghiệp tăng 11,9%.

Diễn biến tiêu cực của thị trường trái phiếu doanh nghiệp khiến dư nợ trái phiếu doanh nghiệp của TPBank đã giảm 21,5% so với quý 1/2022. Với tỷ lệ an toàn vốn và thanh khoản tốt, các chuyên gia KBSV kỳ vọng TPBank vẫn sẽ duy trì mức tăng trưởng tín dụng cao trong năm 2023.

Dư nợ trái phiếu lớn có thể gây áp lực lên chất lượng tài sản

NIM năm 2022 của ngân hàng đạt 3,98% (-33 điểm cơ bản so với năm trước). Trong đó lãi suất bình quân đầu ra tăng 7 điểm cơ bản do dần phản ảnh lãi suất cho vay tăng trong nửa cuối năm trong khi chi phí đầu vào bình quân tăng 44 điểm cơ bản do lãi suất thị trường 2 và thị trường 1 tăng trong khi tỷ lệ CASA đạt lại giảm mạnh tới 524 điểm cơ bản, xuống còn 18.0%.

Theo quan điểm của KBSV, NIM của TPBank tiếp tục sẽ gặp áp lực giảm trong nửa đầu năm 2023 do phản ánh phần lãi huy động cao trong nửa cuối năm 2022 và sẽ duy trì và dần hồi phục vào nửa sau của năm 2023.

ROA của TPBank được cải thiện nhẹ trong năm 2022, đạt 2.0%, tăng 8 điểm cơ bản so với năm trước. Trong khi đó, mặc dù lợi nhuận tăng mạnh nhưng chỉ số ROE năm 2022 chỉ đạt 21,5%, giảm so với năm trước.

Chất lượng tài sản ngân hàng không có nhiều biến động trong quý 4/2022 với tỷ lệ nợ xấu đạt 0,84% với tỷ lệ nợ nhóm 4 tăng 6 điểm cơ bản so với quý trước trong khi nợ nhóm 2,3 và 5 giảm.

Trong kỳ, TPBank trích lập dự phòng ở mức thấp, đạt 328 tỷ VND (-75,6% so với năm trước). Nhìn chung, trong năm 2021-2022, TPBank đã đẩy mạnh trích lập dự phòng và xử lý nợ xấu, giúp giảm NPL từ mức 1,2-1,3% giai đoạn 2019-2020 về dưới 1%.

Ngoài ra, TPBank đã chủ động trích lập dự phòng cho các khoản nợ xấu với tỷ lệ bao phủ nợ xấu tính đến quý 4/2022 đạt 135% qua đó giảm áp lực lên lợi nhuận trong các năm tới với dự báo sẽ có nhiều khó khăn hơn đối với ngành ngân hàng.

Theo quan điểm của KBSV, TPBank đang có những sự chuẩn bị để kiểm soát chất lượng tài sản trong bối cảnh triển vọng vĩ mô không có nhiều điểm tích cực trong năm 2023.

Tuy nhiên, với thực trạng mảng bất động sản chiếm tỷ trọng cao trong tổng dư nợ và là ngân hàng có tỷ trọng dư nợ trái phiếu doanh nghiệp lớn nhất, hoạt động kinh doanh của TPBank sẽ chịu tác động mạnh mẽ trong trường hợp thị trường bất động sản và trái phiếu xấu hơn dự kiến.

Hiện TPBank nằm trong nhóm có tỷ trọng đầu tư trái phiếu tổ chức tín dụng và doanh nghiệp đứng đầu hệ thống ngân hàng, với tỷ lệ trái phiếu tổ chức tín dụng và trái phiếu doanh nghiệp/ tổng tài sản sinh lời tính đến hết năm 2022 lần lượt đạt 9,4% và 7,2%.

Theo: nhipsongthoidai.com.vn copy https://nhipsongthoidai.com.vn/cho-vay-bat-dong-san-va-om-nhieu-trai-phieu-tpbank-co-the-gap-ap-luc-lon-1917.htm

Tin liên quan