Đề xuất chi hơn 26.000 tỉ đồng cho phòng cháy chữa cháy- Ảnh 1.

Hà Nội đưa ra 5 nhóm giải pháp để nâng cao năng lực phòng cháy, chữa cháy - Ảnh minh họa

UBND TP. Hà Nội vừa có Tờ trình gửi HĐND thành phố xem xét, thông qua "Đề án nâng cao năng lực và bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ trên địa bàn Thủ đô giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030".

UBND TP. Hà Nội cho biết, hiện nay công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ của thành phố vẫn còn một số hạn chế. Ví như, vẫn còn những vụ cháy gây hậu quả nghiêm trọng về người xảy ra tại nhà ở, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh và một số loại hình cơ sở khác trong khu dân cư.

Trong khi đó, tiến độ xử lý đối với các công trình vi phạm phòng cháy, chữa cháy còn chậm do gặp nhiều bất cập, vướng mắc. Ngoài ra, quy hoạch và xây dựng hệ thống cơ sở của hệ lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ còn chưa phù hợp với mô hình, quy định mới…

Do đó, đề án đưa ra dự báo tình hình và 5 nhóm giải pháp với 13 nhiệm vụ trọng tâm, đột phá. Cụ thể, nhóm giải pháp thứ nhất: Tăng cường sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, các cấp, ngành, địa phương từ cấp thành phố đến cấp cơ sở trong công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ.

Nhóm giải pháp thứ hai: Làm tốt công tác quy hoạch, quản lý trật tự xây dựng; Tập trung giải quyết dứt điểm những tồn tại liên quan phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ.

Nhóm giải pháp thứ ba: Xây dựng và phát triển toàn diện hệ thống cơ sở của lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, với 3 nhiệm vụ trọng tâm, đột phá.

Nhóm giải pháp thứ bốn: Đầu tư phát triển hạ tầng phòng cháy chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, với 03 nhiệm vụ trọng tâm, đột phá.

Bên cạnh 5 nhóm giải pháp với 13 nhiệm vụ trọng tâm, đột phá nêu trên; dự thảo Đề án cũng đề ra 5 nhiệm vụ định kỳ, thường xuyên.

UBND TP. Hà Nội cho biết, đề án được thực hiện qua hai giai đoạn. Giai đoạn đến năm 2025 và giai đoạn năm 2026 - 2030.

Dự kiến sơ bộ khái toán kinh phí thực hiện các nhiệm vụ đề án khoảng trên 26.341 tỉ đồng. Trong đó, ngân sách cấp thành phố khoảng 13.852 tỉ đồng, ngân sách cấp huyện khoảng 12.488 tỉ đồng.

Cụ thể, giai đoạn 1 (từ nay đến hết năm 2025) sơ bộ kinh phí dự kiến khoảng 10.620 tỉ đồng. Giai đoạn 2 (từ năm 2026 đến năm 2030) sơ bộ dự kiến kinh phí khoảng 15.721 tỉ đồng.

Quá trình triển khai thực hiện, căn cứ vào từng giai đoạn, các sở, ban, ngành, UBND quận, huyện, thị xã chủ động lập dự án, gói dự án và dự toán kinh phí. Đồng thời, đề xuất nguồn ngân sách đảm bảo phù hợp với tình hình kinh tế xã hội và đảm bảo theo quy định.

Dự kiến, đề án trên sẽ được xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 17, HĐND TP. Hà Nội được tổ chức từ ngày 1/7- 5/7/2024.