Kết quả dự báo cho thấy tăng trưởng kinh tế năm 2024 có thể đạt mức 6,13% theo Kịch bản 1, và 6,48% trong Kịch bản 2. Thặng dư thương mại dự báo tương ứng ở các mức 5,64 tỷ USD và 6,26 tỷ USD. Lạm phát bình quân năm 2024 dự báo lần lượt ở mức 3,94% và 3,72%.
Ngày 15/1/2024, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) phối hợp với Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ) tổ chức Hội thảo “Kinh tế Việt Nam năm 2023 và triển vọng năm 2024: Cải cách để tăng tốc phục hồi tăng trưởng”.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM chia sẻ, năm 2023 đã khép lại với rất nhiều khó khăn, thách thức đối với kinh tế thế giới và khu vực như biến đổi khí hậu, xung đột Nga-Ukraina kéo dài, xu hướng thắt chặt tiền tệ ở các thị trường chủ chốt, tăng giá hàng hóa trên thị trường thế giới và thêm những khó khăn, thách thức mới, trong đó có xung đột bùng phát ở dải Gaza, Biển Đỏ, lệnh cấm xuất khẩu một số mặt hàng thiết yếu ở một số quốc gia, xu hướng “an ninh hóa”, “vũ khí hóa” các công cụ chính sách thương mại,…
Theo TS. Trần thị Hồng Minh, trước bối cảnh thế giới biến động nhanh và khó lường, Việt Nam vẫn kiên định với các định hướng cải cách, giải pháp điều hành nhằm thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, gắn với duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn. Việt Nam là một điểm sáng trong việc thúc đẩy các FTA gắn với cải thiện mức độ độc lập, tự chủ của nền kinh tế. Không chỉ dựa vào các giải pháp tài khóa và tiền tệ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Việt Nam đã tạo dựng không ít động lực mới từ cải cách thể chế kinh tế.
Ông Dennis Quennet, Cố vấn trưởng Chương trình Cải cách kinh tế vĩ mô/Tăng trưởng xanh cũng nhấn mạnh, đóng góp cho sự ổn định kinh tế vĩ mô của Việt Nam là một trong những ưu tiên của Hợp tác Đức tại Việt Nam. Năm 2023 vừa kỷ niệm 30 năm hợp tác giữa hai nước trong việc hỗ trợ Việt Nam ổn định kinh tế vĩ mô và GIZ mong muốn được tiếp tục chia sẻ với Việt Nam các kinh nghiệm quốc tế về lạm phát, quản lý tiền tệ, đầu tư, thương mại, quản lý thu và chi ngân sách.
Tại Hội thảo, đại diện nhóm Nghiên cứu của CIEM, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban, Ban Nghiên cứu tổng hợp CIEM đã trình bày Báo cáo Kinh tế Việt Nam năm 2023 và triển vọng 2024: Cải cách để tăng tốc phục hồi tăng trưởng.
Theo đó, báo cáo đưa ra 2 kịch bản dự báo triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2024. Kết quả dự báo cho thấy, tăng trưởng kinh tế năm 2024 có thể đạt mức 6,13% theo Kịch bản 1, và 6,48% trong Kịch bản 2. Xuất khẩu cả năm dự báo tăng 4,02% trong Kịch bản 1 và tăng 5,19% trong Kịch bản 2. Thặng dư thương mại dự báo tương ứng ở các mức 5,64 tỷ USD và 6,26 tỷ USD. Lạm phát bình quân năm 2024 dự báo lần lượt ở mức 3,94% và 3,72%.
Báo cáo cũng đánh giá kết quả hai năm thực thi Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP). Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các văn bản liên quan đến tổ chức thực thi RCEP. Kết quả trong giai đoạn 2018-2023 cho thấy tỷ trọng xuất nhập khẩu của Việt Nam với các quốc gia tham gia Hiệp định RCEP nhìn chung giữ xu hướng giảm. Tỷ lệ tận dụng ưu đãi trong RCEP còn tương đối thấp (0,67%). Tuy vậy, góc nhìn về tận dụng ưu đãi trong FTA ở khu vực RCEP cần được mở rộng, bởi RCEP được thiết lập trên cơ sở đã có một loạt FTA ở khu vực Đông Á. Chính vì vậy, việc hiện thực hóa RCEP đã tạo thêm động lực cho các hoạt động tận dụng FTA ở khu vực này (trong đó có các FTA của ASEAN) ngay trong bối cảnh khó khăn do dịch COVID-19.
Ông Dương cho rằng, Việt Nam cần tiếp tục xử lý một số thách thức trong quá trình thực hiện RCEP trong thời gian tới, trong đó có các thách thức về cải thiện tỷ lệ tận dụng ưu đãi, rủi ro gia tăng nhập siêu với một số đối tác trong RCEP, và bảo đảm chất lượng của các dự án FDI từ khu vực RCEP. Thách thức lớn nhất là tăng cường nhận thức, quán triệt cho các cơ quan, doanh nghiệp về tư duy phù hợp để tiếp cận và khai thác hiệu quả cơ hội từ RCEP.