Ông Hà bộc bạch: “Chúng tôi từng bị coi như “lực lượng thứ yếu”, phải tự bươn chải, gánh đủ loại rào cản và thiếu niềm tin”.

Thế nhưng, Nghị quyết 68 ra đời như một lời khẳng định dứt khoát rằng doanh nghiệp tư nhân là động lực phát triển kinh tế quan trọng nhất.

“Tôi thấy mình và hàng triệu doanh nhân khác được công nhận đúng vai trò, đúng giá trị và đúng thời điểm”.

681ee13b667bb.jpg
Không chỉ thừa nhận, Nghị quyết 68 còn trân trọng, nuôi dưỡng tinh thần kinh doanh, khẳng định vai trò của doanh nhân là những người "chiến sĩ trên mặt trận kinh tế". (Ảnh minh họa: Báo Chính phủ)

Vị doanh nhân hình dung về một bức tranh đang mở ra thời kỳ mà những doanh nhân tiên phong và đổi mới như ông không còn đơn độc. Không đơn thuần là doanh nghiệp du lịch, hai thập kỷ là thời gian LuxGroup kể câu chuyện Việt Nam bằng ngôn ngữ toàn cầu với một hệ sinh thái của sáng tạo, nghệ thuật, văn hóa và lòng tự tôn dân tộc. Họ tiên phong mang hồn Việt ra thế giới bằng những con tàu di sản, khách sạn di sản, bảo tàng sống.

“Chúng tôi không chỉ có quyền mơ mà được phép hành động với sự bảo trợ chính sách rõ ràng”, ông Hà tin tưởng khi đọc đến dòng “giảm thiểu sự can thiệp và xóa bỏ các rào cản hành chính, cơ chế “xin - cho”, tư duy “không quản được thì cấm” cũng như thấy được những quyết tâm trong việc loại bỏ các điều kiện kinh doanh không cần thiết, quy định chồng chéo, không phù hợp và cản trở sự phát triển của doanh nghiệp tư nhân.

Bởi lẽ, ông Hà cho rằng lực cản lớn nhất đối với cộng đồng doanh nghiệp tư nhân trước đây là sự thiếu niềm tin và nỗi sợ trách nhiệm trong quản lý. Nhiều nơi xem doanh nghiệp là “đối tượng phải kiểm soát” chứ không phải “đối tác cần phát triển”.

Các doanh nghiệp phải đối mặt với hệ thống chính sách thiếu đồng bộ, thủ tục hành chính còn phức tạp, các đợt thanh tra - kiểm tra chồng chéo khiến doanh nghiệp khó yên tâm tập trung sản xuất kinh doanh. Không ít nguồn lực phát triển như đất đai, tín dụng hay cơ hội tiếp cận chính sách vẫn chưa thực sự minh bạch và công bằng với tất cả.

681ee1bd298f2.jpg
Doanh nhân Phạm Hà, Chủ tịch Lux Group.

Những tâm sự, nhận địch của Chủ tịch LuxGroup Phạm Hà là một trong những minh chứng về những rào cản mà kinh tế tư nhân Việt Nam đã chịu thiệt thòi trong nhiều năm qua. Đúng như trong Nghị quyết số 68-NQ/TW của của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân đã nhận nhìn rõ: “Tuy nhiên, kinh tế tư nhân hiện vẫn đối mặt với nhiều rào cản kìm hãm sự phát triển, chưa bứt phá về quy mô và năng lực cạnh tranh, chưa đáp ứng được yêu cầu, kỳ vọng là lực lượng nòng cốt của kinh tế đất nước. Hầu hết doanh nghiệp có quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa; tiềm lực tài chính và trình độ quản trị hạn chế; phần lớn có năng lực công nghệ, đổi mới sáng tạo thấp; năng suất lao động, hiệu quả hoạt động và sức cạnh tranh chưa cao; tư duy kinh doanh thiếu tầm nhìn chiến lược, thiếu kết nối với các doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng nêu trên, nhưng chủ yếu là do: Tư duy, nhận thức về vị trí, vai trò của kinh tế tư nhân trong nền kinh tế còn chưa đầy đủ, chưa theo kịp yêu cầu phát triển; thể chế, pháp luật còn vướng mắc, bất cập; công tác lãnh đạo, chỉ đạo chưa được quan tâm đúng mức; quyền tài sản và quyền tự do kinh doanh chưa được bảo đảm đầy đủ. Kinh tế tư nhân còn gặp nhiều khó khăn, trở ngại trong tiếp cận nguồn lực, đặc biệt là vốn, công nghệ, đất đai, tài nguyên và nhân lực chất lượng cao. Một số chính sách ưu đãi, hỗ trợ chưa thực sự hiệu quả và khó tiếp cận; chi phí kinh doanh còn cao”.

Theo TS. Nguyễn Sĩ Dũng - nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội khi nhận định về giá trị thực tiễn của Nghị quyết sô 68-NQ/TW đó là: Để thực hiện được mục tiêu đầy khát vọng ấy, Nghị quyết 68 không chỉ dừng ở những lời kêu gọi hay khẩu hiệu, mà đi vào tận gốc rễ của vấn đề: cải cách thể chế. Một loạt những giải pháp mạnh mẽ được đưa ra, từ cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh, số hóa toàn bộ quy trình, đến bảo vệ quyền tài sản, quyền tự do kinh doanh, bảo đảm cạnh tranh bình đẳng và thực thi hợp đồng.

681ee20218320.jpg
TS. Nguyễn Sĩ Dũng - nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.

Nghị quyết yêu cầu chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, từ tư duy "xin - cho" sang tư duy phục vụ; khẳng định doanh nghiệp được quyền tự do kinh doanh mọi ngành nghề mà pháp luật không cấm, và mọi hạn chế nếu có chỉ được đặt ra vì những lý do thật sự cần thiết và phải được quy định rõ ràng trong luật. Điều này, nếu thực hiện nghiêm túc, sẽ là bước đột phá làm thay đổi căn bản môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.

Không dừng lại ở cải cách hành chính, Nghị quyết còn đưa ra các chính sách cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận đất đai, vốn, nhân lực chất lượng cao, khuyến khích chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững và kết nối chuỗi giá trị toàn cầu. Đặc biệt, khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh - vốn là lực lượng đông đảo nhất - cũng được thiết kế cơ chế hỗ trợ riêng biệt, từ miễn thuế, cho đến cung cấp nền tảng số miễn phí và tư vấn pháp lý.

Những giải pháp ấy chính là chìa khóa tháo gỡ các điểm nghẽn thể chế - nguyên nhân sâu xa kìm hãm sự phát triển của khu vực tư nhân suốt nhiều năm qua. Và hơn thế, chúng là biểu hiện rõ ràng của một tư duy mới: không còn xem kinh tế tư nhân như đối tượng điều tiết, mà như một đối tác đồng hành, một lực lượng chiến lược trong công cuộc phát triển quốc gia.

Một trong những điểm sáng đặc biệt của Nghị quyết 68 là việc nhấn mạnh đến yếu tố niềm tin - thứ tài sản vô hình nhưng vô cùng thiết yếu để kinh tế tư nhân phát triển mạnh mẽ và bền vững. Nghị quyết khẳng định vai trò của Nhà nước trong việc tạo lập môi trường kinh doanh minh bạch, ổn định, dễ dự đoán và đạt chuẩn quốc tế. Đó là điều kiện tiên quyết để doanh nghiệp yên tâm đầu tư dài hạn, đổi mới sáng tạo và mở rộng quy mô hoạt động.

Lần đầu tiên, một nghị quyết của Bộ Chính trị nêu rõ việc bảo đảm quyền sở hữu tài sản, quyền tự do kinh doanh, quyền cạnh tranh bình đẳng và thực thi hợp đồng - không chỉ trên giấy, mà phải được thể chế hóa bằng pháp luật cụ thể và bảo vệ hữu hiệu trong thực tế. Việc xóa bỏ các rào cản pháp lý, tư duy "quản không được thì cấm" và cơ chế "xin - cho" sẽ giải phóng tinh thần doanh nhân, khơi thông nguồn lực xã hội, thúc đẩy sáng tạo và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Chính từ những đột phá đó, Nghị quyết 68 không chỉ là định hướng chiến lược phát triển kinh tế tư nhân, mà còn là nền tảng tạo dựng niềm tin vững chắc cho người dân và doanh nghiệp - để họ tin rằng khởi nghiệp là con đường chính đáng, làm giàu là điều được khuyến khích, đổi mới sáng tạo là đòn bẩy của phát triển, và pháp luật là chỗ dựa an toàn cho mọi nỗ lực cống hiến.

Còn theo PGS.TS. Hoàng Văn Cường - Đại biểu Quốc hội, Uỷ viên Uỷ ban Kinh tế - Tài chính Quốc hội khoá XV đã nhận định: Đầu tiên, Nghị quyết 68 khẳng định kinh tế tư nhân một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia, là chủ thể tiên phong trong ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ mới để tạo đột phá phát triển. Nghị quyết nhấn mạnh kinh tế tư nhân là nòng cốt xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ thông qua các tập đoàn kinh tế tư nhân làm chủ các lĩnh vực.

681ee29b9e846.jpeg
PGS.TS. Hoàng Văn Cường - Đại biểu Quốc hội, Uỷ viên Uỷ ban Kinh tế - Tài chính Quốc hội khoá XV.

Tôi cho rằng đây là một nghị quyết rất toàn diện vì ngay ở cấp Nghị quyết của Bộ Chính trị đã có những quy định rất cụ thể, cả về mục tiêu lẫn giải pháp.

Điển hình của đổi mới, đột phá này là việc thay đổi cơ chế để các doanh nghiệp tư nhân được tự do kinh doanh mà không bị ràng buộc bởi các điều kiện kinh doanh, chuyển cơ chế tiền kiểm sang cơ chế hậu kiểm. Đây là một điểm rất mới, thể hiện sự thay đổi về mặt thể chế, giúp các doanh nghiệp tư nhân yên tâm đầu tư kinh doanh, không lo sợ bị xử lý hình sự hóa các quan hệ kinh tế.

Khi doanh nghiệp tư nhân hoặc doanh nhân có sai phạm gây hậu quả kinh tế, họ phải khắc phục hậu quả đó, thậm chí chi phí khắc phục có thể lớn hơn nhiều lần so với lợi ích họ thu được. Điều này giúp doanh nhân không nghĩ đến việc lạm dụng để trục lợi, đồng thời yên tâm rằng những hành vi vô ý gây thiệt hại sẽ không bị truy cứu hình sự.

Việc sử dụng công cụ kinh tế thay thế cho biện pháp hành chính, hình sự từ đầu cũng tạo điều kiện cho doanh nhân có cơ hội khắc phục hậu quả. Bởi nếu xử lý bằng hình sự, rõ ràng người ta sẽ mất cơ hội và lo ngại về con đường phát triển lâu dài. Đây là những quan điểm, tư tưởng rất mới, rất đột phá, giúp khu vực tư nhân nói chung, đặc biệt là những doanh nghiệp dám nghĩ, dám làm, dám hành động, và chấp nhận rủi ro trong kinh doanh có được sự chủ động tạo ra sự phát triển.

Những ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học đã có những nhận định rất rõ ràng về giá trị to lớn của Nghị quyết số 68-NQ/TW cho một đất nước Việt Nam phát triển bền vững.

Song ở góc độ là những thành tố thụ hưởng những doanh nghiệp tư nhân cũng có những trăn trở như ông Phạm Hà Chủ tịch LuxGroup đã tâm sự: Trong hành trình 20 năm của LuxGroup, từ một công ty tí hon với chiếc bàn làm việc cũ đến hệ sinh thái du lịch - du thuyền - nghệ thuật - di sản, chúng tôi đã chứng kiến và trực tiếp va vấp không ít rào cản thể chế, điển hình:

Pháp luật chồng chéo, mỗi ngành một ngả. Đưa một du thuyền vào khai thác phải làm việc với 6-8 cơ quan, mất 2-3 năm hoàn thiện thủ tục.

Thiếu khung pháp lý cho mô hình mới: Nhà hàng nổi, du lịch tái sinh, du thuyền hybrid, du lịch ESG…

Chi phí tuân thủ cao, thủ tục hành chính rườm rà khiến doanh nghiệp nhỏ “đuối sức” khi triển khai đổi mới sáng tạo.

Tư duy quản lý còn nặng xin - cho, chưa thực sự coi doanh nghiệp là đối tác phát triển, là lực lượng tiên phong.

Trong khi đó, những giá trị mà doanh nghiệp tư nhân tạo ra là rõ rệt: hàng chục triệu việc làm, hơn 40% GDP, hàng vạn mô hình đổi mới sáng tạo ở các lĩnh vực mũi nhọn.

Tinh thần doanh nhân dân tộc - Trấn hưng thương trường thời đại mới

Hơn 100 năm trước, doanh nhân Bạch Thái Bưởi từng viết lên hai chữ “Chấn Hưng” trên thân tàu Bình Chuẩn để cổ động cho phong trào “người Việt dùng hàng Việt - người Việt đi tàu Việt - người Việt cứu nước bằng thực nghiệp”. Tinh thần ấy đến hôm nay vẫn còn nguyên giá trị.

Tôi tin rằng, mỗi doanh nhân là một chiến sĩ trên mặt trận kinh tế, và “kinh tế dân tộc” không thể phát triển nếu không có những doanh nhân dân tộc dám nghĩ lớn, làm thật, lấy giá trị Việt làm cốt lõi.

Chúng tôi - những doanh nghiệp nhỏ - không xin đặc quyền, chỉ xin một luật chơi công bằng, minh bạch, đồng hành, nơi mà sự tử tế, sáng tạo và phụng sự được thừa nhận, bảo vệ và phát triển.

Tháo gỡ để bứt phá

Nghị quyết 68 cần sớm được cụ thể hóa bằng những hành động thực chất:

Cải cách mạnh mẽ thể chế và thủ tục đầu tư - đặc biệt cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Không thể để doanh nghiệp mất 36 tháng chỉ để xin phép hoạt động một du thuyền như LuxGroup từng gặp.

Bảo vệ tài sản hợp pháp, quyền sở hữu trí tuệ, và quyền tự do kinh doanh, coi đây là trụ cột của nền kinh tế thị trường hiện đại.

Thí điểm sandbox pháp lý cho các mô hình sáng tạo trong du lịch, công nghệ, xanh - chuyển đổi số.

Đào tạo doanh nhân dân tộc thế hệ mới - có tâm, có tài, có tinh thần khai quốc - phục hưng quốc gia qua con đường doanh nghiệp./.