Theo số liệu của Cục Thống kê (Bộ Tài chính) vừa công bố, tính đến ngày 30/4/2025, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam, gồm: Vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 13,82 tỷ USD, tăng 39,9% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, có 1.204 dự án được cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 5,59 tỷ USD, tăng 14,1% so với cùng kỳ năm trước về số dự án và giảm 23,8% về số vốn đăng ký. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo được cấp phép mới đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất với số vốn đăng ký đạt 3,39 tỷ USD, chiếm 60,6% tổng vốn đăng ký cấp mới; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 1,51 tỷ USD, chiếm 26,9%; các ngành còn lại đạt 697,2 triệu USD, chiếm 12,5%.

Theo báo cáo, trong số 60 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2025, Singapore là nhà đầu tư lớn nhất với 1,6 tỷ USD, chiếm 28,6% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Trung Quốc 1,52 tỷ USD, chiếm 27,1%; Nhật Bản 573,2 triệu USD, chiếm 10,3%; Đặc khu hành chính Hồng Kông (Trung Quốc) 499,9 triệu USD, chiếm 8,9%; Đài Loan 389,6 triệu USD, chiếm 7,0%; Quần đảo Virgin thuộc Anh 232,8 triệu USD, chiếm 4,2%; Hàn Quốc 148 triệu USD, chiếm 2,6%.

Ngoài ra, còn có 540 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư tăng thêm 6,40 tỷ USD, gấp 3,9 lần so với cùng kỳ năm trước.

“Nếu tính cả vốn đăng ký mới và vốn đăng ký điều chỉnh của các dự án đã cấp phép thì vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 8,37 tỷ USD, chiếm 69,8% tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 2,63 tỷ USD, chiếm 21,9%; các ngành còn lại đạt 998,7 triệu USD, chiếm 8,3%“, báo cáo nêu rõ.

681982486fa0b.jpg
Ảnh minh họa

Trước đó, tính đến hết tháng 3/2025, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đạt gần 10,98 tỷ USD, tăng 34,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với hơn 2,39 tỷ USD, chiếm 21,8% tổng vốn đầu tư đăng ký, tăng 44,1% so với cùng kỳ. Tiếp theo lần lượt là các ngành hoạt động chuyên môn, khoa học - công nghệ; bán buôn, bán lẻ, với tổng vốn đăng ký đạt lần lượt gần 591 triệu USD và hơn 272 triệu USD…

Như vậy, nếu so sánh với một tháng trước đó, trong tháng tư vừa qua, sau khi ông Trump dự định áp 46% thuế với Việt Nam, vốn ngoại đổ vào thị trường bất động sản đã tăng chậm lại đáng kể khi chỉ đạt gần 250 triệu USD.

Trước đó, ngày 2/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký công bố mức thuế nhập khẩu với hàng chục nền kinh tế. Trong đó, Việt Nam chịu mức 46%, nằm trong nhóm các nước bị áp thuế cao nhất cùng với Trung Quốc, Campuchia, Indonesia, Myanmar…

Bình luận riêng về thuế đối ứng 46% Mỹ đưa ra đối với thị trường bất động sản Việt Nam, ông Đinh Minh Tuấn - Giám đốc khu vực miền Nam, Batdongsan.com.vn cho biết, hiện nay FDI hàng năm chiếm gần 10% GDP Việt Nam. Các công ty đa quốc gia như Samsung, LG, Intel... có thể giảm hoặc tạm hoãn kế hoạch mở rộng nhà máy tại Việt Nam do chi phí xuất khẩu sang Mỹ tăng cao.

Điều này làm giảm nhu cầu thuê đất, nhà xưởng và giá thuê khu công nghiệp (KCN) có thể giảm, tồn kho tăng và các KCN mới bị trì hoãn. Các tỉnh ảnh hưởng có thể là Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng, Long An, Bình Dương…

Theo ông Tuấn, thời gian qua, người nước ngoài, chủ yếu từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc thường mua bất động sản cao cấp hoặc đầu tư tại Việt Nam nhờ sự tăng trưởng của FDI và các khu công nghiệp. Khi FDI giảm, số lượng chuyên gia nước ngoài làm việc tại Việt Nam giảm theo, kéo theo nhu cầu thuê, mua nhà cao cấp giảm.

“Ảnh hưởng mạnh và rõ nhất là bất động sản trung cấp, bất động sản công nghiệp, nhu cầu nhà dân sinh xung quanh KCN và có thể cả nghỉ dưỡng khi thu nhập giảm.

Bất động sản cao cấp có thể ít bị ảnh hưởng vì khách hàng là nhóm vốn ít chịu ảnh hưởng vào các biến động ngắn hạn, sau đó có thể là nhóm đất nền khi giá vẫn còn thấp và chủ yếu mua chờ tăng giá”, ông Tuấn dự báo./.