Báo lãi cao nhất trong một quý từ năm 2017 trở lại đây

Theo báo cáo tài chính hợp nhất vừa được Tập đoàn Bảo Việt (HOSE: BVH) công bố, quý đầu năm 2025, “ông lớn” bảo hiểm này ghi nhận doanh thu thuần từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm đạt 9.974 tỷ đồng, tăng 3,7% so với cùng kỳ.

Khoản doanh thu trên sau khi trừ đi tổng chi phí bồi thường và trả tiền bảo hiểm trong kỳ gần 8.300 tỷ đồng, cộng với 14 tỷ đồng tiền tăng dự phòng dao động lớn và hơn 1.086 tỷ đồng chi phí hoạt động bảo hiểm gốc…, doanh nghiệp này báo lợi nhuận gộp từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm đạt 577 tỷ đồng, cao hơn nhiều so với khoản lỗ 489 tỷ đồng của cùng kỳ năm 2024.

Ngoài ra, trong kỳ, Bảo Việt còn ghi nhận khoản thu từ hoạt động tài chính 3.256 tỷ đồng (không đổi so với cùng kỳ), bao gồm 1.684 tỷ đồng lãi tiền gửi và 1.259 tỷ đồng lãi đầu tư trái phiếu. Trong khi đó, chi phí tài chính lại tăng 68,5% lên 669 tỷ đồng, với phần lớn tới từ 378 tỷ đồng chi phí repo và lãi vay.

Các khoản trên, sau khi trừ đi thuế phí, Bảo Việt lãi sau thuế 706,8 tỷ đồng, tăng 14,6% so với cùng kỳ năm 2024. Đây cũng là khoản lãi sau thuế cao nhất của doanh nghiệp này trong một quý kể từ quý II/2017.

Tính đến ngày 31/12/2025, tổng tài sản của Bảo Việt tăng hơn 4.500 tỷ đồng lên 255.817 tỷ đồng. Chiếm phần lớn cơ cấu tài sản là 230.579 tỷ đồng đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (tính theo giá gốc), bao gồm 112.233 tỷ đồng ngắn hạn và 118.346 tỷ đồng dài hạn.

681801208806f.jpg
Các khoản đầu tư tài chính của Bảo Việt. Nguồn: BCTC

Trong đó, có 106.629 tỷ đồng tiền gửi ngắn hạn; 22.192 tỷ đồng tiền gửi dài hạn; 26.291 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp dài hạn; 69.862 tỷ đồng trái phiếu chính phủ dài hạn.

Ở bên kia bảng cân đối kế toán, tổng nợ phải trả của “ông lớn” bảo hiểm này tăng nhẹ 1,7% lên 231.545 tỷ đồng, chủ yếu tới từ 190.610 tỷ đồng dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm. Bên cạnh đó, công ty còn ghi nhận 31.869 tỷ đồng giao dịch mua bán lại trái phiếu, gồm 23.112 tỷ đồng của Ngân hàng TMCP Bảo Việt và 8.757 tỷ đồng của Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB).

Còn 3 lô “đất vàng” chưa xây ở Hà Nội

Tập đoàn Bảo Việt (tên đầy đủ: Công ty cổ phần Tập đoàn Bảo Việt) là doanh nghiệp nhà nước có vốn đầu tư nước ngoài, thành lập ngày 17/12/1964 với tên gọi Công ty Bảo hiểm Việt Nam, đi vào hoạt động ngày 15/1/1965.

Doanh nghiệp này hiện có trụ sở tại Hà Nội với hơn 200 chi nhánh và công ty thành viên trên khắp 63 tỉnh thành cả nước.

Ngoài lĩnh vực chính là bảo hiểm, doanh nghiệp này còn góp mặt trong nhiều lĩnh vực khác như giao thông, vận tải, du lịch, xây dựng, ngân hàng và bất động sản…

Riêng lĩnh vực bất động sản, bên cạnh các dự án đã được đầu tư xây dựng, “ông lớn” bảo hiểm này còn đang ôm 3 lô “đất vàng” rộng hàng chục nghìn m2 nhưng chưa xây dựng nhiều năm ở Hà Nội.

Mới đây, UBND TP. Hà Nội đã có báo cáo gửi HĐND thành phố về kết quả thực hiện Nghị quyết số 04/NQ-HĐND ngày 08/4/2022 về biện pháp đẩy nhanh tiến độ đầu tư, tập trung xử lý các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai trên địa bàn.

Tại báo cáo trên, đề cập đến dự án nhà ở cao tầng để bán tại thị trấn Văn Điển, Thanh Trì, UBND TP. Hà Nội cho biết, dự án nằm trong danh mục 295 dự án còn lại với tổng diện tích 2255 ha đất đã có chỉ đạo thực hiện, tiếp tục giám sát, đôn đốc và tổ chức hậu kiểm sau thời gian gia hạn 24 tháng, thời gian kéo dài gia hạn 24 tháng do nguyên nhân bất khả kháng dịch bệnh Covid-19 theo quy định của pháp luật.

Cụ thể, theo báo cáo, dự án nhà ở cao tầng để bán tại thị trấn Văn Điển, Thanh Trì của Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Việt (Tập đoàn Bảo Việt) có diện tích gần 3.200 m2.

Đối với dự án này, tại Kết luận thanh tra số 727/KL-STNMT- TTr ngày 8/4/2019 và Kết luận số 2126/KLKT- STNMT-TTR ngày 7/4/2022, dự án chưa được đầu tư xây dựng và tiến độ đã hết.

681801656a123.jpg
Khu "đất vàng" chưa xây dựng của Bảo Việt ở Trần Duy Hưng. Ảnh: Mai Anh

Tại quyết định số 4369/QĐ-UBND ngày 31/8/2023, dự án được gia hạn thêm 24 tháng do nguyên nhân bất khả kháng.

Tuy nhiên, tại Thông báo số 471/TB-VP ngày 11/10/2023, lãnh đạo TP. Hà Nội giao Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục kiểm tra, giám sát; trường hợp hết thời gian gia hạn sử dụng mà chưa đưa đất vào sử dụng thì lập hồ sơ thu hồi đất, báo cáo UBND TP theo quy định.

Đáng chú ý, đây không phải là dự án duy nhất chưa xây dựng của Tập đoàn Bảo Việt ở Hà Nội đến thời điểm này. Tại địa chỉ tại số 220 Trần Duy Hưng, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội, doanh nghiệp này cũng đang để đất hoang tại dự án Tháp Tài chính Quốc Tế (IFT).

Dự án này, có diện tích nghiên cứu quy hoạch 13.159m2 do Tổng Công ty Bảo Việt nhân thọ làm chủ đầu tư, với quy mô công trình cao 34 tầng, chiều cao tối đa 150m.

Được biết, ngày 29/12/2005, UBND Thành phố Hà Nội có Quyết định 8506/QĐ–UB phê duyệt giá thu tiền sử dụng đất khi giao khu đất này cho Công ty Bảo hiểm Nhân thọ Việt Nam lập dự án đầu tư xây dựng trụ sở. Năm 2013, dự án Tháp Tài chính Quốc tế (IFT) được Sở Xây dựng Hà Nội cấp Giấy phép quy hoạch cho chủ đầu tư là Tổng Công ty Bảo Việt nhân thọ. Thế nhưng, sau nhiều năm dự án vẫn là bãi đất trống khiến cỏ mọc um tùm.

Cách dự án IFT không xa là dự án Văn phòng cho các Hiệp hội Hà Nội (tên thương mại Seven Star) tại lô đất D27 2,2ha quận Cầu Giấy. Dự án Seven Star nằm trên ô đất D27.

Dự án được UBND TP. Hà Nội chỉ định cho liên danh Công ty Cổ phần đầu tư Bảo Việt, Công ty Cổ phần Sông Đà – Thăng Long và Công ty Cổ phần đầu tư C.E.O làm chủ đầu tư, thực hiện theo hình thức BT.

Dự án có tổng điện tích 2.2ha, tổng mức đầu tư hơn 4.436 tỷ đồng; trong đó, tổng mức đầu tư dự án BT là hơn 1.090 tỷ đồng, tổng mức đầu tư các dự án đối ứng là khoảng 3.346 tỷ đồng. Mục đích ban đầu của dự án là xây văn phòng cho các Hiệp hội Hà Nội.

Lô đất thực hiện dự án được chia ra làm 4 tiểu lô. Phần BT là Tiểu lô D27.a được quy hoạch xây dựng Tòa nhà Văn phòng các Hội và hiệp hội; còn phần đối ứng tại các Tiểu lô D27.b, Tiểu lô D27.c, D27.d quy hoạch xây dựng dự án khu hỗn hợp, trường tiểu học và trường trung học cơ sở. Thế nhưng đến nay đã hơn 1 thập kỷ, dự án chưa triển khai đầu tư, xây dựng và đưa đất vào sử dụng./.