Theo đó, trao đổi với báo chí tại cuộc họp trên, ông Doãn Thanh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm cho biết, sau hơn 1 tháng Bộ Tài chính công bố đường dây nóng gồm số điện thoại, email tiếp nhận nhanh thông tin phản ánh thắc mắc, kiến nghị của khách hàng về việc phân phối bảo hiểm qua ngân hàng, đơn vị đã tiếp nhận được 178 cuộc điện thoại và 218 email của công dân về vấn đề này.

Theo ông Tuấn, việc xử lý thông tin kiến nghị phản ánh được Cục Quản lý giám sát Bảo hiểm thực hiện theo quy định của Nhà nước. Cục đã cử cán bộ trực tiếp nhận thông tin, phân loại thông tin phản ánh, đồng thời xác minh thông tin ban đầu.

“Từ cuối năm 2022 đến nay, Cục Quản lý giám sát Bảo hiểm đã tổ chức 4 đoàn thanh tra về bảo hiểm qua ngân hàng. Hiện đang hoàn thiện kết luận thanh tra, trong thời gian ngắn nhất sẽ ban hành kết luận. Sau khi có kết luận sẽ công bố. Nếu thanh tra phát hiện sai phạm nhất định sẽ xử lý theo quy định luật”, ông Tuấn cho biết.

Thông tin thêm về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, thời gian gần đây, Bộ Tài chính đã nhận được nhiều thông tin phản ánh về tình trạng nhân viên của một số ngân hàng giới thiệu, chào mời, ép buộc khách hàng mua bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm liên kết đầu tư khi tới gửi tiền hoặc vay vốn tại các ngân hàng.

“Để chấn chỉnh tình trạng trên, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; phối hợp với Ngân hàng Nhà nước thực hiện thanh tra, kiểm tra đối với cả doanh nghiệp bảo hiểm và các ngân hàng đối tác phân phối sản phẩm bảo hiểm, tránh hiện tượng ép khách hàng mua bảo hiểm”, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết.

Trước đó, như đã phản ánh, dù đã có nhiều cảnh báo từ các cơ quan quản lý, tình trạng nhân viên của một số ngân hàng giới thiệu, chào mời, ép khách hàng mua bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm liên kết đầu tư khi tới gửi tiền hoặc vay vốn vẫn tiếp tục diễn ra trong thời gian gần đây.

Một số ngân hàng như TPBank hay Techcombank, SCB liên tục bị “tố” bán bảo hiểm đội lốt "tiết kiệm đầu tư". Theo phản ánh của một số khách hàng, họ đã không được nhân viên những ngân hàng này tư vấn một cách trung thực và đầy đủ, dẫn đến việc bị nhầm lẫn giữa sản phẩm bảo hiểm và sản phẩm ngân hàng.

Bên cạnh việc tư vấn “nhầm” các sản phẩm tiết kiệm sang sản phẩm bảo hiểm, gần đây, nhiều khách hàng còn phản ánh thực trạng đi vay ngân hàng bị bắt buộc phải mua kèm bảo hiểm.

Đặc biệt, những tháng cuối năm 2022, nhiều nhà băng với lý do đã hết room tín dụng đã "ép" khách hàng phải mua các gói bảo hiểm tương đương 3-5% giá trị khoản vay mới được giải ngân.

Vốn là “gà đẻ trứng vàng” của các ngân hàng trong những năm gần đây khi việc bán chéo bảo hiểm vừa giúp ngân hàng gia tăng nguồn thu, vừa tận dụng những khách hàng mua bảo hiểm để đẩy mạnh dịch vụ gửi tiết kiệm, cho vay qua hợp đồng bảo hiểm nhân thọ. Doanh thu từ mảng này của các ngân hàng theo đó cũng tăng vọt theo từng năm.

TPBank là một ví dụ. Nếu như những năm 2015, 2016, doanh thu từ kinh doanh và dịch vụ bảo hiểm của ngân hàng này còn chưa đạt nổi 1 tỷ đồng thì đến cuối năm 2022, con số này đã vọt lên 877 tỷ đồng, tương đương mức tăng trưởng tới hơn 1.754 lần chỉ trong vòng 8 năm.

Tỷ trọng doanh thu từ mảng này trong tổng thu nhập từ hoạt động dịch vụ theo đó đã tăng mạnh từ 0,5% năm 2015 lên tới 24,4% khi kết năm 2022.

Doanh thu từ hoạt động bancassurance của TPBank đặc biệt tăng trưởng mạnh mẽ, đóng góp khá lớn vào đà tăng trưởng của ngân hàng này trong vài năm trở lại đây, sau khi ký kết thỏa thuận độc quyền phân phối bảo hiểm với Sun Life Việt Nam từ cuối năm 2019.

Tương tự, tại Techcombank, sau khi ngân hàng này ký hợp đồng độc quyền bancassurance 15 năm với “ông lớn” Manulife Việt Nam hồi năm 2017, doanh thu từ mảng này đã có những bước nhảy vọt lớn.

Theo đó, doanh thu từ kinh doanh và dịch vụ bảo hiểm năm 2017 chỉ đạt 513 tỷ đồng, tương đương chiếm tỷ trọng 10,4% tổng thu nhập từ hoạt động dịch vụ lên 1.751 tỷ đồng khi kết thúc năm 2022, tương đương mức tăng 3,4 lần, tỷ trọng trong tổng thu nhập từ hoạt động dịch vụ cũng tăng lên 16,2%.

Riêng SCB, ngân hàng bị tố cáo "hô biến" tiết kiệm thành bảo hiểm chưa công bố doanh thu từ kinh doanh bảo hiểm trong năm 2022. Báo cáo tài chính mới nhất của SCB là quý II/2022, không có chi tiết doanh thu từ kinh doanh bảo hiểm.

Nửa đầu năm 2022, SCB chỉ cho biết, thu nhập từ hoạt động dịch vụ của SCB là 1.839 tỷ đồng, lãi thuần 1.149 tỷ đồng. Năm 2021, doanh số bảo hiểm nhân thọ của SCB đạt 1.028 tỷ đồng, thuộc nhóm dẫn đầu trên thị trường.

Liên quan đến vấn đề này, đầu tháng 3/2023, Bộ Tài chính đã có phiếu chuyển đơn tố cáo của công dân gửi Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (CO3, Bộ Công an).

Theo đó, Bộ Tài chính nhận được đơn tố cáo của công dân Nguyễn Hồng Anh phản ánh qua việc giới thiệu, tư vấn bảo hiểm của nhân viên Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank - đại lý của Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ Sun Life Việt Nam), nhân viên TPBank đã có hành vi tư vấn sai lệch, đánh tráo khái niệm để nhằm mục đích ký kết hợp đồng bảo hiểm và đề nghị Cơ quan có thẩm quyền xử lý sai phạm theo quy định.

Căn cứ quy định của Luật Tố cáo, Nghị định số 31/2019/NĐ-CP ngày 10/4/2019 của Chính phủ Quy định chi tiết một số điều và biện pháp tổ chức thi hành Luật Tố cáo, Thông tư số 05/2021/TT-TTCP ngày 1/10/2021 của Thanh tra Chính phủ quy định quy trình xử lý đơn khiếu nại, đơn tố cáo, đơn kiến nghị, phản ánh, Bộ Tài chính chuyển đơn đến Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Bộ Công an (CO3) để được xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật và thông báo kết quả đến Bộ Tài chính.