Trình mục tiêu lợi nhuận trước thuế 31.500 tỷ đồng

Tại đại hội, lãnh đạo Techcombank đã trình mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 31.500 tỷ đồng, tăng 14,4% so với năm 2024. Trong khi đó, theo phê duyệt của NHNN, hạn mức tín dụng của Techcombank được cấp thời điểm hiện tại là 745.738 tỷ đồng, tăng 16,4% so với năm 2024. Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát thấp hơn 1,5%.

Đồng thời, trình cổ đông xem xét thông qua phương án chi trả cổ tức năm 2024. Tờ trình này được đưa ra trên cơ sở đề xuất của nhóm cổ đông nắm trên 5% vốn của nhà băng này.

Cụ thể, Techcombank đề xuất chia cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ thực hiện 10%/cổ phần (1 cổ phần nhận 1.000 đồng). Với gần 7,065 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, số tiền Techcombank dự kiến chi trả cổ tức bằng tiền mặt là gần 7.065 tỷ đồng.

680c6aa246c5a.jpg
Quang cảnh đại hội

Đề cập về mục đích trả cổ tức bằng tiền mặt, lãnh đạo Techcombank cho biết, với kết quả kinh doanh khả quan ngay cả trong tình hình kinh tế nhiều biến động, ngân hàng tin tưởng rằng, việc duy trì chính sách chỉ trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận giữ lại, trong khi vẫn tiếp tục đà tăng trưởng kinh doanh cao trên mức trung bình ngành và đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn cấp 1 từ 14-15% là hoàn toàn khả thi.

"Chính sách cổ tức là cam kết của ngân hàng nhằm mang lại giá trị vượt trội và sự gắn kết với cổ đông. Với việc đầu tư vào Techcombank, cổ đông vừa có thu nhập trực tiếp đến từ cổ tức tiền mặt, trong khi vẫn tối ưu hóa lợi ích từ tiềm năng tăng giá dựa trên vị thế dẫn đầu của ngân hàng tại thị trường tài chính Việt Nam và trong khu vực", tờ trình của Techcombank cho hay…

Muốn xây dựng một giá trị bền vững nên sẽ đi từng bước một

Trong phần trao đổi tại đại hội, cổ đông đã chất vấn lãnh đạo Techcombank hàng loạt câu hỏi “nóng" về việc trong giai đoạn thị trường bất động sản phục hồi, tầm nhìn, sức mua của người tiêu dùng trong năm nay sẽ như thế nào? Tiến độ IPO TCBS ra sao, định giá ở mức bao nhiêu? Định hướng phát triển bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ như thế nào, có tiếp tục giữ mục tiêu vốn hóa 20 tỷ USD...?

680c6ad1e8a32.jpg
Chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh

Trả lời các câu hỏi trên, Chủ tịch Hồ Hùng Anh cho biết, về đánh giá kinh tế vĩ mô, thực tế nhiều nhà khoa học nhận định rằng, nếu xảy ra chiến tranh thương mại, chắc chắn sẽ tác động đến nền kinh tế, ảnh hưởng đến tăng trưởng GDP và khả năng tiêu dùng, sức mua của người tiêu dùng. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, ngành bất động sản chưa chịu tác động trực tiếp ngay. Trong tương lai, nếu tình hình tiếp diễn, sẽ có ảnh hưởng.

“Hiện nay, nhu cầu đầu tư và nhu cầu nhà ở của người dân vẫn rất lớn. Với sự phát triển hạ tầng của Việt Nam hiện nay và cam kết của Chính phủ trong việc đầu tư hạ tầng, phát triển du lịch nội địa, theo đánh giá của chúng tôi, thị trường bất động sản trong thời gian tới sẽ không có được sự bứt phá như kỳ vọng của nhiều người, nhưng điểm rơi của thị trường đang dần được vượt qua.

Điều này thể hiện rõ trong sức mua của thị trường đang dần quay trở lại. Tuy nhiên, để đạt được sự bứt phá như trước đây, tôi nghĩ còn phụ thuộc rất nhiều vào các yếu tố kinh tế vĩ mô trong thời gian tới”, ông Hồ Hùng Anh nhận định.

Đề cập đến việc đưa TCBS lên sàn, Chủ tịch Techcombank cho biết, hiện nay chúng tôi đã làm việc với 1-2 nhà đầu tư lớn. Họ có thể tham gia trước trong quá trình pre-IPO. Đánh giá của các nhà đầu tư là rất khả quan. Tuy nhiên, về chi tiết cụ thể thì chưa thể trả lời được.

Lãnh đạo nhà băng này cho biết, dự kiến, việc IPO TCBS sẽ được thực hiện vào cuối năm. Tuy nhiên, điều này sẽ phụ thuộc rất nhiều vào thị trường tài chính, xu hướng thị trường và một số vấn đề liên quan đến việc nâng hạng thị trường cổ phiếu Việt Nam. Hiện nay, Hội đồng Quản trị đã có kế hoạch, đã đưa ra các kịch bản khác nhau và đã thuê các nhà tư vấn để tiến hành công việc trên.

“Cam kết lớn nhất mà Hội đồng Quản trị và Ban Điều hành đang theo đuổi là đạt được giá trị 20 tỷ USD vào cuối năm 2025. Tại sao có con số này? Vì năm 2018, khi Techcombank IPO lần đầu tiên, thị trường định giá Techcombank gấp 4,5 lần.

Hiện nay, vốn chủ sở hữu của Techcombank là khoảng gần 170.000 tỷ đồng. Với lợi nhuận kỳ vọng trong năm nay, cùng một số thuận lợi như thị trường trái phiếu quay trở lại, các nhà đầu tư tin tưởng hơn, thị trường bất động sản có tín hiệu hồi phục - đây là những phương diện mà Techcombank có thế mạnh.

Bên cạnh đó, Techcombank đang phát triển các lĩnh vực đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, đáp ứng nhu cầu toàn diện và ngày càng khẳng định vị thế của mình. Tuy nhiên, để nhà đầu tư thực sự tin tưởng rằng Techcombank có thể phát triển bền vững, chúng tôi cần thời gian.

Tất nhiên, các yếu tố như thuế quan cũng có tác động không nhỏ đến chiến lược của ngân hàng, nhưng chúng tôi vẫn hy vọng sẽ dần đạt được các mục tiêu của mình. Chúng tôi rất tin tưởng rằng khi thời điểm đến, giá trị sẽ bùng nổ. Techcombank muốn xây dựng một giá trị bền vững nên sẽ đi từng bước một”, Chủ tịch Techcombank khẳng định./.