Theo Bộ Xây dựng, đến nay đã có 23 tỉnh công bố danh mục 54 dự án đủ điều kiện vay theo Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng với nhu cầu vay vốn hơn 25.884 tỷ đồng. Tính đến thời điểm hiện tại, một số dự án nhà ở xã hội tại các địa phương đã được giải ngân với số vốn khoảng 143,3 tỷ đồng.
Cụ thể, Công ty Minh Phương tại Phú Thọ được giải ngân 26,4 tỷ đồng; Công ty Kinh Bắc ở Bắc Ninh được giải ngân 46 tỷ đồng; Liên doanh Công ty CP nhà số 6 Hà Nội và Công ty CP tư vấn Toàn Cầu được giải ngân 56,6 tỷ đồng; Công ty HUD ở Bình Dương 14,3 tỷ đồng.
Thời gian qua, để giải quyết nhu cầu cấp bách về nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp, Bộ Xây dựng đã đề xuất, trình và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”.
Triển khai nhiệm vụ được giao, Bộ Xây dựng đã ban hành nhiều văn bản đôn đốc các địa phương; chủ trì tổ chức hội nghị toàn quốc triển khai đề án. Bước đầu đề án đã đạt được một số kết quả tích cực. Riêng trong năm 2023 các địa phương đã khởi công được số lượng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp là 10 dự án với tổng số khoảng 19.853 căn, trong đó nhà ở xã hội 7 dự án với quy mô 8.815 căn.
Ảnh minh họa
Trước đó, ngày 1/4, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã có Văn bản số 2308/NHNN-TD gửi các ngân hàng thương mại (NHTM), NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố hướng dẫn một số nội dung và yêu cầu triển khai Chương trình cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ theo Nghị quyết số 33/NQ-CP của Chính phủ.
Về lãi suất cho vay trong thời gian ưu đãi, lãi suất cho vay áp dụng đến hết ngày 30/6/2023 là 8,7%/năm đối với chủ đầu tư và 8,2%/năm đối với người mua nhà. Kể từ ngày 1/7/2023, định kỳ 6 tháng, NHNN thông báo lãi suất cho vay trong thời gian ưu đãi cho các NHTM tham gia chương trình.
Khi hết thời gian ưu đãi, lãi suất cho vay do NHTM và khách hàng tự thỏa thuận, thống nhất, đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật và được xác định rõ hoặc nêu rõ cách xác định tại thỏa thuận cho vay ký kết giữa ngân hàng và khách hàng.
Tuy nhiên, tại văn bản được gửi tới Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước đề xuất một số giải pháp về tín dụng để triển khai thực hiện hiệu quả các văn bản chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nhất là Công điện số 993/CĐ-TTg.Thủ tướng Chính phủ vào cuối tháng 11 vừa qua, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét mở rộng hơn các đối tượng được vay gói tín dụng 120.000 tỷ đồng với chủ đầu tư và người mua nhà thuộc các dự án nhà ở thương mại có giá bán không vượt quá 3 tỷ đồng/căn và có ưu tiên cho “người mua căn nhà đầu tiên”.
Cùng với việc trên, HoREA cũng đề nghị Bộ Xây dựng tiếp tục phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Tài chính xây dựng gói tín dụng ưu đãi nhà ở xã hội 110.000 tỷ đồng để thực hiện Luật Nhà ở dự kiến được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 6 và để thực hiện Chương trình phát triển tối thiểu 1 triệu căn nhà ở xã hội trong giai đoạn 2021-2030.
Theo HoREA, việc lãi suất của gói 120.000 tỷ đồng thấp hơn 1,5-2% vay thương mại thông thường đã hỗ trợ một phần cho người mua, thuê mua nhà ở xã hội và chủ đầu tư nhưng thực chất vẫn chưa phải là tín dụng ưu đãi, do vẫn cao hơn mức vay nhà ở xã hội trước đó. Thời hạn ưu đãi cũng ngắn (5 năm) và lãi suất được điều chỉnh 6 tháng một lần, gây bất an cho người vay.
Liên quan đến việc triển khai gói tín dụng này, trước đó, như chúng tôi đã đưa tin, đầu tháng 11 vừa qua, trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về việc gói tín dụng 120.000 tỷ đồng giải ngân đạt tỷ lệ thấp, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thực hiện nhiệm vụ theo Nghị quyết của Chính phủ tiến tới mục tiêu xây 1 triệu căn hộ trong 10 năm tới. Đây là gọi tín dụng sử dụng nguồn tiền từ các tổ chức tín dụng, lãi suất ưu đãi cũng từ các ngân hàng.
NHNN có văn bản hướng dẫn các tổ chức tín dụng thực hiện; đồng thời có văn bản gửi UBND các tỉnh/thành phố quan tâm công bố các dự án theo diện cho vay theo gói tín dụng này. NHNN yêu cầu các ngân hàng ban hành quy trình nội bộ để triển khai.
Theo Thống đốc NHNN, việc giải ngân còn hạn chế là do nguồn cung nhà thuộc đối tượng hạn chế. Nhu cầu nhà ở lớn nhưng nhu cầu đi vay để mua nhà lại là vấn đề người dân cân nhắc kĩ lưỡng.
Thêm nữa, điều kiện cho vay còn những điểm chưa phù hợp. Mặt khác, chương trình thực hiện trong thời gian dài 10 năm nên NHNN kiến nghị, mong UBND các tỉnh, thành phố sớm công bố danh mục các dự án thuộc diện cho vay. Đồng thời NHNN sẽ tăng cường thông tin tuyên truyền để người dân nắm rõ.
Minh Quân