Sau thời gian dài duy trì ở mức thấp, từ cuối năm 2024 đến nay, nhiều ngân hàng đã rục rịch tăng lãi suất cho vay mua nhà trở lại, đẩy mặt bằng lãi suất thả nổi tại một số nhà băng lên mức khoảng 10-11%/năm.
Bước sáng đầu tháng 1/2025 này, khảo sát tại một số ngân hàng thương mại cổ phần cho thấy, hiện lãi suất ưu đãi cho vay mua nhà trong năm đầu đang áp dụng phổ biến từ 6-8%/năm.
Tuy nhiên, các gói vay mua nhà của các ngân hàng thường kèm biên độ cộng thêm lãi suất (lãi suất thả nổi) từ 3-4%/năm, dẫn đến việc người vay có thể phải trả lãi lên tới 11%/năm khi hết thời gian được hưởng ưu đãi. Hiện mức lãi suất thả nổi 11% xuất hiện khá phổ biến tại rất nhiều ngân hàng.
Điển hình tại BVBank, lãi suất cho vay mua bất động sản, vay sản xuất kinh doanh, vay tiêu dùng, vay mua ô tô từ 6,99% (6 tháng đầu), 7,49% (9 tháng đầu), 7,99% (12 tháng đầu), 8,49% (18 tháng đầu) và 8,99% (24 tháng đầu). Biên độ sau ưu đãi dao động từ 1,9-3,9%/năm tùy thời gian vay. Như vậy, lãi suất thả nổi của BVBank hiện dao động từ 10-11%/năm.
Tương tự, tại VPBank lãi suất cho vay mua nhà đang áp dụng ở mức 6,9%/năm và 7,49%/năm cho vay xây sửa nhà. Biên độ lãi suất sau ưu đãi khoảng 3,5%, đưa lãi suất thả nổi lên 10,5- 11%/năm. Các khoản vay áp dụng tối thiểu 48 tháng.
Tại TPBank, gói vay lãi suất ưu đãi dành cho mua nhà là 7,1%/năm trong 12 tháng đầu; 7,7%/năm trong 18 tháng đầu; 8,3% trong 24 tháng. Lãi suất thả nổi được tính bằng lãi suất cơ sở kỳ hạn 3 tháng cộng biên độ 3,3%.
Tại Sacombank, lãi suất cố định 6,5%/năm trong 6 tháng đầu, 7,0%/năm trong 12 tháng đầu, hoặc 7,5%/năm trong 24 tháng đầu, áp dụng khi khách hàng vay phục vụ đời sống (mua, xây, sửa bất động sản; mua ô tô; tiêu dùng). Hết thời gian ưu đãi, lãi suất thả nổi của Sacombank rơi vào khoảng 10,5%/năm.
MSB: áp dụng lãi suất vay trung dài hạn mua bất động sản, xây sửa nhà, tiêu dùng, vay tái tài trợ, vay trả nợ ngân hàng khác cố định 4,5%/năm trong 6 tháng đầu, 6,2%/năm trong 12 tháng đầu, 7,5%/năm trong 24 tháng đầu. Sau ưu đãi, lãi suất tính bằng lãi suất cơ sở cộng biên độ 2,5%.
ACB: áp dụng lãi suất cố định 7%/năm trong 1 năm đầu, 7,5%/năm trong 2 năm đầu và 9,5%/năm trong 5 năm đầu. Sau thời gian ưu đãi, lãi suất thả nổi khoảng 11-11,7%/năm.
SeABank: lãi suất vay mua nhà, vay tiêu dùng cố định 5,5% trong 12 tháng đầu, từ năm 2 sẽ thả nổi lãi suất = lãi suất cơ sở + biên độ 3,35%.
SHB: Lãi suất cố định 6,2% trong 6 tháng; 7,6% trong 12 tháng; 8,6% trong 18 tháng; hoặc 9,2% trong 24 tháng. Biên độ lãi suất sau ưu đãi là 3%. Hiện lãi suất thả nổi SHB rơi vào khoảng 10,6%/năm.
Techcombank: Lsĩ suất vay mua nhà cố định 5% trong 3 tháng, 6,3% cố định trong 6 tháng, 6,7% cố định trong 12 tháng, 7,0% cố định trong 18 tháng, 7,5% cố định trong 24 tháng. Hết thời gian ưu đãi sẽ tính lãi suất thả nổi với biên độ 3.5%.
MBBank: Các gói lãi suất vay mua bất động sản cố định 7,5% trong 6 tháng; 7,9% trong 12 tháng; 8,3% trong 18 tháng; 9% trong 24 tháng. Với các khoản vay trên 5 tỷ lãi suất giảm thêm 0,5%. Biên độ sau ưu đãi là 2% trong 1 năm đầu tiên; 3,5% trong thời gian còn lại.
Eximbank: Lãi suất cố định 3,5%/năm trong 2 tháng đầu; 7,5%/năm trong 22 tháng tiếp theo. Lãi suất cho vay sau ưu đãi tính bằng lãi suất cơ sở + biên độ 3%. Phí phạt trả nợ trước hạn năm 1,2,3 là 2%, năm 4 là 1%, từ năm thứ 5 miễn phí. Hiện lãi suất thả nổi Eximbank vào khoảng 10-11%/năm.
Tại BIDV, nhà băng này mới đây đã triển khai gói tín dụng ưu đãi năm 2025 dành cho khách hàng cá nhân vay vốn phục vụ nhu cầu vay mua nhà, mua xe, vay sản xuất kinh doanh (bao gồm cả mục đích kinh doanh dịch vụ lưu trú và nhà hàng) với lãi suất chỉ từ 6,0%/năm. Thời gian vay tối đa lên tới 30 năm và hạn mức cho vay đến 100% phương án vay vốn. Chương trình ưu đãi lãi suất sẽ triển khai từ nay đến hết 30/06/2025.
Sau thời gian cố định lãi suất ưu đãi, BIDV sẽ tính lãi suất thả nổi theo công thức: lãi suất huy động 12 tháng + biên độ 4,0%. BIDV cũng quy định về cách tính phí phạt trả nợ trước hạn: năm đầu tiên là 1% số tiền trả, năm thứ 2 và thứ 3 là 0,5% số tiền trả , từ năm thứ 3 miễn phí trả nợ.
Tương tự, Agribank áp dụng lãi suất cố định là 6%/năm trong 12 tháng đầu đối với khoản vay có thời hạn tối thiểu 3 năm và 6,5%/năm trong 24 tháng đầu cho khoản vay từ 5 năm trở lên.
VietinBank: Lãi suất vay mua nhà được giữ ổn định với mức cố định 6%/năm trong 12 tháng đầu, 6,5%/năm trong 18 tháng đầu, 6,7%/năm trong 24 tháng đầu và 8,2%/năm trong 36 tháng đầu. Sau thời gian ưu đãi, biên độ lãi suất là 3,5%, đưa lãi suất thả nổi lên khoảng 10%/năm.
Vietcombank: Gói lãi suất vay mua nhà đất tại Vietcombank trong tháng 1/2025 cố định từ 5,5%/năm trong 6 tháng đầu với khoản vay dưới 24 tháng và 5,7%/năm trong 12 tháng đầu với khoản vay trên 24 tháng. Các khoản vay cố định 2 năm đầu có lãi suất 6,5%/năm, trong khi lãi suất cố định 3 năm đầu là 8,5%/năm. Sau giai đoạn ưu đãi, lãi suất thả nổi được tính bằng lãi suất huy động 12 tháng cộng biên độ 3,5%, dao động khoảng 9%/năm.
Liên quan đến việc này, trong báo cáo triển vọng về ngành bất động sản nhà ở năm 2025 vừa công bố, Trung tâm phân tích và tư vấn đầu tư Chứng khoán SSI cho biết, lãi suất cho vay mua nhà ưu đãi năm 2024 đã ở mức thấp nhất từ trước đến nay.
Cụ thể, lãi suất dao động từ 5,3-7,2%/năm trong năm 2024, do cạnh tranh gay gắt giữa các ngân hàng trong nước nhằm thu hút người mua nhà và chi phí vốn ở mức hợp lý. Tuy nhiên, từ đầu tháng 11/2024, một số ngân hàng trong nước như: Agribank, Techcombank, VIB và MB đã tăng nhẹ lãi suất huy động.
Lãi suất huy động trung bình theo đó đã tăng từ mức thấp 4,8%/năm lên 5,5%/năm trong nửa cuối năm 2024. Nguyên nhân tăng lãi suất là do tăng trưởng tín dụng cao hơn so với cùng kỳ khiến tiền mặt có khả năng thiếu hụt trong mùa tín dụng cao (quý IV/2024 đến quý I/2025).
Đồng thời, tỷ suất lợi nhuận cao hơn từ các kênh đầu tư khác, như vàng và bất động sản làm giảm nhu cầu gửi tiền của người dân. Với chi phí vốn cao hơn một chút, lãi suất cho vay mua nhà trung bình có thể tăng nhẹ từ đầu năm 2025./.