Ảnh minh họa.
Theo số liệu tổng hợp từ Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA), trong năm 2022, các doanh nghiệp phát hành trái phiếu riêng lẻ với tổng cộng 420 đợt, đạt giá trị xấp xỉ 244.565 tỷ đồng, chiếm 96% tổng giá trị phát hành, giảm 66% so với cùng kỳ năm ngoái.
Giá trị phát hành trái phiếu ra công chúng là 10.599 tỷ đồng, giảm 65% so với năm trước, chiếm khoảng 4% tổng giá trị phát hành.
Nhóm ngân hàng dẫn đầu về giá trị phát hành với tổng giá trị đạt 136.772 tỷ đồng, tương đương 53,6% tổng giá trị phát hành. Kỳ hạn phát hành bình quân của nhóm này là 5,47 năm, lãi suất phát hành trung bình là 5,48%/năm.
Theo sau là nhóm bất động sản với 51.979 tỷ đồng, chiếm khoảng 20,4%. So với cùng kỳ năm 2021 ghi nhận hơn 214.000 tỷ đồng, lượng trái phiếu do nhóm doanh nghiệp địa ốc phát hành sụt giảm gần 76%.
Cũng theo VBMA, trong năm 2022, các doanh nghiệp đã mua lại 210.830 tỷ đồng, tăng 46% so với năm 2021. Riêng trong tháng 12, tính đến thời điểm 30/12/2022, tổng giá trị trái phiếu đã được các doanh nghiệp mua lại trước hạn trong tháng là 39.542 tỷ đồng, tăng 39% so với cùng kỳ tháng 12/2021.
Đề cập đến số lượng trái phiếu sẽ đáo hạn trong thời gian tới, VBMA cho biết, trong năm 2023, sẽ có khoảng 289.819 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn; trong đó, số lượng trái phiếu bất động sản đáo hạn rơi vào khoảng hơn 119.000 tỷ đồng. Riêng tháng 1/2023, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn là gần 17.458 tỷ đồng, tập trung chủ yếu ở nhóm bất động sản và xây dựng.
Cụ thể, tháng đầu năm 2023, doanh nghiệp bất động sản phải thanh toán 10.500 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn, chiếm 60% giá trị trái phiếu doanh nghiệp đến hạn. Còn doanh nghiệp xây dựng phải thanh toán 5.900 tỷ đồng trái phiếu đến hạn, chiếm 34% giá trị TPDN đến hạn.
Theo thống kê, năm 2023-2024 được coi là đỉnh đáo hạn trái phiếu với khối lượng lên tới gần 700.000 tỷ đồng.