001_20221210090449.jpg

Góp ý cho Dự thảo Nghị định sửa đổi một Nghị định 153/2020/NĐ-CP và ngưng hiệu lực thi hành, sửa đổi một số điều của Nghị định số 65/2022/NĐ-CP, Bộ KHĐT cho rằng, quy định ngưng thực hiện 1 năm đối với quy định về xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cần thiết, tuy nhiên đề nghị bổ sung thêm thông tin như: số lượng các nhà đầu tư đáp ứng được tất cả các điều kiện về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp; số lượng các nhà đầu tư đáp ứng được tất cả các điều kiện về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp nhưng chưa đáp ứng được quy định về thời gian danh mục nắm giữ 180 ngày.

Phản hồi ý kiến này, Bộ Tài chính phân tích: Theo quy định tại Luật Chứng khoán năm 2019 (Điều 11), “nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là nhà đầu tư có năng lực tài chính hoặc có trình độ chuyên môn về chứng khoán bao gồm:

Ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, công ty tài chính, tổ chức kinh doanh bảo hiểm, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, công ty đầu tư chứng khoán, quỹ đầu tư chứng khoán, tổ chức tài chính quốc tế, quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, tổ chức tài chính nhà nước được mua chứng khoán theo quy định của pháp luật có liên quan;

Công ty có vốn điều lệ đã góp đạt trên 100 tỷ đồng hoặc tổ chức niêm yết, tổ chức đăng ký giao dịch; (iii) Người có chứng chỉ hành nghề chứng khoán;

Cá nhân nắm giữ danh mục chứng khoán niêm yết, đăng ký giao dịch có giá trị tối thiểu là 02 tỷ đồng theo xác nhận của công ty chứng khoán tại thời điểm cá nhân đó được xác định tư cách là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp;

Cá nhân có thu nhập chịu thuế năm gần nhất tối thiểu là 01 tỷ đồng tính đến thời điểm cá nhân đó được xác định tư cách là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp theo hồ sơ khai thuế đã nộp cho cơ quan thuế hoặc chứng từ khấu trừ thuế của tổ chức, cá nhân chi trả”.

Theo Bộ Tài chính, căn cứ quy định nêu trên, có nhiều cách để xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp và mỗi loại hình nhà đầu tư phải đáp ứng 01 điều kiện để trở thành nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Đối với nhà đầu tư cá nhân, ngoài xác định tư cách bằng danh mục chứng khoán, nhà đầu tư còn có thể chứng minh bằng thu nhập chịu thuế và chứng chỉ hành nghề chứng khoán.

Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho biết, hiện nay, chưa có quy định tập trung thông tin về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp mà chỉ có cơ sở dữ liệu quốc gia về cư dân do Bộ Công an quản lý. Do đó, không có cơ sở để tổng hợp số liệu về nhà đầu tư đủ và không đủ điều kiện như ý kiến của Bộ KHĐT.

Góp ý cho Dự thảo, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đề nghị cân nhắc giữa lợi ích đem lại và rủi ro khi ngưng thực hiện quy định về xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.

Về giá trị tối thiểu của danh mục chứng khoán khi xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, KTNN đề nghị bổ sung quy định làm rõ hơn cách thức xác định giá trị thị trường của danh mục nắm giữ (là giá giao dịch bình quân trong ngày hay giá đóng cửa).

Phản hồi ý kiến này, Bộ Tài chính cho biết, Nghị định số 65 (điểm d khoản 1 Điều 8 Nghị định số 153 được sửa đổi, bổ sung tại khoản 6 Điều 1 Nghị định số 65) quy định giá trị của danh mục chứng khoán “được xác định bằng giá trị thị trường bình quân theo ngày của danh mục chứng khoán trong thời gian tối thiểu 180 ngày liền kề trước ngày xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, không bao gồm giá trị vay giao dịch ký quỹ và giá trị chứng khoán thực hiện giao dịch mua bán lại”.

Giá trị thị trường của danh mục chứng khoán thực hiện theo quy định của pháp luật chứng khoán, trong đó quy định khác nhau đối với từng loại chứng khoán (cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ). Do đó, Bộ Tài chính trình Chính phủ không quy định việc xác định giá trị thị trường của danh mục chứng khoán tại dự thảo Nghị định.

Chỉ chuyển nhượng TPDN riêng lẻ giữa các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp

Về việc ngưng thực hiện trong vòng 01 năm đối với quy định về xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, VCCI đề nghị Bộ Tài chính phối hợp với NHNN để quán triệt các ngân hàng thương mại khi môi giới bán trái phiếu thì cần tư vấn đầy đủ về rủi ro cho các nhà đầu tư cá nhân.

Phản hồi lại ý kiến của VCCI, Bộ Tài chính cho biết, thời gian vừa qua, một bộ phận nhà đầu tư cá nhân vì ham lãi suất cao mà cố tình vi phạm pháp luật để trở thành nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp để mua TPDN. Bên cạnh đó, có hiện tượng các tổ chức cung cấp dịch vụ (NHTM, công ty chứng khoán) lợi dụng việc nhà đầu tư ham lãi suất cao để tư vấn không đầy đủ, khiến nhà đầu tư nhầm lẫn giữa việc đầu tư TPDN và gửi tiết kiệm ngân hàng.

Về hạn chế giao dịch trái phiếu trên thị trường thứ cấp đối với nhà đầu tư không chuyên nghiệp, NHNN đề nghị nghiên cứu, bổ sung quy định để hạn chế giao dịch trái phiếu trên thị trường thứ cấp đối với nhà đầu tư không chuyên nghiệp.

Về nội dung này, Bộ Tài chính cho biết, Luật Chứng khoán năm 2019 (điểm c khoản Điều 31) quy định TPDN chào bán riêng lẻ chỉ được chuyển nhượng giữa các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, trừ trường hợp thực hiện theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, quyết định của Trọng tài hoặc thừa kế theo quy định của pháp luật.

Căn cứ quy định này, Nghị định số 153/2020/NĐ-CP đã quy định chỉ chuyển nhượng TPDN riêng lẻ giữa các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp và Nghị định số 65 đã quy định giao dịch tập trung TPDN riêng lẻ tại Sở GDCK. Theo đó, TPDN không được phân phối cho nhà đầu tư không chuyên nghiệp trên thị trường thứ cấp nên việc bổ sung quy định về hạn chế giao dịch thứ cấp trái phiếu đối với nhà đầu tư không chuyên nghiệp tại dự thảo Nghị định là không cần thiết.

Xuân Hưng