Sản xuất bền vững, tiêu dùng xanh là xu hướng phát triển tất yếu mà cả thế giới và Việt Nam đang hướng đến. Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã nhấn mạnh đến việc phát triển mô hình kinh tế xanh, kinh tế tế tuần hoàn.
Đồng hành cùng các chính sách và định hướng của Nhà nước trong việc phát triển mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thời gian qua các DN cũng đã nhận thức rõ vấn đề phát triển kinh tế tuần hoàn, giảm thiểu rác thải nhựa là yêu cầu cốt lõi của phát triển bền vững. Điều này không chỉ giúp DN nâng cao hiệu quả kinh tế xã hội và môi trường do giảm tiêu thụ tài nguyên, giảm chi phí xử lý rác thải mà còn tạo ra vị thế cao hơn, hình ảnh đẹp hơn cho DN.
Theo ông Hoàng Anh Tuấn - Chủ tịch Công ty cổ phần Tân Phú Việt Nam chia sẻ: Công ty có 3 chiến lược chính, gồm đa dạng hóa sản phẩm, nguyên vật liệu để khách hàng có nhiều sự lựa chọn; Tạo ra các sản phẩm có chất lượng cao, giúp vòng đời của sản phẩm dài hơn, từ đó giúp giảm rác thải nhựa; Những sản phẩm bắt buộc phải sử dụng nhựa dùng 1 lần.
Còn theo Bà Nguyễn Bằng Lăng - Phụ trách bộ phận Phát triển bền vững của AEON Việt Nam nhìn nhận, nhà bán lẻ là cầu nối giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng nên đóng vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy hành vi của người tiêu dùng. AEON luôn nhận thức, sản phẩm bền vững chưa đủ mà chính hành động mua sắm của người tiêu dùng mới có thể đạt được mục tiêu phát triển bền vững.
Theo đó, trong chiến lược phát triển bền vững tại AEON Việt Nam, khi tiếp xúc với khách hàng, công ty cố gắng đưa ra những chương trình hỗ trợ khách hàng, giúp khách hàng đưa ra những quyết định thân thiện với môi trường một cách dễ dàng nhất.
Gần đây, AEON ra mắt dịch vụ cho thuê túi môi trường. Đa số khách hàng không mang theo túi thân thiện môi trường khi đi siêu thị. Đến quầy thanh toán, rất khó để khách hàng bỏ ra hàng chục ngàn ra mua túi thân thiện môi trường. Thấu hiểu điều đó, AEON đã đưa ra dịch vụ: khách hàng chỉ cần đặt cọc 5 nghìn đồng để có thể thuê túi môi trường. Trong lần mua sau, khách hàng trả lại sẽ được nhận tiền đặt cọc.
"Như vậy hành động tiêu dùng bền vững được hỗ trợ một cách dễ dàng hơn, khách hàng dễ dàng đưa ra quyết định, không cần phải đắn đo nữa. Đây là chiến lược chính mà AEAON hướng tới khi nói đến việc phát triểu tiêu dùng bền vững", bà Lăng chia sẻ.
Trong khi đó, để giảm thiểu rác thải, thúc đẩy tiêu dùng xanh, bà Hoàng Thị Minh Ngọc - Giám đốc Tăng trưởng và Chiến lược của Chợ Tốt cho biết, giải pháp của họ là tái chế, trao đi những đồ ít dùng cho người khác, từ đó giảm thiểu được lượng tài nguyên, nhiên liệu và năng lượng phải dùng để sản xuất mới. Theo đó chung tay với các đơn vị cùng đồng hành xây dựng nền kinh tế tuần hoàn, đóng góp vào mục tiêu phát triển bền vững mà Liên hợp quốc cũng như Việt Nam đã đề ra.
Ông Nguyễn Đình Thọ Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách, Tài nguyên và Môi trường cho hay theo Luật Bảo vệ Môi trường được Quốc Hội thông qua năm 2020, Viện đã đưa ra rất nhiều biện pháp nhằm giảm thiểu sử dụng sản phẩm nhựa, trong đó một trong những cách thức hiệu quả nhất chính là khuyến khích phát triển kinh tế tuần hoàn, cũng như việc sử dụng lại và tái chế các sản phẩm nhựa thải.
Ngoài ra, nhằm phát triển kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam cần thực hiện các tiêu chí. Đầu tiên là việc giảm sử dụng các sản phẩm, nguyên liệu nhựa, đặc biệt là nguyên liệu hóa thạch.
Thứ hai, kéo dài tuổi thọ của các sản phẩm, hàng hóa trên thị trường. Thứ ba, giảm thiểu vứt rác ra môi trường, kiểm soát lượng rác, tăng cường sàng lọc rác tại nguồn, cũng như vận chuyển và xử lý rác thải; không gây hại tới môi trường.
Nhằm đạt được mục tiêu trên, việc thiết kế một kế hoạch khoa học, bền vững giữ vai trò rất quan trọng quyết định thành công, điều này đã được chứng minh qua kinh nghiệm tại Châu Âu.