Ngân hàng Nhà nước ngày 30/12 đã có văn bản gửi các tổ chức tín dụng, thông báo về nguyên tắc giao tăng trưởng tín dụng năm 2025.
Theo văn bản trên, hạn mức tăng trưởng tín dụng của từng đơn vị trong năm tới sẽ dựa vào kết quả chấm điểm xếp hạng năm 2023 theo quy định tại Thông tư 52, nhân với hệ số áp dụng chung cho các ngân hàng. Dự kiến, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống năm 2025 khoảng 16%, cao hơn mức mục tiêu 15% trong năm nay.
Cũng giống như năm nay, trong văn bản gửi tới các tổ chức tín dụng, nhà điều hành cho biết, sẽ chủ động điều chỉnh chỉ tiêu, tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng cung ứng đủ và kịp thời vốn cho nền kinh tế mà không cần có văn bản đề nghị.
Đồng thời, sẽ tiếp tục triển khai lộ trình hạn chế và tiến tới xóa bỏ việc điều hành phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng ngân hàng theo Nghị quyết 62.
Nhà điều hành yêu cầu các nhà băng tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, đúng quy định trên cơ sở phù hợp với năng lực quản trị rủi ro, tình hình thanh khoản và khả năng huy động vốn. Tăng trưởng đảm bảo an toàn hoạt động, tín dụng đi vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng theo chủ trương của Chính phủ. Nguồn tín dụng cần được kiểm soát chặt vào lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.
Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng được yêu cầu tiếp tục tiết giảm chi phí, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số... để có dư địa tiếp tục phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay.
Ngân hàng cho vay nhiều bất động sản ghi nhận mức tăng trưởng khả quan
Liên quan đến việc này, báo cáo triển vọng 2025 mới phát hành các công ty chứng khoán cho biết, tín dụng toàn hệ thống sau quý I/2024 tăng trưởng chậm chạp đã tăng tốc kể từ tháng 5, được thúc đẩy bởi cả sản xuất và thương mại.
Đến cuối quý III/2024, nhu cầu tín dụng của các ngành sản xuất và thương mại tăng lần lượt 9,3% và 9,7% so với đầu năm. Trong khi đó, tăng trưởng cho vay xây dựng đạt 5,4%, thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái.
Tổng dư nợ tín dụng của các ngân hàng niêm yết tăng 11,2% vào cuối quý III/2024; trong đó, 3 ngân hàng quốc doanh (SOE) (VCB, CTG, BID) đạt mức tăng trưởng trung bình 9,6%. LPB, HDB, TCB và ACB là những ngân hàng ghi nhận mức tăng trưởng tín dụng cao hơn 13% so với đầu năm. Đây đều là những nhà băng cho vay bất động sản nhiều.
Dữ liệu của VCBS Research mới công bố cho thấy, tín dụng toàn hệ thống ghi nhận mức tăng trưởng 12,5% tính tới 13/12/2024, cao hơn so với mức tăng trưởng trên 9% cùng kỳ 2023 với động lực chính đến từ phân khúc khách hàng doanh nghiệp, trong khi tín dụng bán lẻ hồi phục chậm.
Các ngân hàng tư nhân có tỷ trọng cho vay doanh nghiệp bất động sản, xây dựng ở mức cao ghi nhận mức tăng trưởng khả quan hơn so với trung bình ngành như TCB, HDB, LPB, NAB, MSB. Nhu cầu tín dụng gia tăng mạnh về cuối năm đến từ các doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu và nhu cầu tiêu dùng, đầu tư từ cá nhân.
“Tốc độ tăng trưởng tín dụng dự báo tiếp tục duy trì mức 14 - 15% trong năm 2025. Động lực tăng trưởng tín dụng trong năm đến từ: Mặt bằng lãi suất thấp hỗ trợ tạo lực đẩy cho nhu cầu vay vốn. Tín dụng bán lẻ tăng tốc với lực đẩy từ hoạt động kinh doanh cùng nhu cầu tiêu dùng, trong khi cho vay mua nhà cũng có dấu hiệu hồi phục khả quan.
Tín dụng bán buôn duy trì ổn định nhờ hoạt động sản xuất, xuất khẩu tích cực, thúc đẩy giải ngân đầu tư công và thị trường bất động sản tiếp đà hồi phục kéo theo tăng trưởng tín dụng các phân khúc cho vay doanh nghiệp bất động sản, xây dựng, vật liệu xây dựng”, VBCS Research nhận định./.