Ảnh minh họa.

Ngân hàng TMCP Quốc dân – NCB vừa công bố BCTD hợp nhất quý 3/2022 với kết quả không mấy khả quan.

Nguyên nhân là do lợi nhuận từ mảng kinh doanh chính là tín dụng giảm mạnh tới 58% so với cùng kỳ, còn gần 451 tỷ đồng.

Một số mảng kinh doanh khác như dịch vụ, kinh doanh ngoại hối, mua bán chứng khoán đầu tư dù có khởi sắc nhưng vẫn ở mức khiêm tốn.

Tổng thu nhập hoạt động của ngân hàng sau 9 tháng chỉ đạt 772 tỷ đồng, giảm tới 36,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, tổng chi phí hoạt động lại tăng nhẹ 2% lên 697 tỷ đồng, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng cũng tăng 47,6%, lên mức 214 tỷ đồng.

Thu nhập không đủ bù chi phí khiến NCB ghi nhận khoản lỗ gần 180 tỷ đồng sau 9 tháng trong khi cùng kỳ năm trước, ngân hàng vẫn lãi 205 tỷ đồng. Trong đó, riêng quý 3 ngân hàng lỗ 199 tỷ đồng. Sau thuế, NCB lỗ gần 181 tỷ đồng, là ngân hàng đầu tiên và cũng là trường hợp hiếm hoi ghi nhận lỗ trong 3 quý đầu năm.

Tại ngày 30/9, tổng tài sản của NCB ở mức gần 78,2 nghìn tỷ đồng, tăng 6% so với đầu năm. Trong đó, cho vay khách hàng ở mức gần 45,2 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 8,5%. Tiền gửi khách hàng giảm nhẹ xuống còn 64,3 nghìn tỷ đồng.

Về chất lượng cho vay, thuyết minh báo cáo cho thấy, đến cuối tháng 9, ngân hàng đang có tổng cộng 6.648 tỷ đồng nợ xấu nội bảng, gấp tới 5,3 lần so với đầu năm. Nợ xấu tăng cao ở tất cả các nhóm nợ. Tỷ lệ nợ xấu/cho vay của NCB theo đó bị kéo mạnh lên 14,7%/cho vay khách hàng, so với mức 3% hồi đầu năm.

Trong khi đó, theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, một khi nhà băng không kiểm soát được tỷ lệ nợ xấu dưới mức 3% sẽ bị giới hạn rất nhiều hoạt động như không được mua trái phiếu doanh nghiệp, cấp tín dụng cho khách hàng đầu tư kinh doanh cổ phiếu hay không được mua và nắm giữ cổ phiếu nhà băng khác...

Trước đó, tỷ lệ nợ xấu của toàn hệ thống đã được giới chuyên gia dự báo có thể tăng mạnh từ nửa cuối năm nay khi Thông tư 14 kết thúc, các ngân hàng phải ngừng cơ cấu nợ cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi COVID-19.

Tuy nhiên, nợ xấu tại NCB 9 tháng đầu năm nay đã trở thành một "hiện tượng" với những bước tăng đột biến trong khi báo cáo đã công bố tại một số thành viên khác không cho thấy quá nhiều biến động. 

Biến động nhân sự cao cấp

Kết quả kinh doanh đi xuống trong bối cảnh NCB liên tục có biến động nhân sự cao cấp. 

Hồi đầu tháng 8, Hội đồng quản trị NCB đã quyết định miễn nhiệm chức danh Phó tổng giám đốc kiêm Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Giám đốc Công ty AMC với bà Nguyễn Thị Thùy Dương (sinh năm 1982). 

Được biết, bà Dương được bổ nhiệm vị trí Phó tổng giám đốc NCB một năm trước (3/8/2021), sau khi có tân Chủ tịch là bà Bùi Thị Thanh Hương.

Bà Dương có gần 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính ngân hàng. Trước khi được bổ nhiệm vị trí Phó tổng giám đốc, bà Dương đảm nhiệm vị trí Giám đốc Khối Quản trị Rủi ro và nhiều vị trí quan trọng tại các tổ chức tín dụng khác như VIB, BaoVietBank và MSB.

Cũng trong khoảng thời gian trên, NCB quyết định chấm dứt hợp đồng lao động theo nguyện vọng với một nhân sự cao cấp khác là bà Lê Kim Chi (sinh năm 1975), Phó tổng giám đốc kiêm Giám đốc Khối Quản trị tài chính của ngân hàng.

Bà Lê Kim Chi đã giữ chức Phó tổng giám đốc kiêm Giám đốc Khối Quản trị tài chính ngân hàng từ ngày 4/6/2021.

Trước đó, bà Dương Thị Lệ Hà, quyền Tổng giám đốc NCB được bổ nhiệm cùng thời điểm với bà Dương cũng thôi đảm nhiệm vị trí này và trở về vị trí Phó tổng giám đốc ngân hàng. Ông Nguyễn Đình Tuấn được bổ nhiệm vị trí Phó tổng giám đốc thường trực NCB.

Tới giữa tháng 9, NCB bổ nhiệm thêm 2 nhân sự cao cấp là ông Nguyễn Đức Hiếu người có hơn 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, giữ chức vụ Phó tổng giám đốc kiêm Giám đốc Khối Nguồn vốn và Thị trường Tài chính và bà Hoàng Thị Bích Liên giữ chức vụ Giám đốc Khối Vận hành ngân hàng.

Châu Giang