Theo báo cáo tài chính từ 29 ngân hàng trong nước (bao gồm 27 ngân hàng niêm yết trên sàn chứng khoán cùng PVComBank và BaoVietBank), tổng số tiền gửi tại các ngân hàng này tính đến cuối tháng 9 đạt hơn 10,775 triệu tỷ đồng, tăng 7,2% so với đầu năm.
Trong 9 tháng đầu năm 2024, các ngân hàng đã thu hút thêm 724.288 tỷ đồng từ tiền gửi khách hàng. Nhóm ngân hàng cổ phần quốc doanh BIDV, VietinBank và Vietcombank chiếm ưu thế với tổng số tiền gửi tăng thêm 309.400 tỷ đồng, chiếm gần 43% tổng mức tăng.
Cụ thể, BIDV dẫn đầu với mức tăng hơn 169.000 tỷ đồng, tương ứng mức tăng trưởng 9,9% so với cuối năm 2023, trở thành ngân hàng hút tiền gửi lớn nhất trong giai đoạn này.
VietinBank đứng thứ 2 với tiền gửi khách hàng tăng gần 106.000 tỷ đồng, tương đương 7,5%. Vietcombank ghi nhận mức tăng 2,5%, tương đương gần 34.400 tỷ đồng, đạt tổng cộng 1,43 triệu tỷ đồng.
Trong nhóm ngân hàng tư nhân, MB nổi bật với hơn 60.000 tỷ đồng tiền gửi tăng thêm, tương ứng mức tăng trưởng 10,6%. Theo sau là Sacombank (gần 56.000 tỷ đồng), Techcombank (gần 40.300 tỷ đồng), LPBank (33.900 tỷ đồng), VPBank (33.400 tỷ đồng), ACB (29.400 tỷ đồng), HDBank (26.200 tỷ đồng), SHB (24.300 tỷ đồng).
Về tốc độ tăng trưởng, NCB dẫn đầu với mức tăng 17,6%, gấp 2,5 lần mức bình quân. Một số ngân hàng khác có mức tăng trưởng đáng chú ý gồm LPBank (14,3%), MSB (12,2%), Sacombank (11%), và MB (10,6%).
Xét về quy mô tiền gửi, BIDV tạm thời đứng đầu (do Agribank chưa công bố số liệu) với gần 1,784 triệu tỷ đồng, tiếp theo là VietinBank (1,517 triệu tỷ đồng) và Vietcombank (1,43 triệu tỷ đồng).
Trong nhóm tư nhân, MB dẫn đầu với gần 628.000 tỷ đồng tiền gửi, kế tiếp là Sacombank (566.724 tỷ đồng), ACB (512.124 tỷ đồng), Techcombank (494.954 tỷ đồng), VPBank (475.782 tỷ đồng), SHB (471.799 tỷ đồng), và HDBank (397.019 tỷ đồng).
Ngược lại, BaoVietBank, PGBank, và Saigonbank là 3 ngân hàng có lượng tiền gửi thấp nhất. Ngoài ra, PVComBank, ABBank và Saigonbank là 3 ngân hàng ghi nhận sự sụt giảm tiền gửi trong 9 tháng đầu năm./.