Ngày 26/4, Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HDBank, mã chứng khoán: HDB) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2023.

Tại đại hội, HDBank đã trình cổ đông thông qua phương án chia cổ tức bằng tiền và cổ phiếu với tỷ lệ 25% (10% bằng tiền mặt và 15% bằng cổ phiếu). Ngân hàng dự kiến phát hành 20 triệu cổ phiếu cho người lao động (ESOP), tăng vốn thêm 200 tỷ đồng.

Đáng chú ý, tại đại hội, HDBank đã trình cổ đông thông qua chủ trương tham gia chương trình tái cơ cấu ngân hàng và góp vốn, mua cổ phần một công ty chứng khoán.

Liên quan đến việc này, mặc dù hiện nay HDBank chưa tiết lộ tên ngân hàng cũng như công ty chứng khoán mà nhà hàng này sẽ tham gia tái cơ cấu, mua lại. Tuy nhiên, nguồn tin báo chí cho biết, đây không phải là lần đầu tiên HDBank nói về ý định này.

Cuối năm ngoái, HDBank đã từng đề nghị đại hội cổ đông phê duyệt chủ trương góp vốn điều lệ với mức không quá 9.000 tỷ đồng vào một ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc.

Số tiền này sẽ góp vào thời điểm chuyển giao bắt buộc. Sau đó ngân hàng này sẽ tiếp tục góp vốn phù hợp với lộ trình của phương án nhận chuyển giao bắt buộc được phê duyệt.

Ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc sẽ hoạt động dưới hình thức ngân hàng trách nhiệm hữu hạn một thành viên do HDBank là chủ sở hữu 100% vốn điều lệ, là pháp nhân độc lập với HDBank, không thực hiện hợp nhất báo cáo tài chính. HDBank được loại trừ ngân hàng được chuyển giao bắt buộc khi tính tỷ lệ an toàn vốn hợp nhất.

Được biết, trước đây HDBank đã thành công trong thương vụ nhận sáp nhập Ngân hàng Đại Á. Sau đó HDBank đã từng định nhận sáp nhập Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PGBank).

Đề án sáp nhập đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận về nguyên tắc, 100% cổ đông thông qua, hai ngân hàng cũng đã hoàn thành hồ sơ và đang thực hiện công tác chuẩn bị. HDBank đã trình tiếp hồ sơ xin chấp thuận chính thức. Tuy nhiên vì nhiều lý do, việc sáp nhập này không thành.

Một cái tên được đồn đoán khác là Ngân hàng Đông Á. Ngân hàng Đông Á đã bị Ngân hàng Nhà nước đưa vào diện kiểm soát đặc biệt từ tháng 8/2015.

Còn đối với việc muốn “sở hữu” một công ty chứng khoán, trước đó như chúng tôi đã đưa tin, có một công ty chứng khoán đảm bảo tất cả các điều kiện mà HDBank đưa ra và quan trọng hơn cả là nằm trong hệ sinh thái của đơn vị sở hữu ngân hàng này, đó là CTCP Chứng khoán HD (HDS).

Chứng khoán HD có tiền thân là CTCP Chứng khoán Phú Gia, thành lập năm 2006. Tính tới cuối năm 2022, cổ đông nắm giữ hơn 72% vốn điều lệ của HDS là Công ty TNHH Đầu tư Blue Sky Việt Nam.

Về kết quả kinh doanh, lũy kế cả năm 2022, HDS ghi nhận tổng doanh thu hoạt động đạt 1.571,3 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 454 tỷ đồng, tăng lần lượt gần 148% và 106% so với thực hiện năm 2021, tương ứng vượt 39,7% chỉ tiêu doanh thu và 1% kế hoạch lợi nhuận đề ra tại ĐHĐCĐ thường niên 2022.

Đáng chú ý, chiếm phần lớn cơ cấu doanh thu của HDS là 1.361 tỷ đồng tiền lãi bán trái phiếu. Trong năm 2022, công ty chứng khoán này bán tổng cộng 838,6 triệu trái phiếu với tổng giá trị 89.273 tỷ đồng.

Tính đến ngày 31/12/2022, tổng tài sản của HDS tăng 44,5% so với thời điểm đầu năm lên 4.289 tỷ đồng, hầu hết trong số đó là tài sản ngắn hạn, bao gồm 2.913 tỷ đồng các khoản phải thu, 835 tỷ đồng tài sản FVTPL, 145 tỷ đồng tiền mặt...