Dư nợ cho vay bất động sản tăng trưởng mạnh

Kết thúc 6 tháng đầu năm, OCB ghi nhận mức tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ 9,8% với tổng dư nợ đạt hơn 113,7 nghìn tỷ đồng, nhờ dư nợ cho vay dài hạn tăng 14,4% so với đầu năm, đạt 61,6 nghìn tỷ đồng.

Điều này được giải thích bởi sự tăng trưởng của dư nợ cho vay chủ đầu tư bất động sản và cho vay mua nhà ở. Trên cơ sở có mối quan hệ hợp tác chặt chẽ với Nam Long Group, Khang Điền House, Sơn Kim Land và Capitaland, OCB đã đẩy mạnh cho vay mua nhà để ở với giá trị cho mỗi căn nhà dao động từ 1,5 - 2,5 tỷ đồng chủ yếu tập trung vào phân khúc khách hàng có thu nhập thấp và trung bình.

Các khoản vay này có thời hạn tối đa là 35 năm và thời gian ân hạn nợ gốc lên đến 5 năm. Hơn nữa, dư nợ cho vay của Unlock Dream Home (sản phẩm cho vay mua nhà trực tuyến) đạt hơn 3,5 nghìn tỷ đồng trong quý 2/2022, chiếm xấp xỉ 4% tổng dư nợ cho vay khách hàng.

Trong khi dư nợ cho vay bất động sản và xây dựng lần lượt là 11 nghìn tỷ đồng (tăng 21% so với đầu năm) và 10 nghìn tỷ đồng (tăng 6% so với đầu năm), dư nợ cho vay trái phiếu doanh nghiệp tăng 5% so với quý trước lên hơn 4 nghìn tỷ đồng (trong đó gần 580 tỷ đồng trái phiếu là nợ quá hạn).

Tại thời điểm quý 2/2022, dư nợ tín dụng cho FLC ước đạt hơn 500 tỷ đồng, trong đó ngân hàng đã trích lập dự phòng liên quan đến trái phiếu FLC ước tính khoảng 35 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm.

Trong báo cáo cập nhật liên quan đến ngân hàng OCB, các chuyên gia phân tích tại SSI Research cho rằng, mặc dù nhu cầu mua nhà ở giá rẻ vẫn được duy trì ổn định, nhưng khả năng trả nợ cho các khoản vay này cần phải được giám sát chặt chẽ, đặc biệt là đối với phân khúc khách hàng có thu nhập thấp và trung bình.

Duy trì tăng trưởng NIM sẽ là một thách thức lớn

Mặc dù lãi suất cho vay ổn định ở mức 10,3% và chi phí huy động tăng 17 điểm cơ bản trong quý 2/2022, tỷ lệ NIM vẫn tăng 7 điểm cơ bản so với quý trước lên 3,99%.

Điều này chủ yếu là do ngân hàng tập trung vào tài sản sinh lời theo hướng tăng tỷ trọng các tài sản có lợi suất cao hơn (chẳng hạn như các khoản cho vay mua nhà dài hạn) và hệ số LDR tăng liên tục lên 68,5% (tăng 270 điểm cơ bản so với quý trước), trong khi tiền gửi khách hàng giảm 2,3% so với đầu năm.

Bên cạnh đó, tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn tăng đáng kể lên 32% (so với 22% trong quý 4/2021).

Tuy nhiên, các chuyên gia SSI Research vẫn kỳ vọng NIM sẽ đạt mức 3,85% cho năm tài chính 2022 do ngân hàng có thể sẽ giảm tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn xuống xấp xỉ 30% bằng cách thu hút tiền gửi ở những kỳ hạn dài hơn.

Dù vậy, các chuyên gia cũng tỏ ra lo ngại về biến động của thị trường tiền tệ gần đây, khi sự thiếu hụt thanh khoản của VND đã khiến lãi suất VND liên ngân hàng tăng đột biến. Ngoài ra, tỷ giá USD/VND tiếp tục có xu hướng tăng lên với mức giá chào bán được NHNN điều chỉnh là 23.700 VND vào ngày 7/9.

Do đó, SSI Research cho rằng chi phí huy động vốn cho 6 tháng cuối năm 2022 có thể tăng do OCB đang phụ thuộc nhiều vào thị trường liên ngân hàng và các nguồn vốn từ nước ngoài.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, doanh thu từ hoạt động dịch vụ của OCB chỉ tăng 2,4% so với cùng kỳ, đạt 359 tỷ đồng. Mặc dù doanh thu bancassurance tăng 18% so với cùng kỳ lên 192 tỷ đồng, nhưng ngân hàng không đảm bảo được “tỷ lệ tái tục bảo hiểm” và vì vậy phải ghi nhận thêm chi phí quảng cáo. Điều này khiến tổng chi phí hoạt động dịch vụ tăng 24% so với cùng kỳ lên 52,5 tỷ đồng.

Trong bối cảnh lợi suất trái phiếu có xu hướng tăng lên, OCB đã ghi nhận khoản lỗ 327 tỷ đồng từ giao dịch trái phiếu. Và rõ ràng điều này đã ảnh hưởng đến lợi nhuận cốt lõi của OCB trong 6 tháng đầu năm 2022.

Để khắc phục vấn đề này, ngân hàng đã nỗ lực hơn trong việc thu hồi nợ xấu, cụ thể đã thu hồi được 226 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2022. Nhìn chung, lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh trái phiếu (vốn từng là thế mạnh của OCB) suy giảm, các khoản thu nhập ngoài lãi khác kém hiệu quả, và OCB đang phụ thuộc khá nhiều vào thu nhập lãi.

Tỷ lệ thu nhập lãi thuần trên tổng thu nhập hoạt động là 94,2% trong quý 2/2022 so với mức trung bình của các ngân hàng trong hệ thống là 77%. SSI Research tin rằng điều này sẽ tiếp tục là một mối lo ngại đối với OCB, vì lợi suất trái phiếu đang có xu hướng cao hơn.

Chất lượng tài sản cần được kiểm soát tốt hơn

Tổng nợ xấu và nợ nhóm 2 đã giảm đáng kể xuống lần lượt là 2,9 nghìn tỷ đồng (giảm 36,5% so với quý trước) và 2,1 nghìn tỷ đồng (giảm 6,5% so với quý trước). Trong quý 2/2022, OCB cũng đã xóa 208,5 tỷ đồng nợ xấu, chiếm 0,19% tổng dư nợ cho vay khách hàng - giúp tỷ lệ nợ xấu giảm xuống 1,96% (giảm 21 điểm cơ bản so với quý trước), nhưng vẫn cao hơn con số 1,53% trong quý 2/2021.

Tại thời điểm quý 2/2022, dư nợ tái cơ cấu giảm 29,5% so với đầu năm xuống 2,2 nghìn tỷ đồng (chiếm 2% tổng dư nợ cho vay khách hàng), và trong đó chỉ có 28 tỷ đồng chuyển thành nợ xấu, xấp xỉ 0,9% dư nợ cho vay tái cơ cấu thời điểm quý 1/2022.

“Chúng tôi tin rằng việc tỷ lệ hình thành nợ xấu giảm xuống còn 0,06% (so với 1,06% trong quý 1/2022) đã giúp chi phí tín dụng của ngân hàng giảm xuống 0,47% trong quý 2/2022. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng ngân hàng dường như ít quan tâm đến việc củng cố bộ đệm tín dụng cho mình, với tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLCR) chỉ là 61,4% (so với 70% trong quý 2/2021), là một trong những ngân hàng có tỷ lệ này thấp nhất mà chúng tôi phân tích”, SSI Research nhận định.

Theo đó, mặc dù nợ xấu phát sinh từ các khoản vay được tái cơ cấu ở mức thấp, nhưng các chuyên gia cho rằng, chất lượng tài sản cần được giám sát chặt chẽ hơn do tỷ lệ nợ xấu đang tăng lên.

Châu Giang