Ảnh minh họa.

Theo Bộ Xây dựng, bước sang năm 2023, nhiệm vụ trọng tâm của thị trường bất động sản mà Bộ Xây dựng đặt ra chính là thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội và nhà ở công nhân.

Để hiện thực hóa điều đó, tới đây, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội. Trong đó lập danh mục các dự án, rà soát quỹ đất, hoàn thiện thủ tục pháp lý, lựa chọn chủ đầu tư để thực hiện các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân khu công nghiệp, cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ.

Bên cạnh đó, vấn đề đảm bảo nguồn vốn tín dụng cho nhà ở xã hội sẽ được quan tâm. Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030" sau khi được Thủ tướng phê duyệt cũng sẽ được tập trung để triển khai thực hiện một cách hiệu quả.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Xây dựng về những vướng mắc doanh nghiệp gặp phải khi thực hiện đề án trên thì trình tự, thủ tục thực hiện còn khá phức tạp khiến tiến độ dự án chậm triển khai và bị kéo dài.

Về hướng giải quyết cho vấn đề này, Bộ Xây dựng cho biết sẽ nghiên cứu, ban hành hướng dẫn cụ thể, đầy đủ về quy trình, trình tự thủ tục đầu tư xây dựng đối với các dự án nhà ở xã hội cũng như nhà ở thương mại. Đây sẽ là cơ sở để việc triển khai dự án trở nên nhanh gọn hơn.

Mới đây, trong công văn trả lời doanh nghiệp về xây dựng nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng cho biết sẽ áp dụng chính sách ưu đãi chủ đầu tư thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.

Theo đó, pháp luật quy định: Tại khoản 2 Điều 19 Luật Nhà ở năm 2014 có quy định: “2. Dự án đầu tư xây dựng nhà ở chỉ được lập, phê duyệt và triển khai thực hiện tại khu vực đã có quy hoạch chi tiết được phê duyệt, tuân thủ các nội dung quyết định chủ trương đầu tư của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và đáp ứng các yêu cầu quy định tại Điều 14 của Luật này.”.

Tại điểm k khoản 2 Điều 11 Nghị định số 99/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở có quy định một trong những nội dung của quyết định hoặc văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư dự án xây dựng nhà ở là: “k) Các cơ chế hỗ trợ, ưu đãi của Nhà nước đối với dự án và điều kiện áp dụng (nếu có); trách nhiệm của chủ đầu tư, của chính quyền địa phương trong việc thực hiện dự án;”.

Về cơ chế ưu đãi chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội: quy định tại khoản 1 và 2 Điều 12 Nghị định số 188/2013/NĐ-CP ngày 20/11/2013 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/01/2014), khoản 1 Điều 58 Luật Nhà ở năm 2014 (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2015), Điều 9 Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về phát triển nhà ở xã hội (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/12/2015), khoản 8 Điều 1 Nghị định số 49/2021/NĐ-CP ngày 01/4/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về phát triển nhà ở xã hội (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/4/2021).

Tại khoản 2 Điều 32 Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ có quy định: “Các dự án nhà ở xã hội đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt trước ngày Nghị định này có hiệu lực thì không phải thực hiện phê duyệt lại, trừ trường hợp chủ đầu tư đề nghị được điều chỉnh lại nội dung dự án”.

Tại khoản 1 Điều 156 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2020) có quy định: “Văn bản quy phạm pháp luật được áp dụng từ thời điểm bắt đầu có hiệu lực. Văn bản quy phạm pháp luật được áp dụng đối với hành vi xảy ra tại thời điểm mà văn bản đó đang có hiệu lực. Trong trường hợp quy định của văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực trở về trước thì áp dụng theo quy định đó”.

Bộ Xây dựng hy vọng phân khúc nhà ở xã hội sẽ phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới. Việc thực hiện đề án một cách hiệu quả và có chất lượng sẽ góp phần giải quyết cơ bản nhu cầu nhà ở xã hội, nhà ở công nhân cho các đối tượng thu nhập thấp ở khu vực đô thị.