lai-suat-fed-0746.jpg

Biểu đồ “dot plot” tháng 12/2022 của FED dự báo mức đỉnh lãi suất ở mức 5,1% vào năm 2023 và bắt đầu cắt giảm lãi suất vào năm 2024. Đến năm 2025, lãi suất sẽ về mức trung tính 2,5%. Lãi suất tăng là "kẻ thù" của thị trường chứng khoán.

Tháng ngày đen tối

Những ngày đầu năm 2022, chỉ số VN-Index đạt mức cao nhất trong lịch sử 1.536,45 điểm, các nhà đầu tư bi quan nhất cũng không nghĩ đến viễn cảnh thị trường lao dốc xuống mức thấp nhất 873,78 điểm vào ngày 16/11/2022, tức giảm 43,1%. Vốn hóa sàn HOSE ở thời điểm thấp nhất trong năm 2022 chỉ còn 3.485.438 tỷ đồng (149 tỷ USD), giảm 2.643.337 tỷ đồng (113 tỷ USD) so với đầu năm.

Vốn hóa của hàng loạt cổ phiếu bluechip giảm hàng trăm ngàn tỷ đồng từ đỉnh đến đáy trong giai đoạn 2021 - 2022 như: cổ phiếu VIC của Tập đoàn Vingroup giảm 305.687 tỷ đồng; VHM của CTCP Vinhomes giảm 211.970 tỷ đồng; HPG của CTCP Tập đoàn Hòa Phát giảm 188.515 tỷ đồng; NVL của CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va giảm 158.380 tỷ đồng; VCB của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam giảm 136.438 tỷ đồng… Nhiều cổ phiếu giảm 80 - 90% từ đỉnh khiến rất nhiều nhà đầu tư rơi vào hoàn cảnh thua lỗ, thậm chí “cháy” tài khoản nếu dùng margin (cho vay ký quỹ). Nhiều chủ doanh nghiệp bị force sell (bán giải chấp) hàng chục triệu cổ phiếu và chấp nhận công ty bị sang tên, đổi chủ.

Nói về nguyên nhân khiến thị trường chứng khoán Việt Nam lao dốc, ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư của Công ty TNHH Chứng khoán Maybank (Maybank Invesment Bank) cho biết: “Yếu tố chính khiến thị trường chứng khoán toàn cầu cũng như Việt Nam lao dốc trong năm 2022 là chính sách thắt chặt tiền tệ trên toàn thế giới”.

Ông Phan Dũng Khánh cho biết thêm, tại Việt Nam hàng loạt “tin đồn” đã ảnh hưởng đến niềm tin của nhà đầu tư. Bên cạnh đó, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng liên tiếp trong hai năm 2020 - 2021 và được nhà đầu tư cá nhân, tự doanh “cân” hết. Sang năm 2022, mặc dù nhà đầu tư nước ngoài mua ròng nhưng nhà đầu tư cá nhân và tự doanh đều bán, trong đó nhà đầu tư cá nhân - chiếm đến 90% thị trường - họ mới là những người quyết định “cuộc chơi” thì đang là nhóm bán mạnh nhất.

Ngoài ra, tỷ lệ margin tại giai đoạn phồn thịnh năm 2021 ở mức quá cao nên khi thị trường điều chỉnh xuống cũng làm tăng áp lực bán giải chấp.

hoi-sinh-0747.jpg

Ông Phan Dũng Khánh dự báo thị trường chứng khoán sẽ tạo đáy và hồi sinh từ nửa đầu tháng 6/2023, nhà đầu tư có thể mua vào để chờ “mùa vụ mới”.

Thị trường sẽ hồi sinh?

Đại đa số nhà đầu tư đang sợ nhất là chính sách “thắt chặt tiền tệ” có tiếp tục được thực hiện trong năm 2023 nữa hay không? Trong năm 2022, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã có 7 lần tăng lãi suất từ mức 0,25% lên mức 4,5%, trong đó có có 4 lần liên tiếp tăng lãi suất cực mạnh 0,75 điểm phần trăm.

FED cho biết tiếp tục thực hiện tăng lãi suất với tốc độ tăng chậm lại nhưng đỉnh của lãi suất dự kiến lên tới 5,1% - cao hơn mức mà nhiều chuyên gia dự báo trước đó. Hiện nay, lượng tiền bơm ra đã gấp 8 - 9 lần so với cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008 nên chuyện FED tiếp tục thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ ngoài việc để kiềm chế lạm phát là còn giảm quy mô bảng cân đối kế toán quá khổng lồ. Đây là cục tiền bơm quá lớn, FED cần hút bớt trở lại. Do đó, lãi suất nói riêng và chính sách thắt chặt tiền tệ nói chung không thể kết thúc trong ngắn hạn.

Cuối năm 2022, lãi suất của FED đang ở mức 4,5%, vượt qua mức trung tính 2,5% (lãi suất ở mức không có lợi hoặc có hại cho nền kinh tế) đã cho thấy mức độ tác động vào kinh tế nói chung và thị trường tài chính nói riêng sẽ nằm trong năm 2023. Các chuyên gia lo sợ kinh tế rơi vào suy thoái bên cạnh chính sách thắt chặt tiền tệ.

Dự báo về thị trường chứng khoán Việt Nam, ông Phan Dũng Khánh cho rằng: “Thị trường chứng khoán tiếp tục gặp khó khăn trong nửa đầu năm 2023 và có xu hướng tích cực hơn vào nửa cuối năm. Đối với nhà đầu tư có chiến lược trung hạn có thể mua vào ở thời điểm nửa cuối năm 2023. Nếu chỉ số VN-Index phá đáy tháng 11/2022, thị trường chứng khoán trở nên hấp dẫn để đầu tư nhưng cần phải đi kèm dòng tiền quay trở lại. Dòng tiền ở đây là dòng tiền bền vững, dòng tiền lớn chứ không phải dòng tiền đầu cơ có tính chất tăng nhanh, giảm lẹ. Một dấu hiệu khác để nhận diện đáy của thị trường chứng khoán là khoảng 2 - 3 tháng sau khi thị trường tiền số phục hồi, theo như trước đây tiền số rớt thê thảm rồi mới đến chứng khoán.

Cổ phiếu của những ngành nên tránh đầu tư trong ít nhất nửa đầu năm 2023 là ngân hàng, chứng khoán, bất động sản. Nhà đầu tư nên quan tâm đến cổ phiếu của những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực: Công nghệ, vận tải hàng không, du lịch, khách sạn, thực phẩm dinh dưỡng, năng lượng xanh, xuất nhập khẩu tận dụng được tỷ giá…”

Năm 2023, nhà đầu tư bỏ tiền vào đâu?

Ông Phan Dũng Khánh cho rằng, nửa đầu năm 2023 gửi tiết kiệm vẫn là kênh đầu tư tốt nhất. Hiện nay, lãi suất kỳ hạn trên 6 tháng lên gần 10%/năm là một mức hấp dẫn cho người có tiền nhàn rỗi.

Nửa cuối năm 2023, khi thị trường chứng khoán trở nên hấp dẫn hơn, vùng mua an toàn, dòng tiền của nhà đầu tư cá nhân sẽ nhập cuộc sau một thời gian dài đứng ngoài thị trường.

Thị trường bất động sản đã bắt đầu chu kỳ tăng giá gần 10 năm và chỉ mới hạ nhiệt trong vài tháng gần đây trong khi chứng khoán đã đi xuống từ đầu năm 2022. Do đó, thị trường bất động sản khó có chuyện tăng trở lại mà tiếp tục đi xuống trong năm 2023. Thông thường, chứng khoán tăng trưởng mạnh trong một thời gian, nhà đầu tư mới tích lũy vào kênh tăng giá sau cùng là bất động sản. Do vậy, bất động sản chỉ có thể hồi phục từ năm 2024 trở đi.

Nguyễn Như