Thông tin trên được Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết chiều 4/11 tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10.

Theo đó, trao đổi với báo chí, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, lãi suất là vấn đề mà nền kinh tế, doanh nghiệp, khách hàng, người vay tiền ngân hàng rất quan tâm.

Cho đến thời điểm hiện nay, nhìn tổng quan đã đạt mục tiêu đó là giảm lãi suất hỗ trợ cho doanh nghiệp và hỗ trợ cho việc tăng trưởng tín dụng, cũng như hỗ trợ thêm việc mở rộng đầu tư để tăng GDP trong năm nay.

Thứ nhất, nếu lãi suất mà chỉ nghĩ đến câu chuyện cho vay, huy động và cho vay, tức là làm sao để đảm bảo quan hệ thì huy động thấp sẽ cho vay thấp. Nhưng vấn đề huy động lại phụ thuộc vào vấn đề lạm phát và các chỉ số khác. Vì thế, việc huy động mặc dù bây giờ cũng đã giảm nhưng phải tính toán giảm ở mức độ nào cho phù hợp. Chính vì thế lãi suất cho vay giảm ở mức độ nào cho phù hợp thì đây là một chỉ số rất cần quan tâm trong chỉ đạo điều hành phù hợp trong chỉ số kinh tế vĩ mô nói chung.

Thứ hai, lãi suất quan hệ rất chặt với tỷ giá khi mà lãi suất tiền đồng Việt Nam quá thấp mà tỉ giá đang ở mức cao, đặc biệt lãi suất ngoại tệ của các nước có ảnh hưởng đến Việt Nam đang rất cao dễ tạo ra sự chênh lệch và tình trạng đô la hóa xuất hiện cũng như là vấn đề tỷ giá có thể bị phá vỡ. Cho nên lãi suất điều hành làm sao phù hợp trong quan hệ với tỷ giá, đây là một yếu tố rất là phức tạp và cũng phải rất là cân nhắc thì phải điều hành.

Phó Thống đốc Đào Minh Tú trao đổi với báo chí.

Thứ ba, lãi suất còn liên quan đến rất nhiều những vấn đề trong nền kinh tế, kể cả chính sách tài khóa trong phát hành trái phiếu. Rồi những cái vấn đề liên quan đến huy động nguồn lực của nhà nước hay là sử dụng khoản cho vay của nhà nước nói chung.

Cái nữa, trong điều hành lãi suất phải đảm bảo hài hòa giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ. Trong điều hành lãi suất này thì NHNN luôn dựa trên việc tính toán để tìm ra một phương án hợp lý.

Theo Phó Thống đốc, từ đầu năm 2023 đến nay, quan điểm điều hành là vừa phù hợp với thực tiễn, vừa tăng cường khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp bằng việc giảm lãi suất. Ngay từ đầu năm NHNN cũng đã chỉ đạo, đưa thông điệp và sử dụng các công cụ để tạo điều kiện cho việc giảm lãi suất.

Trước hết là lãi suất điều hành, NHNN đã giảm 4 lần và mức giảm đến 2% cho một số các chỉ tiêu, một số mức lãi suất.

Đối với các ngân hàng thương mại, đúng là đến khoảng cuối tháng 7, đầu tháng 8, mức giảm là khoảng 1% so với cuối năm 2022.

Mức giảm lãi suất của các ngân hàng đã vượt kỳ vọng đề ra từ đầu năm

Theo Phó Thống đốc, từ đầu năm, NHNN đã tính toán với mức độ ảnh hưởng của kinh tế thế giới, khả năng chống chịu của nền kinh tế đất nước trước những khó khăn kép đang tác động tới nhiều mặt để điều hành chính sách tiền tệ hướng tới đảm bảo được mục tiêu kiểm soát lạm phát năm nay sẽ dưới 4,5% và hỗ trợ tăng trưởng.

NHNN đặt mục tiêu là cuối năm nay có thể đạt được mức lãi suất giảm trung bình của các ngân hàng thương mại khoảng từ 1-1,5%. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay theo thống kê cũng như đánh giá của NHNN thì mức lãi suất trung bình của những khoản cho vay mới sẽ giảm khoảng 2 - 2,2%, tức là vượt hơn kỳ vọng và mong muốn ngay từ đầu năm với mức lãi suất giảm.

Tất nhiên còn một số khoản cho vay trước đây, khi mà các ngân hàng thương mại huy động cao thì vẫn còn đang có thể neo cao vì độ trễ của chính sách. Để đảm bảo hài hòa các phương án tài chính của các ngân hàng thương mại khi huy động cao thì cho vay cũng tương xứng, tương đồng với nó.

Chính vì thế, NHNN cũng đã đề nghị các ngân hàng thương mại bằng mọi biện pháp, kể từ nay đến cuối năm phải tiết giảm, kể cả những lãi suất cho vay trước đây để đảm bảo hỗ trợ cho doanh nghiệp.

Cụ thể nhất là chiều 27/10 vừa qua, NHNN đã tổ chức hội nghị toàn ngành với 35 các ngân hàng thương mại lớn chiếm tỉ trọng chính cho vay của nền kinh tế. Hội nghị đã chỉ rõ những ngân hàng nào lãi suất còn cao, những ngân hàng nào lãi suất đã thấp, để những ngân hàng còn cao tìm biện pháp để giảm lãi suất hỗ trợ.

Hội nghị đã chỉ đạo rất quyết liệt, cụ thể đối với những ngân hàng mức lãi suất cho vay, chênh lệch đầu vào, đầu ra còn cao trên mức bình thường. Đến nay, 4 ngân hàng thương mại nhà nước với vai trò chủ lực, ví dụ như Vietcombank mức lãi suất cho vay trung bình hiện nay của tất cả các khoản cho vay ngắn, trung, dài hạn và tất cả những khoản cho vay cũ trước đây, cũng như các khoản cho vay mới hiện nay chỉ là 5,94%.

So với cuối năm 2022 đã giảm 1,75% và so với cùng kỳ năm ngoái đã giảm 0,29%. Đây là ví dụ về ngân hàng thương mại có quy mô lớn, dư nợ lớn, hoặc là ngân hàng BIDV thì mức cho vay trung bình là 6,46% và so với cuối năm ngoái thì giảm 2,59% và so cùng kỳ thì giảm 0,15%.

Tất nhiên cũng có những ngân hàng hiện nay mức cho vay bình quân còn cao, khoảng 9%, trên 9%, tất cả những ngân hàng này cũng đã được chỉ rõ và cũng đã yêu cầu phải tìm mọi biện pháp để giảm lãi suất.

“Mức lãi suất của các ngân hàng thương mại với điều hành của NHNN đến thời điểm hiện nay đã tương đồng, thậm chí là vượt những kỳ vọng đặt ra từ đầu năm”, Phó Thống đốc nhấn mạnh.

Trung Kiên