Thông tin trên được Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội của Quốc hội chiều 29/5 khi phát biểu, làm rõ thêm ý kiến của các đại biểu về những giải pháp thích ứng biến đổi khí hậu, thúc đẩy chuyển đổi năng lượng tái tạo, định giá đất, bảo đảm vật liệu san lấp cho các dự án cao tốc…
Theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ, trong phát biểu của mình, đề cập đến những hạn chế, tồn tại, yếu kém, tình trạng đùn đẩy, sợ trách nhiệm, lãng phí nguồn lực… trong hoạt động quản lý đất đai, bất động sản, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng, nguyên nhân đều liên quan đến Luật Đất đai, Luật Kinh doanh Bất động sản, Luật Nhà ở.
Vì vậy, Chính phủ đặt quyết tâm rất cao để trình Quốc hội cho phép 3 luật trên sớm có hiệu lực, nhằm giải quyết cơ bản những hạn chế, bất cập thời gian qua.
Phó Thủ tướng cho biết, ông đã chủ trì nhiều cuộc họp đóng góp ý kiến cho các nghị định hướng dẫn thi hành chi tiết Luật Đất đai, Luật Kinh doanh Bất động sản, Luật Nhà ở với sự tham gia của nhiều bộ, ngành, 63 tỉnh, thành phố, các chuyên gia, doanh nghiệp, hiệp hội… nhằm thể chế hóa đầy đủ các nội dung trong luật giao cho Chính phủ hướng dẫn, thực sự đi vào cuộc sống.
Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương cũng đang khẩn trương xây dựng các thông tư, quyết định có liên quan nhằm bảo đảm thực thi pháp luật được liên thông, đồng bộ khi luật có hiệu lực.
Về ý kiến cho rằng định giá đất là nguyên nhân của mọi nguyên nhân, Phó Thủ tướng khẳng định, Luật Đất đai năm 2024 quy định rất rõ ràng, cụ thể, minh bạch, rõ trách nhiệm của các bên tham gia định giá đất đai.
Luật đã giải quyết bài toán định giá đất phù hợp, sát với giá thị trường với phương pháp định giá theo vùng giá trị, thửa đất chuẩn khi hoàn thành cơ sở dữ liệu của từng thửa đất, từng thời điểm.
Còn trong giai đoạn chuyển tiếp, việc định giá đất đai được thực hiện theo 4 phương pháp đang được thế giới áp dụng (thu nhập, so sánh, thặng dư, hệ số điều chỉnh).
Liên quan đến việc này, trước đó, ngày 27/5/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 79/NQ-CP về Đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản và Luật Các tổ chức tín dụng.
Theo đó, Chính phủ thống nhất thông qua Đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản và Luật Các tổ chức tín dụng như đề nghị của Bộ Tài nguyên và Môi trường tại Tờ trình số 58/TTr-BTNMT ngày 26/5/2024 và hồ sơ liên quan kèm theo.
Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Tư pháp thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ ký tờ trình đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, trình Quốc hội bổ sung Đề nghị xây dựng 4 luật trên vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, trình Quốc hội xem xét, quyết định xây dựng, ban hành luật theo trình tự, thủ tục rút gọn; cho ý kiến, thông qua tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV (tháng 5 năm 2024).
Theo đề xuất của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Luật Đất đai có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024 thay vì ngày 1/1/2025 như đã quy định, mục đích nhằm đưa Luật Đất đai sớm đi vào cuộc sống, khơi thông nguồn lực đất đai, kịp thời giải quyết, xử lý dứt điểm các tồn đọng về đất. Bên cạnh đó, hỗ trợ, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển, phát huy tiềm năng, sử dụng hiệu quả cao nhất giá trị nguồn lực đất đai.
Đồng thời, qua đó tháo gỡ được những khó khăn trong tiếp cận đất đai phục vụ sản xuất kinh doanh, thu hút đầu tư, đóng góp lớn cho việc hoàn thành mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra, ổn định về xã hội, lợi ích thiết thực cho nhân dân./.