Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối năm 2023, tổng dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản (BĐS) đạt khoảng 2,75 triệu tỷ đồng (chiếm 21,51% tổng dư nợ nền kinh tế), tăng 6,75% so cuối 2022.

Trong đó, tín dụng phục vụ mục đích kinh doanh BĐS chiếm tỷ trọng 36%, tăng 22% so với cuối năm trước. Còn tín dụng phục vụ mục đích tiêu dùng, tự sử dụng BĐS chiếm 64%, giảm 0,7%.

Như vậy, xét theo tỷ trọng nói trên, khoản tín dụng mà các ngân hàng cấp cho các chủ đầu tư dự án đạt xấp xỉ1 triệu tỷ đồng. So với cuối năm 2022, cả tỷ trọng và quy mô của phân khúc này đều tăng mạnh. Cuối năm trước, quy mô cho vay kinh doanh bất động sản đạt khoảng 803.000 tỷ đồng, chiếm 31% tín dụng cho lĩnh vực BĐS.

Trong năm 2023, một loạt giải pháp của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã phát huy tác dụng, tạo điều kiện tháo gỡ những khó khăn cho các dự án bất động sản. Nhờ vậy, tỷ lệ cho vay hoạt động kinh doanh bất động sản tại một số ngân hàng như: Techcombank, VPBank, SHB, MSB, MB, TPBank tăng mạnh so với cuối năm 2022.

Điển hình, hiện nay Techcombank là nhà băng có tỷ trọng cho vay hoạt động kinh doanh bất động sản trên tổng dư nợ lớn nhất trong số các ngân hàng công khai chi tiết, với tỷ trọng 35,22% tại thời điểm 31/12/2023, trong khi cùng kỳ năm trước là 26,44%.

VPBank đứng thứ hai với tỷ trọng cho vay bất động sản là 19%, trong khi cuối năm 2022 là 14,39%.

Tại VietBank, tỷ trọng cho vay BĐS cũng lên tới 19%, nhưng đã giảm 1% so với cuối năm 2022.

Ngoài ra, một số nhà băng khác cũng tăng mạnh tỷ lệ cho vay bất động sản như SHB tăng từ 8,33% lên 15,45%; MB tăng từ 4,91% lên 7,49%; MSB tăng nhẹ từ 8,75% lên 8,96% tổng dư nợ, TPBank tăng từ 6,31% lên 7,12%...

Ở chiều ngược lại, các ngân hàng ghi nhận tỷ trọng cho vay bất động sản giảm gồm: VIB, Kienlong Bank, PGBank, VietBank, BVBank….

Ảnh minh họa

Tăng trưởng tín dụng sẽ cải thiện khi thị trường bất động sản phục hồi

Về định hướng tín dụng năm 2024, NHNN đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng khoảng 15%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế. Theo đó, ước tính khoảng 2 triệu tỷ đồng sẽ được đưa vào nền kinh tế.

Thời gian qua, để chủ động đưa nguồn tiền ra thị trường, ngay từ đầu năm 2024, NHNN đã cấp toàn bộ hạn mức cho các ngân hàng, khác với các năm trước cấp theo từng đợt.

Trong báo cáo mới công bố, các chuyên gia phân tích tại Công ty chứng khoán BIDV (BSC) kỳ vọng, tăng trưởng tín dụng 2024 có thể đạt khoảng 14% trong kịch bản cơ sở. Động lực sẽ đến từ các lĩnh vực liên quan đến xuất khẩu, đầu tư công, kinh doanh bất động sản …

Dù vậy, các chuyên gia cũng nhận thấy rủi ro từ việc nền kinh tế phục hồi chậm hơn dự kiến, từ đó khiến nhu cầu tín dụng (nhất là từ phía người tiêu dùng) có thể sẽ bị dồn nén về nửa cuối năm.

Theo BSC, yếu tố chính cần theo dõi sẽ là sự phục hồi thanh khoản trên thị trường BĐS khi dư nợ BĐS hiện chiếm hơn 21% tổng dư nợ nền kinh tế (trong đó 64% là mục đích tiêu dùng và 36% là mục đích kinh doanh), từ đó sẽ quyết định tốc độ phục hồi của nhu cầu tín dụng.

Theo báo cáo, thực tế cho thấy tín dụng tiêu dùng BĐS đã có dấu hiệu tạo đáy trong tháng 9/2023 và bật tăng trong tháng 10/2023, trong khi lãi suất ưu đãi cho vay mua nhà đang tiếp tục xu hướng giảm (hiện lãi suất năm đầu trung bình khoảng 8%) và dần trở về mức bình thường hóa.

“Các vấn đề pháp lý dần được tháo gỡ qua sửa đổi Luật Đất đai có hiệu lực từ 1/1/2025 sẽ giúp thị trường BĐS bắt đầu sôi động trở lại từ nửa cuối 2024. Điều này sẽ giúp tăng trưởng tín dụng thực sự cải thiện trong năm nay”, BSC kỳ vọng.