Số liệu trên được Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) cho biết tại báo cáo mới phát hành.

Theo đó, tại báo cáo trên, VBMA đưa ra số liệu tổng hợp từ HNX và SSC cho biết, năm 2023, tổng giá trị phát hành TPDN được ghi nhận là 311.240 tỷ đồng, gồm 29 đợt phát hành ra công chúng, trị giá 37.071 tỷ đồng (chiếm 11.9% tổng giá trị phát hành) và 286 đợt phát hành riêng lẻ trị giá 275.028 tỷ đồng (chiếm 88.1% tổng số).

Ngân hàng là nhóm ngành phát hành nhiều nhất với 176.006 tỷ đồng (tương đương 56.5% tổng giá trị phát hành), theo sau là nhóm Bất động sản với 73.202 tỷ đồng (chiếm 23.5%).

Ghi nhận diễn biến thị trường trái phiếu trong năm 2023 có thể thấy, năm vừa qua, thị trường TPDN có phân hóa khá rõ ràng. Nửa đầu năm, kênh huy động vốn này gần như đóng băng. Quý 1/2023, thị trường gần như không có đợt phát hành TPDN nào, lượng TPDN phát hành của cả 6 tháng đầu năm cũng chỉ đạt khoảng 43.000 tỷ đồng.

Tuy vậy, trong 6 tháng cuối năm, thị trường đã phục hồi khá rõ rệt. Tổng lượng TPDN phát hành 6 tháng cuối năm cao gấp gần 6 lần lượng phát hành nửa đầu năm; trong đó, ngân hàng là nhóm phát hành nhiều nhất.

Liên quan đến vấn đề này, trước đó như chúng tôi đã đưa tin, theo công bố của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội chỉ trong vòng một tuần lễ đầu tiên của tháng 12/2023, loạt ngân hàng ABBank, HDBank, TPBank, Nam A Bank… đã phát hành hàng nghìn tỷ đồng trái phiếu.

Cụ thể, Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) mới đây đã có văn bản gửi tới Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) công bố thông tin về kết quả chào bán trái phiếu riêng lẻ.

Theo công bố, trong ngày 6/12/2023, nhà băng này đã phát hành thành công 1.000 trái phiếu mã ABBL2325007, mệnh giá 1 tỷ đồng/trái phiếu, tương đương với số tiền thu về 1.000 tỷ đồng.

Đây là lô trái phiếu có kỳ hạn 2 năm, đáo hạn vào ngày 6/12/2025 với lãi suất chỉ 6,2%/năm.

Cùng ngày Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HDBank) cũng phát hành thành công 2.322 tỷ đồng lô trái phiếu có mã HDBL2331005. Lô trái phiếu này có kỳ hạn kéo dài tới 8 năm với mức lãi suất khá cao so với mặt bằng chung là 8,02%/năm.

Cũng trong ngày 8/12, Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank) cũng có văn bản gửi tới Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội công bố thông tin về việc phát hành thành công lô trái phiếu mã NABL2330004 với tổng giá trị thu về 400 tỷ đồng.

Lô trái phiếu này được phát hành vào ngày 1/12/2023 kéo dài trong kỳ hạn 7 năm với mức lãi suất 7,5%/năm.

Tương tự trong ngày 1/12, Ngân hàng TMCP Tiên Phong cũng đã phát hành thành công 450 tỷ đồng trái phiếu mã TPBL 2333015. Đây là lô trái phiếu này có kỳ hạn kéo dài tới 10 năm, kèm mức lãi suất 7,03%/năm.

Đáng chú ý, trước đó một ngày (30/11), TPBank cũng đã phát hành thành công 2.000 tỷ đồng trái phiếu mã TPBL2326014. Lô trái phiếu này có kỳ hạn 3 năm và lãi suất là 5,7%/năm.

Tương tự, trong ngày 30/11, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam cũng phát hành thành công 300 tỷ đồng trái phiếu mã CTGL2331009.

Theo công bố của HNX, lô trái phiếu này có kỳ hạn 8 năm với lãi suất chỉ từ 6,43%/năm.

Về lượng trái phiếu đáo hạn trong năm 2024 tương đối lớn với hơn 297.000 tỷ đồng trái phiếu tới hạn, trong đó nhóm bất động sản vẫn chiếm tỷ trọng lớn, theo thống kê mới nhất từ Chứng khoán Yuanta.

Cụ thể, trong năm 2024, bất động sản có khoảng 123.000 đồng trái phiếu tới hạn, tiếp theo là ngân hàng với gần 80.000 tỷ đồng, nhóm xây dựng và vật liệu 22.000 tỷ đồng; du lịch giải trí gần 20.000 tỷ đồng, còn lại là nhóm khác gồm dịch vụ tài chính.

Năm 2025, lượng trái phiếu đáo hạn sẽ hạ nhiệt với khoảng 270.000 tỷ đồng nhưng con số này chỉ thấp so với năm 2024 và cao hơn đáng kể so với những năm trước đó.