Tuần đầu tiên trong năm 2024, theo khảo sát, hầu hết các ngân hàng đều áp dụng 2 mức lãi suất cho vay mua nhà, đó là lãi suất vay ưu đãi trong một khoảng thời gian cố định và lãi suất sau thời gian ưu đãi. Biên độ điều chỉnh lãi suất cho vay giữa ưu đãi và sau ưu đãi ở các ngân hàng phổ biến từ 2-3,8%.

Cụ thể, lãi suất ưu đãi khi vay mua nhà ở thương mại tại các ngân hàng hiện dao động từ 5,9-10,5%/năm, áp dụng ở kỳ hạn vay ngắn từ 3 - 6 tháng, hết thời gian ưu đãi, lãi suất thả nổi rơi vào khoảng 8 -13%/năm.

Cụ thể, lãi suất cho vay mua nhà tháng 1/2024 thấp nhất thị trường đang thuộc về VPBank với mức 5,9%/năm.

Tiếp theo, một loạt ngân hàng có mức lãi suất cho vay mua nhà từ 6 – 6,9%, giảm cực mạnh so với tháng trước đó (12/2023), gồm: BIDV, Vietcombank, TPBank, MSB, Sacombank, Shinhan Bank…. Trước đó, trong tháng 12/2023, nhiều ngân hàng thuộc nhóm này có lãi suất cho vay mua nhà thấp nhất từ 7,5-10,99%/năm.

Ảnh minh họa

Nhóm có lãi suất từ 7-7,5% gồm: Agribank, MBBank, VIB, SHB, Woori Bank…

Một số ngân hàng có lãi suất cho vay mua nhà cao so với toàn ngành, gồm: Techcombank với 10,5%/năm; HSB với 9,75%/năm, SeABank với 9,29%/năm, OCB với 8,49%/năm, Eximbank với 8,5%...

Liên quan đến việc này, cách đây ít ngày, tại họp báo định hướng năm 2024, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, sau 4 lần liên tục điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành trong năm 2023 với mức giảm 0,5-2,0%/năm trong bối cảnh lãi suất thế giới tiếp tục tăng và neo ở mức cao, tạo điều kiện để giảm mặt bằng lãi suất cho vay của thị trường. Đồng thời, chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí và áp dụng đồng bộ các biện pháp giảm mặt bằng lãi suất cho vay. Đến nay, lãi suất tiền gửi và cho vay mới của các ngân hàng thương mại đã giảm khoảng hơn 2,0%/năm so với cuối năm 2022.

Theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, đến thời điểm hiện tại, lãi suất cho vay đã ở mức rất thấp, kể cả ngắn, trung và dài hạn, cũng như lĩnh vực ưu tiên và không phải ưu tiên.

"Mặt bằng lãi suất giảm thấp nhất trong 20 năm qua. Nhiều ngân hàng nói lãi suất không thể thấp hơn được nữa. Còn một số khoản cho vay lãi suất cao khi ngân hàng thương mại huy động cao chắc chắn trong năm 2024 sẽ được xử lý", ông Tú nói.

Về định hướng điều hành lãi suất trong năm 2024, Phó Thống đốc nhấn mạnh, tinh thần là các ngân hàng tiếp tục tiết kiệm chi phí, tiết kiệm những khoản chi quản lý, hành chính, qua đó lấy nguồn lực để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.

"Lãi suất bình quân của nền kinh tế, lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước phải căn cứ vào nhiều phương diện để đảm bảo sự cân đối hài hoà kinh tế vĩ mô. Nhưng tinh thần là nếu lãi suất giảm được thấp hơn sẽ tiếp tục giảm trong điều kiện kinh tế vĩ mô cho phép", ông Tú Khẳng định.