Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương (Saigonbank - Upcom: SGB).

Từ cuối quý 3/2022, nhằm đối phó với tỷ giá tăng mạnh, Ngân hàng Nhà nước bắt đầu tăng lãi suất điều hành. Vì vậy, lãi suất huy động đồng loạt tăng vọt trên hệ thống ngân hàng.

Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương (Saigonbank - Upcom: SGB) thường xuyên nằm trong Top các đơn vị có lãi suất tiết kiệm cao nhất hệ thống. Hiện tại, sau khi Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo cả hệ thống phải điều chỉnh lãi suất nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, Saigonbank vẫn chưa thay đổi biểu lãi suất.

Tới ngày 19/12/2022, website chính thức của Saigonbank vẫn niêm yết biểu lãi suất được áp dụng từ ngày 25/11/2022. Theo đó, mức cao nhất vẫn là 10,5%/năm (kỳ hạn 13 tháng, trả lãi cuối kỳ). Ở các kỳ hạn 12 tháng, 18 tháng, 24 tháng và 36 tháng, ưu đãi cũng rất cao, lên đến 10%/năm.

Huy động vốn "giậm chân tại chỗ", dòng tiền âm 1.520 tỷ

Ngoài yếu tố đến từ thị trường chung, Saigonbank cũng có lý do riêng của mình khi phải niêm yết lãi suất ở mức cao. Đó là huy động vốn của ngân hàng đang có xu hướng “giậm chân tại chỗ” suốt thời gian qua.

Cụ thể, tại ngày 30/9/2022, chỉ tiêu Tiền gửi khách hàng tại Saigonbank chỉ đạt 18.339 tỷ đồng, tăng… 13 tỷ đồng, tương đương 0,07% so với quý 2/2022; tăng 234 tỷ đồng, tương đương 1,29% so với cuối năm 2021.

Trong khi đó, tăng trưởng tín dụng lại cao hơn nhiều. Chỉ tiêu Cho vay khách hàng đạt 18.335 tỷ đồng, tăng 1.813 tỷ đồng, tương đương 11,1% so với cuối năm 2021.

Như vậy, chỉ số LDR thuần (tỷ lệ dư nợ tín dụng/vốn huy động) tại Saigonbank đạt xấp xỉ 100%, một tỷ lệ cao trong toàn hệ thống ngân hàng.

Trước đó, trong năm 2021, Saigonbank thậm chí còn chứng kiến tăng trưởng huy động vốn là con số âm dù hoạt động cho vay vẫn diễn ra khá tốt.

Cụ thể, tại ngày 31/12/2021, chỉ tiêu Tiền gửi khách hàng tại Saigonbank chỉ đạt 18.105 tỷ đồng, giảm 119 tỷ đồng, tương đương 0,65% so với năm 2020. Chỉ tiêu Cho vay khách hàng đạt 16.430 tỷ đồng, tăng 1.009 tỷ đồng, tương đương 6,58%.

Có thể thấy, suốt thời gian qua tại Saigonbank, Cho vay khách hàng vẫn tăng đều đặn nhưng Tiền gửi khách hàng hoặc giảm hoặc gần như đứng im.

Kết quả là tăng lãi suất trở thành xu hướng tất yếu tại nhà băng này.

Bên cạnh đó, tính tới hết quý 3/2022, dòng tiền lưu chuyển thuần trong năm của Saigonbank đang âm 1.520 tỷ đồng. Đó là kết quả của việc dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh âm đến 1.507 tỷ đồng cộng với dòng tiền từ hoạt động đầu tư âm thêm gần 13,5 tỷ đồng.

Nợ có khả năng mất vốn và chi phí dự phòng tăng vọt

Saigonbank đang bộc lộ một số vấn đề. Bên cạnh LDR ở mức cao, nợ nhóm 5 - nợ có khả năng mất vốn tăng mạnh khiến ngân hàng phải mạnh tay trích lập dự phòng rủi ro tín dụng.

Cụ thể, trong quý 3/2022, Saigonbank chi 20,8 tỷ đồng cho chi phí dự phòng rủi ro tín dụng. Nhưng tính chung 9 tháng đầu năm, chỉ tiêu này lên đến 202 tỷ đồng, cao gấp 1,1 lần so với lợi nhuận sau thuế trong kỳ. Đây là kết quả của việc nợ xấu tăng đáng kể tại Saigonbank.

Hồi cuối quý 3, nợ xấu cho vay khách hàng của Saigonbank đạt 391 tỷ đồng, chiếm 2,13% dư nợ tín dụng, tăng so với con số 326 tỷ đồng (tương đương 1,98%) hồi cuối năm 2021. Đáng chú ý nhất, nợ có khả năng mất vốn tăng vọt, tăng 76 tỷ đồng, tương đương 42,9% lên 253 tỷ đồng.

Nhưng nợ xấu tại Saigonbank chưa dừng lại ở đó. Một phần nợ xấu rất lớn đã được “chuyển” sang VAMC.

Tại ngày 30/9/2021, Trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành lên đến 612 tỷ đồng, tăng mạnh so với con số 330 tỷ đồng hồi cuối năm 2021.

Từ ngày 1/1/2020, LDR (được tính bằng tỷ lệ tổng dư nợ cho vay trên tổng tiền gửi - bao gồm tiền ký quỹ, huy động trái phiếu, kỳ phiếu…) của các ngân hàng thương mại tối đa là 85%, theo quy định tại Thông tư 22/2019. Tỷ lệ LDR thuần không trùng với LDR tính theo Thông tư 22 (do khó để xác định được hết các thành tố), tuy vậy xu hướng tăng lên của LDR thuần cho thấy mức độ căng thẳng về cân đối vốn tăng lên khi tiền gửi của khách hàng giảm. 

P.V